|
Trong Tin Mừng mỗi khi trình bày việc
Chúa Giêsu đi cầu nguyện một mình thì thường là sau đó, Chúa có những quyết định
quan trọng cho sứ vụ cứu thế của Ngài. Trước khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ theo
Ngài, Ngài cũng lên núi và cầu nguyện suốt đêm. Tin Mừng hôm nay, cũng trình
bày việc Chúa Giêsu đi cầu nguyện một mình trước khi Ngài đặt câu hỏi cho các
môn đệ về căn tính của Ngài : “Đám đông nói Thầy là ai ?” “Còn anh em, anh em bảo
Thầy là ai ?”
Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của Ngài một vấn
nạn mà dân chúng đang xôn xao về Danh tánh của Ngài. Có kẻ cho rằng Ngài là một
vị Ngôn sứ hoặc là Gioan Tẩy Giả. Nhưng điều mà Chúa Giêsu quan tâm không phải
là Danh tánh của Ngài đã được dân chúng thừa nhận hoặc suy tôn, nhưng là: “Còn
anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Chúa Giêsu muốn nghe lập trường của chính các
ông. Câu hỏi này đã khiến cho các môn đệ phải suy nghĩ không ít và ông Phêrô đã
lên tiếng trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Các môn đệ đã trả lời cho Chúa Giêsu như
một thông tin về đám đông đang nghĩ gì về Chúa. Ngài có thể như là : “Ông Gioan
Tẩy Giả, ngôn sứ vĩ đại Êlia, hoặc là một ngôn sứ nào đó đã sống lại.” Những nhân vật ấy đã từng xuất hiện giữa dân
và có ảnh hưởng đặt biệt quan trọng trên đám đông dân chúng đang chịu cảnh áp bức
của đế quốc. Phải chăng đám đông dân chúng này đang chờ đợi nơi Chúa Giêsu, sẽ
làm một cuộc cách mạng nào đó để giải phóng họ khỏi sự đô hộ ? Kiểu như nhóm
nhiệt thành chuyên xách động dân chúng chống lại đế quốc Rôma mà đứng đầu là
Baraba, đang nổi lên nơi một vài vùng ?
Chúa Giêsu đang muốn biết các môn đệ, những
người thân tín nhất của mình đang nghĩ gì về Ngài nên Ngài đã đặt tiếp câu hỏi
: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là
Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Câu trả lời này mang nội dung đúng hơn và đủ hơn, so
với đám đông dân chúng.
Phêrô đã trả lời đúng, vì Chúa Giêsu quả
là Đấng Kitô hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời. Đấng
ấy được xức dầu để lên làm vua của dân tộc Israel. Nhưng có thể Phêrô ngộ nhận
về khuôn mặt của Đấng Mêsia đó. Chúa Giêsu không phải là Đấng Mêsia sẽ giải
phóng dân Israel khỏi ách đế quốc Rôma, cũng không phải là người muốn lên làm
vua trần thế. Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình bị các kỳ mục, thượng tế cùng
kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại. Như thế, Chúa Giêsu là
Đấng Mêsia mang khuôn mặt của Người Tôi Trung đau khổ như được trình bày trong
sách ngôn sứ Isaia đệ nhị.
Phêrô và các môn đệ đã đang đi theo Đấng
Mêsia nào ? Nếu các ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của các ông, thử
hỏi các ông có còn muốn theo Ngài nữa không ?
Chúa Giêsu hỏi các môn đệ rằng: “Những
đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Dư luận dân chúng Do Thái chưa nhận rõ Đức
Giêsu là Chúa.
Thật đau lòng về con người thời đại ngày
nay, con số những người chưa nhận biết Chúa Giêsu dường như ngày càng gia tăng.
Thật đau lòng, bởi nhiều người trong
chúng ta, dù đã được rửa tội, là con cái Chúa và Hội Thánh, đọc kinh cầu nguyện,
đi lễ, nghe Lời Chúa,…thế nhưng, qua cách sống của chúng ta, thì Đức Kitô vẫn
chỉ là một khái niệm mông lung và mờ nhạt.
