(Chia sẻ Tin Mừng Thứ 7 Tuần 27 TN)

loi-ngoi-khen.jpg

“Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú
mớm” Lc 11,27). 
Đây chỉ là một lời khen
bộc trực của một người phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm khi chứng kiến những việc
Chúa Giêsu đã làm và những lời Chúa Giêsu đã dạy. Tuy nhiên, lời khen ngợi này
đã có những tác động mạnh mẽ đối với người nghe hôm đó.

– Tác động thứ nhất: lời khen ngợi này chắc chắn đã làm đẹp
lòng Chúa Giêsu. Vì chẳng những bà khen ngợi Chúa, mà còn gián tiếp khen ngợi
Đức Mẹ. Có lẽ bà cũng là một người mẹ, nên bà cảm nhận được rằng người mẹ đã
sinh ra Chúa phải hạnh phúc lắm lắm.

– Tác động thứ hai: lời khen ngợi này đã mở ngõ cho Chúa
Giêsu mạc khải một mối phúc quan trọng: “Phúc cho những kẻ biết lắng
nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” 
(Lc 11,28). Cái phúc này còn lớn hơn
cả cái phúc của người đã cưu mang và sinh dưỡng Chúa Giêsu.

– Tác động thứ ba: lời khen ngợi này còn được hậu thế muôn
đời nhắc đi nhắc lại. Các môn đệ của Chúa chắc là rất ấn tượng trước lời khen
khéo léo và tinh tế của người phụ nữ hôm ấy, cũng như câu đáp trả của Chúa
Giêsu dành cho bà, nên đã đưa câu chuyện này vào trong Tin Mừng Luca.

Tin Mừng cũng đã ghi lại nhiều lần Chúa Giêsu cất lời khen ngợi.
Ngài ngợi khen chúc tụng Chúa Cha khi thấy Chúa Cha đã mạc khải những chân lý
nhiệm mầu cho những người hèn mọn. Ngài công khai khen ngợi tông đồ Phêrô đã có
lời tuyên xưng đức tin xuất thần, khen ngợi Nathanael có lòng dạ ngay chính.

Ngài khen ngợi những người có niềm tin mạnh mẽ, như viên sĩ quan
dân ngoại có người đầy tớ đau nặng, hay người phụ nữ xứ Canaan có đứa con bị
quỷ ám. Ngài khen ngợi lòng đạo chân thành của bà góa nghèo bỏ tiền vào Đền
Thờ, lòng yêu mến nồng nàn của người phụ nữ tội lỗi xức dầu thơm chân Ngài,
v.v,… Chắc chắn những người được Chúa Giêsu khen ngợi cảm thất rất hạnh phúc và
có khi lời khen ngợi ấy còn khiến họ thay đổi cuộc đời.

Cuộc sống rất cần những lời khen ngợi. Vì theo tâm lý
tự nhiên, ai cũng muốn nghe những lời khen ngợi, khích lệ, đặc biệt là lời khen
ngợi đúng lúc. Dĩ nhiên là lời khen chân thành, không giả dối hay xu nịnh. Tiến
sĩ Masaru Emoto, giám đốc Viện Hado ở Nhật Bản đã tiến hành thí nghiệm sự biến
hóa của nước dưới sự ảnh hởng của âm thanh tác động bên ngoài và phát hiện: khi
ông phát những ca khúc nổi tiếng của Mozart và Beethoven rồi dùng kính hiển vi
quan sát, ông nhận thấy các tinh thể nước sẽ thuận theo những giai điệu đẹp đó
mà không ngừng sản sinh ra những biến hóa đẹp mắt. Tương tự nói những lời dễ
nghe thì các tinh thể nước cũng tạo thành những hoa văn rất đẹp. Ngược lại, khi
nói những lời khó nghe thì các tinh thể nước lại chuyển động hỗn loạn, không có
trật tự. Vì thế, nói những lời khen ngợi khích lệ người khác cũng sẽ làm rung
động tinh thần của người đó, và làm cho nét mặt của họ tươi sáng lên.

Quả vậy, những lời khen chân thành thường xuất phát từ một tâm hồn
dễ rung cảm trước những cái hay cái tốt cái đẹp. Những cái hay cái đẹp cái tốt
ấy có thể đến từ con người, hoặc đến từ thiên nhiên, vũ trụ, nhất là từ Thiên
Chúa vốn là cội nguồn của Chân – Thiện – Mỹ.

Lời khen chân thành còn xuất phát từ một người có lòng bác ái vị
tha. Vì lời khen ngợi của họ đem lại sự tươi mát và phấn khích cho tâm hồn của
người được khen. Cổ nhân đã từng nói: “Nhất tự chi bao vinh ư hoa cổn –
một lời khen còn vinh dự hơn cả tấm áo vua ban”.

Thực tế cho thấy có những người không bao giờ mở miệng khen ai hay
tán dương ai; có chăng là chỉ biết chê bai. Hãy tìm cái hay cái tốt cái đẹp nơi
người khác và quảng đại cho họ lời khen. Một lời khen không mất mát gì, nhưng
giúp tăng thêm thiện cảm, tình thân, và động lực cho cuộc sống. Một lời khen
ngợi không làm hao tổn gì, nhưng giúp ta lan tỏa niềm vui và trải rộng tình yêu
thương cho người khác.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long