(22.6.2022 – Thứ tư Tuần 12 Thường niên)

Mt7_15-20-By-their-fruits-you-will-know-them.jpg

Lời Chúa: Mt 7, 15-20

 

15 Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em ; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. 16  Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái ? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ ? 17 Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. 18 Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. 19 Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. 20 Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”

 

Suy Niệm

 

Thời nào Hội Thánh cũng có những ngôn sứ giả.

Họ mang dáng dấp là người của Chúa, người nói lời Chúa.

 Họ hấp dẫn quần chúng và có nhiều người chạy theo.

Đức Giêsu dạy ta phải coi chừng họ (c. 15).

 Ngài dùng một hình ảnh quen thuộc để nói lên mối nguy cơ này.

 Các ngôn sứ giả đội lốt chiên tốt lành mà đến với dân Chúa.

 Nhưng thực chất họ là sói dữ tham mồi.

 Cái khó là nhận ra bộ mặt thật của họ để không bị đánh lừa.

 Không nhận ra họ là sói, chúng ta có thể dễ làm mồi cho họ.

 

Đức Giêsu dùng một hình ảnh khác

để chỉ cho ta cách phân biệt chiên với sói : hình ảnh quả và cây.

 Cây nào sinh quả ấy: đó là một nguyên tắc bất biến.

“Có ai hái được nho ở bụi gai, hay hái vả trên cây găng không?” (c. 16).

 Hẳn là không rồi.

 Cây tốt ắt sinh quả tốt, cây bị sâu ắt sinh quả chẳng ra gì (c. 17).

 Hơn nữa, Đức Giêsu còn mạnh mẽ khẳng định :

 cây tốt không thể sinh quả xấu,

 và cây xấu không thể sinh quả tốt được (c. 18).

 Chính vì thế cứ nhìn quả thì biết cây.

 Cứ nhìn những công việc do một người làm,

 ta sẽ biết người ấy là ai (cc. 16. 20).

 Những môn đệ đích thực của Đức Giêsu hẳn sẽ sinh quả tốt,

đó là sống công chính như giáo huấn của Bài Giảng trên núi.

 Còn những ngôn sứ giả bị lộ mặt nạ qua đời sống bất chính của họ.

 

Chuyện ngôn sứ giả đã có từ xưa trong Cựu ước.

Ở Côrintô, thánh Phaolô đã phải vất vả đối đầu

 với những kẻ mà ngài gọi là tông đồ giả, đội lốt tông đồ của Đức Kitô.

 Ngài còn thêm : “Lạ gì đâu !

 Vì chính Xa tan cũng đội lốt thiên thần sáng láng !” (2 Cr 11, 13-14).

 Như thế các tín hữu phải cảnh giác để phân biệt chân và giả,

đặc biệt trong thời Hội Thánh gặp khủng hoảng khó khăn.

 Họ phải tỉnh táo để khỏi bị dáng vẻ bên ngoài hay lý luận mê hoặc.

Điều cần lưu tâm là đời sống công chính của vị ngôn sứ.

 

Trong thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô cho chúng ta một tiêu chuẩn

để nhận ra  hoa quả nào là bắt nguồn từ Thần Khí (5, 22).

Đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín…

Những điều ngược lại, ngài gọi là những hành động của xác thịt,

 như hận thù, bất hòa, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái… (5, 20).

 Sống trong một thế giới phẳng và đa nguyên, người kitô hữu hôm nay

 chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và nhanh chóng,

 bởi nhiều nguồn thông tin, đến từ nhiều người.

 Những tiêu chuẩn của Đức Giêsu hay của thánh Phaolô vẫn còn giá trị.

Nhưng chúng ta cần có thời gian để phân định quả xấu, quả tốt.

Và cũng cần có thời gian để nhận ra đâu là sói, đâu là chiên.

 

Cầu Nguyện

 

Như thánh Phaolô trên đường về Ðamát,

xin cho con trở nên mù lòa

 vì ánh sáng chói chang của Chúa,

để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.

 Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,

 ánh sáng phá tan bóng tối trong con

 và đòi buộc con phải hoán cải.

 

Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối

 chỉ vì chút tự ái cỏn con.

 Xin cho con khiêm tốn

để đón nhận những tia sáng nhỏ

mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.

 

Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý

để Chân lý cho con được tự do.

 

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