Chúa Nhật V Thường niên (Lc 5,1-11)

Lc_5_1-11.jpg

Tin Mừng hôm nay tường thuật về mẻ cá lạ
lùng mà Phêrô và các bạn được chứng kiến. Đây khám phá chỉ đơn thuần là một
phép lạ lớn lao cho ta ngưỡng phục quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng qua dấu lạ
này, Chúa Giêsu còn muốn mời gọi ta ra khơi truyền giáo. Và qua tiến trình của
phép lạ, Chúa Giêsu đã áp dụng một chương trình đào tạo các môn đệ, đặc biệt là
Phêrô, người đứng đầu các môn đệ.

Thánh Phêrô là một người đánh cá, không
phải là môn thể thao, nhưng là kế sinh nhai của thánh nhân. Ngài có một nghề
nghiệp. Ngài và những người đồng nghiệp đã làm việc vất vả suốt đêm, đó là thời
điểm tốt nhất để đánh cá trong vùng sông hồ này, nhưng họ đã không đánh bắt được
gì. Tiếp đó, Chúa Giêsu là một người thợ mộc, đã nói với Phêrô là một người
đánh cá, hãy thả lưới một lần nữa. Vấn đề to lớn ở đây, bây giờ là thời điểm tệ
hại nhất để đánh cá. Chúng ta có thể nghe được việc nhấn mạnh và xác quyết
trong giọng của Phêrô: “Lạy Thầy, chúng con đã khó nhọc suốt đêm mà không đánh
bắt được gì”. Ngài đã trình bày quan điểm với Chúa Giêsu để nhắc Chúa Giêsu đừng
quên điều đó nhưng khi ngài thình lình nhận biết mình đang nói với ai.

Sau một lúc, có lẽ nhìn vào ánh mắt của
Chúa Giêsu thấy sự nhấn mạnh trong đôi mắt của Ngài, nên Phêrô nói thêm: “Nhưng
nếu Thầy đã phán như thế, con sẽ thả lưới”. Đức tin của Phêrô thì giống như một
con trẻ khác xa với những người trưởng thành, nhưng nó đã mạnh đủ để ông đặt sự
nhấn mạnh của ông vào từ”Thầy” khi ông nói: “Nếu Thầy nói như vậy con sẽ thả lưới”.
Kết quả sự tin tưởng của Phêrô vào Chúa đã đưa đến một mẻ lưới kinh ngạc. Phêrô
nghĩ rằng cách của ông là tốt nhất nhưng ông đã học biết rằng cách của Chúa thì
tốt nhất.

Chúng ta chú ý đến nhiều điểm. Đức Giêsu
sai Phêrô đánh thuyền ra khơi thả lưới. Chúa biết, khi ra lệnh như thế Người
đòi hỏi Phêrô làm một việc trái ngước kinh nghiệm dân chài lành nghề. Thật vậy,
Phêrô tin chắc rằng sau một đêm mệt nhọc uổng công, bây giờ là ban ngày, cố gắng
cũng vô ích. Tuy nhiên vì vâng lời Chúa, vì tin Chúa, Phêrô thả lưới. Sau khi vớt
được mẻ Chúa nhiều quá sức tưởng tượng, ông phản ứng như những tâm hồn ngay thẳng
khi đứng trước tôn nhan Chúa: “Lạy Thày, con là một kẻ quá nhiều sai lỗi, một kẻ
có tội”. Bằng một giọng uy nghi khích lệ, Chúa cho ông rõ phần thưởng đích thật
của cuộc gặp gỡ trên mặt hồ. Qua hình ảnh phép lạ đánh cá, ông thoáng nhìn thấy
số mệnh ông.

“Hãy ra khơi”. Chúa phán thế vì biết
ngoài khơi là vùng có nhiều cá. Chúng ta nghĩ đến một Phêrô thuyền trưởng con
thuyền Giáo Hội, như ảnh đạo thời xưa thường trình bày. Thày ra lệnh cho ông
hãy lái Giáo Hội tiến vào chỗ hiểm nguy là thế giới trong đó cái khối nhân loại
sống, lao động và chết. Trên thuyền với thuỷ thủ đoàn là những Kitô hữu, lệnh
được ban ra là thả lưới xuống biển mặc dầu đã phí rất nhiều thì giờ mà chẳng được
gì. Đức vâng lời đã đem lại một mẻ lưới thần kỳ. Tuy nhiên có phải bao giờ cũng
gặt hái được kết quả lạ lùng không? Nếu thế chẳng quá dễ dàng ư? Điều quan trọng
là đừng có lạm dụng cách chơi chữ của Chúa khi Người phán bảo Phêrô: “Từ nay
ngươi sẽ là kẻ lưới người”. Thật vậy, nhân loại không bị cưỡng bách vào trong
“lưới” của Giáo Hội. Ở đây là một thực tại cơn bản hơn: Phêrô và các tông đồ,
do một hành vi biểu lộ đức tin trái ngược sự thật hiển nhiên theo quan niệm
loài người, đã tỏ ra xứng đáng được Chúa cho biết số phận. Các ông được liên hợp
với công cuộc cứu độ của Người trên thế giới.

