21.1.2022 Thứ Sáu, Thánh Agnes, Đttđ (1 Sm 24:3-21; Tv 57:2,3-4,6,11; Mc 3:13-19)

Mc_3_13-19.jpg

Thánh Anê là một trong bốn thánh nữ thời
danh được Giáo hội tôn kính đặc biệt và được ghi tên trong phần lễ quy. Người
ta không được biết rõ tên của thánh nữ là gì. Còn tên Anê mà người ta gán cho
Ngài là tên bằng tiếng Hy Lạp có mục đích nói lên tấm lòng khiết trinh và tận
hiến của một người con dành cho Chúa Giêsu. Hơn nữa, cho tới nay không có một
tài liệu lịch sử nào cho biết chính xác về đời sống thánh nữ. Tất cả những gì
chúng ta biết về Ngài đều là do truyền thuyết để lại.

Theo truyền thuyết thì Ngài được sinh ra
và sống trong một gia đình quí tộc. Thiên Chúa ban cho Ngài một sắc đẹp đầy vẻ
quyến rũ chính vì thế mà khi Ngài vừa đến tuổi cặp kê, đã có nhiều thanh niên
quí phái ngấm ngầm yêu thương. Vì Ngài đã quyết dâng mình cho Chúa nên mọi lời
mời mọc quyến rũ đều bị Ngài cương quyết từ chối. Cuối cùng một chàng thanh
niên con một gia đình quyền quí muốn chiếm hữu Ngài nhưng không thành, đã tố
cáo Ngài với nhà cầm quyền. Do đó, Ngài đã bị bắt và bị giam giữ.

Theo cuốn “Đời sống các Trinh nữ”, thánh
Ambrôsiô đã để lại, thì trong một bài giảng đề ngày 21-1-376 thánh nhân đã cho
biết thánh nữ Anê được phúc tử đạo hồi 13 tuổi. Dù thân hình mảnh mai và tuổi
còn thơ dại, Anê cũng đã nêu gương anh dũng xán lạn cho mọi người, trong khi
nhiều thiếu nữ đồng tuổi đã không làm được việc đó. Những người này đã thối chí
hoặc vì thương cha mến mẹ hoặc vì yêu đời hơn yêu Chúa, nên đã sẵn sàng bỏ cuộc
trước những thử thách. Trái lại, thánh nữ Anê rất bình thản và can trường không
hề run sợ trước những bàn tay sắt đá hung dữ của bọn lý hình khát máu. Anê đã
hiên ngang bình tĩnh trước mọi khổ hình. Tắt một lời Anê đã coi cái chết nhẹ
như lông hồng và sẵn sàng đón nhận tất cả. Khi được tin sắp phải ra đấu trường,
Ngài đã hân hoan vui sướng như một trinh nữ hân hoan sắp được gặp đấng lang
quân.

Lúc Anê xuất hiện ở giữa đấu trường. Các
khán giả dù ghét đạo đến đâu cũng bùi ngùi cảm thương đến rơi nước mắt trước một
cô bé xinh đẹp, dễ thương, trong trắng và ngoan ngoãn, vậy mà đứng trước cái chết
không hề biết run sợ là gì.

Phần thánh nữ, không những đã không nao
núng, mà ngược lại còn luôn giữ được vẻ mặt vui tươi như một nàng tiên. Mọi người
đều sửng sốt nhìn cô trinh nữ hiến thân làm chứng cho đức tin nhất, là khi được
nghe những lời đối chất của một cô bé còn quá thơ ngây.

Khi bị quan tòa răn đe, cô chỉ một mực
trả lời:

Tôi chỉ tin một Chúa Kitô, Đấng lòng tôi
trìu mến và kén chọn.

Thái độ một cô gái vô tội bình tĩnh trước
lưỡi gươm khiến mọi người phải nhỏ lệ. Cả đến quan tòa cũng vậy.

Nhưng dầu sao thì mọi việc đã định. Tên
đao phủ tuốt gươm ra. Tay hắn run run và với bộ mặt tái nhợt vì kính sợ và thán
phục, hắn để cho lưỡi gươm kết liễu cuộc đời của một người con gái trinh khiết
và can đảm để làm lễ vật hiến dâng cho Thiên Chúa.