Chúa hỏi lại các môn đệ : “Phần các
con, các con bảo Thầy là ai?” Hôm
nay Chúa cũng hỏi lại chúng ta câu hỏi đó : “Còn anh em, anh em bảo Thầy
là ai?”
Vì thế, việc nhận ra Đức Kitô vẫn còn là
một thách đố đối với với con người thời nay, cách riêng từng người tín hữu
Kitô.
Hôm nay Chúa Giêsu, Đấng Mêsia đã sống lại
từ cõi chết vẫn đang hỏi mỗi người chúng ta: “Còn con, con bảo Thầy là ai ?” Mỗi
người chúng ta sẽ phải trả lời như thế nào trước câu hỏi của Chúa Giêsu mà Ngài
vẫn đang hỏi chúng ta trong từng chặng của cuộc đời ? Tôi phải cần biết Ngài là
ai đối với cuộc đời của tôi, bởi lẽ tôi sẽ không đi theo Đấng mà tôi không hề
biết. Dựa vào từng chặng kinh nghiệm trong cuộc đời, chúng ta có thể khám phá
ra khuôn mặt của Chúa Giêsu khác nhau. Có lúc Ngài là Đấng ban phát ơn lành cho
tôi. Có lúc Ngài là bạn đồng hành với tôi khi tôi gặp đau khổ, tuyệt vọng và bị
bỏ rơi nhất. Có lúc Ngài là người tôi yêu nhất khi tôi quyết định dấn thân vào
đời sống tận hiến để phục vụ Tin Mừng.
Trải qua các thời đại cho đến ngày hôm
nay, lời giảng dạy và hành động và cả chính con người của Chúa Giêsu đã khiến
cho người ta không ngừng thắc mắc: Ngài là ai? Chúa Giê-su không cần các môn đệ
nói mới biết ý kiến của người đương thời về Ngài. Điều cần thiết hơn cả là Ngài
muốn các môn đệ nói lên chính họ nhìn nhận Ngài là ai. Ngài không muốn các môn
đệ nhìn Ngài như người ta nghĩ, người ta tưởng về Ngài, mà trái lại Ngài muốn họ
có một hiểu biết đúng Ngài là ai: “là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” và
nhất là muốn họ có thái độ dấn thân quả quyết, dứt khoát để đi theo làm môn đệ
của Ngài.
Mỗi người chúng ta tự vấn nhận thức và
thái độ của mình đối với Đức Kitô: “Giờ này, đối với tôi, Đức Kitô là ai rồi?…
Ngài còn là Ngài hay thôi?” Tôi đã thực sự biết Ngài và sống thiết nghĩa với
Ngài như với Đấng là Thiên Chúa và là Chủ đời tôi? Hay tôi vẫn nhìn Ngài theo cảm
nhận chủ quan, theo dư luận, quan điểm của thế gian?
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một hình ảnh
về Kitô hữu. Kitô hữu là người vác thập giá của chính mình để đi theo Chúa
Giêsu vác thập giá. Vì thế hằng giờ hằng phút trong cuộc đời, chúng ta hãy sẵn
lòng chấp nhận mang lấy khổ giá, để đi tới cái chết thiêng liêng, cái chết cho
chính mình để rồi được sống lại và sống cho Thiên Chúa.
Huệ Minh
- Cuộc hoán cải của một sát thủ ở Mexico
- Đức TGM Giuse Nguyễn Năng nhận dây Pallium
- Số người viếng đền thánh Đức Mẹ Fatima đạt kỷ lục trong hơn 2 tuần Đại hội GTTG Lisbon
- Bản tin Hiệp hành #04 | Thượng Hội Đồng giai đoạn châu lục: khóa họp Phi Châu ở Ethiopia
- Giáo hội Lào và Campuchia nhóm họp thường niên, chuẩn bị Thượng Hội đồng