(26.12.2021 – Chúa nhật Lễ Thánh Gia Thất, năm C)

Jesus_Teaching_the_Elders_in_the_Temple.jpg

Lời Chúa: Lc 2,41-52

41 Hằng năm, cha mẹ Ðức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ
Vượt Qua. 
42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình
cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. 
43 Xong kỳ lễ, hai ông
bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay
biết. 
44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành,
nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen
thuộc. 
45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại
Giêrusalem mà tìm.

46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang
ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 
47 Ai
nghe cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. 
48 Khi thấy
con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử
với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm
con!” 
49 Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không
biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” 
50 Nhưng
ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và
hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy
trong lòng. 
52 Còn Ðức Giêsu, ngày càng khôn lớn, và được
Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.

Suy Niệm

Khi nghĩ đến Thánh Gia, ta thường nghĩ đến một
gia đình

hết sức bình yên, đầy ắp tiếng cười và niềm
hạnh phúc.

Một gia đình có Chúa như gia đình Thánh Gia

dĩ nhiên không thể nào sóng gió chạm đến được.

Bài Tin Mừng hôm nay lại cho ta thấy một sự cố
xảy ra,

một chuyện không vui, kéo theo nhiều âu lo và
nước mắt.

Mà chuyện ấy lại xảy ra sau những ngày lễ rất
vui.

Đó là tuần lễ Vượt Qua, lễ lớn nhất của dân
Do-thái.

 

Cả gia đình gồm thánh Giuse, Mẹ Maria và Cậu
Giêsu

vượt đoạn đường xa để lên Đền thờ Giêrusalem
mừng lễ.

Họ vui vẻ đi chung với các đoàn hành hương.

Khi lễ kết thúc, hai ông bà trở về Nadarét,

Nghĩ rằng cậu con trai mười hai tuổi của mình
đi với bà con,

sau một ngày đàng hai ông bà mới đi tìm nhưng
không thấy.

Hẳn cả hai đã rơi vào tình trạng hốt hoảng, lo
sợ.

Họ không biết điều gì đã xảy ra cho con mình,

đứa con được Thiên Chúa ban như một quà tặng.

Hai ông bà tìm kiếm trong tuyệt vọng và nước
mắt,

gặp ai cũng hỏi, nhưng chẳng ai thấy bóng cậu
bé Giêsu.

Những ngày lễ vui bỗng trở thành u ám, buồn
thảm.

Vòng trở lại Đền thờ để tiếp tục tìm kiếm,

cuối cùng họ sửng sốt khi tìm thấy con ngồi
rất bình yên,

như đang trò chuyện với các bậc thầy ở đó.

Chẳng nói thì ai cũng biết hai ông bà vui đến
thế nào.

Họ đã mất ba ngày tìm kiếm con rồi mới tìm
thấy.

Nhưng người Mẹ không thể không buông lời trách
con:

“Tại sao con lại làm như vậy? Cha mẹ đã khổ
tâm tìm con!”

 

Như Đức Maria, chúng ta cũng ngạc nhiên về Cậu
Giêsu.

Cậu đã mười hai tuổi, hẳn đã biết cách cư xử
với cha mẹ.

Cậu có thể ở lại Đền thờ, sao Cậu không nói
một lời,

như thế tránh được bao là khổ đau và nước mắt.

Nhưng điều làm ta bị sốc lại là câu trả lời
của Cậu.

Cậu trả lời câu hỏi tại sao bằng một câu hỏi
tại sao khác:

“Tại sao cha mẹ tìm con?

Cha mẹ không biết con phải ở nhà của Cha con
sao?”

Có người con nào dám nói với mẹ mình câu đó
không,

khi nước mắt người mẹ chưa kịp khô?

Dĩ nhiên cả hai ông bà đều không hiểu lời của
Cậu (Lc 2,50).

Mẹ Maria có thói quen của một tâm hồn chiêm
niệm.

Khi Mẹ không hiểu thì Mẹ không bực bội gạt đi,

nhưng giữ kỹ mọi chuyện trong trái tim Mẹ (Lc
2,51).

Nhờ đó Mẹ từ từ đi sâu vào mầu nhiệm của Con
mình,

từ từ hiểu hơn những gì trước đây Mẹ không
hiểu.

 

Hành động và lời nói của Cậu Giêsu trong biến
cố này

không phải là dấu hiệu nổi loạn của tuổi mới
lớn,

muốn tự khẳng định mình trước quyền uy của mẹ
cha.

Nhưng đây là dấu hiệu trưởng thành đầu tiên
của Cậu Giêsu.

Cậu ý thức mình không những phải vâng phục cha
mẹ,

mà nhất là phải vâng phục Thiên Chúa,

Đấng mà Cậu bắt đầu có tương quan thân thiết,

Đấng mà Cậu trìu mến gọi là “Cha của con” (Lc
2,49; Ga 2,16).

Khi nhận ra Cha muốn mình “phải” ở lại nhà
Cha,

Cậu đã làm một quyết định khó khăn, khiến cha
mẹ buồn.

Điều này cho thấy Cậu có một sự độc lập nào đó
với cha mẹ,

và cho thấy sự tùy thuộc hoàn toàn của Cậu vào
Thiên Chúa.

 

Khi nghĩ đến Mầu nhiệm Nhập Thể,

ta thường nghĩ tới Hài Nhi Giêsu sinh ra ở
Belem.

Thật ra Con Thiên Chúa đã lớn lên khi mười hai
tuổi,

và tiếp tục lớn lên quân bình về thể lý, trí
tuệ và tâm linh,

cho đến khi đi sứ vụ cho Cha ở tuổi ba mươi
(Lc 2,40.52).

Đây là mầu nhiệm của sự tăng trưởng không
ngừng.

Mẹ Maria và Thánh Giuse đã đón nhận mầu nhiệm
ấy,

dù gia đình cũng có lúc căng thẳng vì không
hiểu nhau.

Mỗi thành viên trong nhà là một mầu nhiệm.

Tin Mừng hôm nay mời cha mẹ lắng nghe con cái,

và giúp chúng tự do đi đúng con đường Chúa mời
gọi.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giê su,

sau hơn ba mươi năm sống dưới mái nhà ở
Nadarét,

Chúa đã thành một người chín chắn và trưởng
thành,

sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.

 

Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ

trong việc hình thành nhân cách của Chúa.

Chúa đã học nơi thánh Giuse sự lao động miệt
mài,

sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,

sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia
đình.

Chúa đã học nơi Mẹ Maria sự tế nhị và phục vụ,

sự buông mình sống trong lòng tin phó thác,

và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

 

Xin nhìn đến gia đình chúng con,

xin biến nó thành nơi sản sinh những con người
tốt,

biết yêu thương tha thứ,

biết cầu nguyện và phục vụ.

 

Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,

Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,

nhờ có những người trẻ khôn ngoan, khỏe mạnh,

và tràn đầy ơn nghĩa Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao
Siêu, S.J