Vâng! Đó là cái chết của một bậc anh
hùng tuổi đời còn quá trẻ. Mới chỉ có 13 tuổi

Đây là lời ca tụng dành cho bậc anh
hùng. Lời ca tụng này là của thánh Giám mục Ambrôsiô:

Hôm nay là ngày sinh nhật trên trời của
một trinh nữ, chúng ta hãy noi gương trong trắng của người.

Hôm nay là ngày sinh nhật trên trời của
một vị tử đạo, chúng ta hãy dâng hy lễ.

Hôm nay là ngày sinh nhật trên trời của
thánh Anê. Tương truyền rằng thánh nữ đã được phúc tử đạo năm mười ba tuổi. Người
ta đã đối xử tàn bạo không nương tay với một thiếu nữ còn ít tuổi. Việc đó đã
làm lộ ra sức mạnh lớn lao của đức tin nơi thiếu nữ ấy, vì cô đã dám làm chứng.

Tấm hình hài nhỏ bé ấy, liệu có chịu nổi
một vết thương chăng ? Người thiếu nữ không có sức chịu nổi lưỡi đòng đâm thâu,
thế mà lại có sức thắng được lưỡi đòng ấy, đang khi những cô bé cùng trạc tuổi
không chịu nổi nét mặt nghiêm khắc của cha mẹ, cũng như khi bị kim đâm thì khóc
như là đã bị thương nặng.

Người thiếu nữ ấy vẫn bình thản giữa những
bàn tay đẫm máu của lý hình, không nhúc nhích khi nghe tiếng xiềng xích nặng nề
kéo lê lẻng xẻng. Tuy chưa biết chết là gì, nhưng người thiếu nữ ấy đã sẵn
sàng: giờ đây cô đưa thân ra đón lưỡi gươm của tên lính hung bạo. Ngay cả khi bị
miễn cưỡng lôi đến bàn thờ tế thần thì ngang qua những ngọn lửa, cô vẫn giơ tay
hướng về Chúa Kitô, và trong lò lửa tàn bạo đó, cô đã làm dấu thánh giá để tôn
vinh Chúa toàn thắng. Giờ đây cô đưa cổ và hai tay cho người ta xiềng lại,
nhưng không dây xiềng nào có thể xích được những chi thể quá mềm mại đó.

Đây không phải là một cuộc tử đạo mới
sao ? Chưa đủ sức chịu khổ mà đã thừa sức chiến thắng; chiến đấu thì vất vả,
nhưng được ân thưởng lại dễ dàng. Tuổi đời còn non dại, nhưng đã là bậc thầy về
chí can trường. Tân nương vội vã tới loan phòng cũng không lẹ bằng người trinh
nữ này vui vẻ tiến ra nơi hành quyết. Cô đẹp không phải vì tóc bím, nhưng vì
thuộc về Đức Kitô. Đầu cô không đội vòng hoa, nhưng được điểm trang bằng đức hạnh.

 Mọi
người đều khóc nhưng chính cô thì không. Nhiều người lấy làm lạ vì thấy sao cô
dễ dàng xả thân đến thế; chưa được hưởng cuộc đời mà cô đã cho đi như là đã
hoàn toàn mãn nguyện. Ai nấy đều kinh ngạc, vì ở tuổi đó, cô chưa làm chủ được
chính mình mà đã làm chứng cho Thiên Chúa. Cuối cùng, cô đã làm cho người ta phải
tin cô, khi cô làm chứng về Thiên Chúa, trong lúc người ta chưa tin cô được về
những vấn đề thuộc con người, bởi lẽ nó vượt quá tính tự nhiên thì lại do Đấng
tác tạo thiên nhiên mà có.  

Lý hình đã tìm mọi cách làm cho cô khiếp
đảm, đã dùng hết lời ngon ngọt thuyết phục cô, hứa hẹn bao điều để cô chịu kết
hôn. Nhưng cô quả quyết: “Thật là sỉ nhục cho Hôn Phu, nếu tôi còn mong đợi ai
làm tôi vui lòng. Ai chọn tôi trước thì người ấy được. Này đao phủ, còn đợi chi
nữa ? Tôi không muốn người ta thích thú nhìn thân xác tôi, hãy để cho nó chết
đi!” Cô đứng, cầu nguyện rồi giơ cổ cho người ta chém.