Thánh chép sử diễn tả cách đơn giản về một
trong những khía cạnh đòi hỏi gắt gao nhất của thiên chức các ông. Giáo Hội đã
áp dụng câu đó cho thiên chức tu sĩ và thiên chức linh mục. Phêrô và các bạn
không có được gia nghiệp súc tích của thanh niên nhà giàu, nhưng vốn liếng
khiêm tốn của các ông, chiếc thuyền đánh cá, căn nhà, thôn xóm, đối với các ông
là những gì tha thiết. Các ông cũng như chàng thanh niên đều được kêu gọi bỏ lại
mọi sự. Trong thông điệp về sự độc thân của linh múc (đoạn 24), Đức Phaolô VI
nhắc đến câu nói trên. Thế giới chúng ta gồm những vùng nước sâu lắm cá cần có
những môn đệ bỏ lại mọi sự để theo Đức Kitô.

Chính Thiên Chúa, bằng cách trực tiếp
hay gián tiếp, đã chọn gọi những người làm việc cho Ngài, làm cộng tác viên của
Ngài trong công trình cứu chuộc nhân loại. Ngài đã gọi các tiên tri, các tông đồ,
đã gọi bao nhiêu người khác, đã gọi chính chúng ta. Những ai được Chúa gọi phải
mau mắn đáp lại ơn huệ của Chúa – Chúa kêu gọi đó là một ân huệ Ngài ban – một
cách khiêm tốn và biết ơn vì ta chẳng đáng được vinh dự lớn lao như thế, và tự
sức ta, ta cũng chẳng làm nổi việc gì.

Phải làm trọn ơn gọi của mình, khi đã chấp
nhận thì không ngoái cổ lại đàng sau và hãy bắt tay vào việc một cách cần mẫn,
hết lòng trông cậy vào ơn phù trợ của Ngài, vâng lời Ngài, tin tưởng phó thác
và để Ngài tùy ý hoàn tất công việc lúc nào theo như Ngài muốn.

Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp
cách đặc biệt cho những người Chúa đã chọn, đã và đang khiêm tốn chịu khó làm
việc Chúa trên khắp mọi cánh đồng và vườn nho của Chúa, nhất là cho Đức Thánh
Cha, cho các vị Giám mục và các linh mục, cùng tất cả những người cộng tác chặt
chẽ với các ngài.

Chúng ta cũng tha thiết xin Chúa kêu gọi
thêm những người đang ước muốn vào làm việc tông đồ của Hội Thánh, đặc biệt
trong những nơi đang xảy ra tình trạng “lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít”.

Chúa vẫn còn kêu gọi con người, và ngày
nay nhu cầu ấy to lớn. Và vẫn còn có những người đáp lại lời Người. Một số người
(như các tông đồ) được kêu gọi để tận hiến mình, đi theo Đức Kitô bằng một
phương thế “chuyên nghiệp”. Nhưng không phải mọi Kitô hữu đều được kêu gọi theo
Đức Kitô bằng cách ấy.

Bằng phép Rửa tội, chúng ta cũng được
kêu gọi đi theo Đức Kitô. Nhưng đối với một người bình thường, đi theo Đức Kitô
có nghĩa là gì? Là sống xứng danh một Kitô hữu trong ngành nghề của bạn ở bất cứ
nơi nào bạn có mặt. Còn có nhiều cách phục vụ Đức Kitô và Tin Mừng Người hơn nữa.
Ơn gọi ban đầu không hướng đến những tông đồ nhưng hướng đến những người môn đệ.

Ngày nay Chúa cũng đang kêu gọi chúng ta
làm môn đệ Ngài. Vâng phục có thể bao hàm sự hy sinh, nhưng chắc chắn sẽ đem lại
kết quả là cứu rỗi các linh hồn.

Lm. Anmai, CSsR