Có lẽ bạn thấy được tên lý hình đang run
sợ như chính hắn bị tuyên án, thấy tay tên đao phủ run rẩy giơ lên, sợ xanh mặt,
vì cô bé lâm nguy, trong khi cô chẳng sợ nguy hiểm gì cho mình. Vậy trong một lễ
vật hy sinh, các bạn có hai lời chứng: lời chứng về tiết hạnh và lời chứng về đức
tin. Cô đã giữ vững đức đồng trinh và được phúc tử đạo.

Một tác giả tưởng tượng việc Chúa Giêsu
chọn các Tông đồ như sau: Sau những đêm dài cầu nguyện, Ngài rảo bước khắp nơi
nhưng không chọn được người nào, Ngài đành đăng quảng cáo, nhưng trong số những
người đến trình diện Ngài, Ngài cũng không chọn được ai.

Ngài đành tổ chức thế vận hội. Môn đầu
tiên là cầu nguyện: nhiều người biểu diễn cầu nguyện rất hay, nhưng Chúa không
chọn được ai cả. Môn thứ hai là thờ phượng cũng thế. Môn thứ ba là giảng thuyết,
cũng chẳng được ai.

Chán nản vì mất thì giờ vô ích, Chúa
Giêsu rời vận động trường để ra bờ biển hóng gió và ở đây Ngài thấy đám dân
chài. Ngài đứng quan sát và nhận ra có một số người để hết tâm hồn vào công việc.
Ngài nghĩ thầm họ là những người có quả tim. Và thế là Ngài chọn họ làm Tông đồ
của Ngài.

Trong việc rao giảng Tin mừng, Chúa
Giêsu không muốn làm việc một mình mà muốn cho con người cộng tác vào công việc
quan trọng này. Vì thế, Người đã tuyển chọn Nhóm Mười Hai, để Ngài huấn luyện
và trao cho họ tiếp tục sứ mệnh của Người. Nhóm Mười Hai này sẽ là cột trụ, là
nền tảng Giáo hội mà Người sẽ thiết lập sau này; vì thế, Chúa Giêsu phải để các
ông luôn ở với Người, gần kề Người. Người tin tưởng họ và trao cho họ sứ mệnh
cao cả này.

Điều cơ bản nhất mà chúng ta phải tuyên
xưng trước tiên khi nói về Giáo hội, đó là Giáo hội là một mầu nhiệm, do đó,
chúng ta không thể so sánh hay xếp Giáo hội vào bất cứ một tổ chức trần thế
nào.

Tin mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta
vào trong bản chất mầu nhiệm của Giáo hội ấy.Chúa Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai
để các ông ở với Ngài và được Ngài sai đi rao giảng. Ngài trao ban cho các ông
quyền năng mà chính Ngài đã từng sử dụng: chỉ có các Tông đồ mới có quyền trừ
quỷ, mới có quyền cử hành các bí tích, và chỉ những ai mà các ông trao quyền
cho mới được cử hành các bí tích. Chúa Giêsu trao phó cho các Tông đồ kho tàng
mạc khải, chỉ có các ông mới có khả năng và có quyền giải thích kho tàng ấy và
giảng dạy đúng ý muốn của Chúa.

Trong Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu đặt
Phêrô làm thủ lãnh, để cai trị và trở thành mối dây hữu hình trong Giáo hội;
Ngài hứa ở với Giáo hội mỗi ngày cho đến tận thế: như Ngài đã ở với các Tông đồ
ngay từ buổi đầu, thì hơn 2000 năm qua, Ngài vẫn tiếp tục ở với và trong Giáo hội

Chúa gọi và chọn họ không tự cho mình được
chọn hoặc ứng cử, nghĩa là Chúa ở vị thế cao hơn. Chúa là trung tâm chứ không
phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế, điều kiện đầu tiên để trở thành
Tông đồ là do được Chúa chọn. Các môn đệ ở lại với Người, nghĩa là họ được tách
ra khỏi đám đông và đến; điều kiện thứ hai là khi được gọi, họ phải ở tách
riêng ra, nghĩa là có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn…

Trong Giáo hội, việc được chọn làm công
việc này, chức vụ nọ là do Chúa chọn qua sự tuyển lựa của Giáo hội, chứ không
phải cha truyền con nối hay mình ứng cử. Vì thế, luôn phải đặt ý Chúa lên trên
hết và dù hợp với chúng ta hay không thì cũng phải biết thuận theo ý Chúa.

Lm. Anmai, CSsR