(Suy niệm Lời Chúa ngày thứ 7 sau CN 25 TNB (25/9/2021))

dau-kho.jpg

Khi suy niệm bài Tin mừng của Thánh
Lu-ca 9, 43b-45 về sự loan báo cuộc Thương Khó của Đức Giê-su lần thứ 2 cho
các Tông đồ, chúng ta có suy nghĩ gì không?

Trước sự áp bức và đô hộ của đế quốc
Ro-ma, người Do-thái khao khát có một Đấng Messia đến để cứu vớt và giải thoát
họ. Các Tông đồ, những người đi theo sát chân Đức Giê-su cũng không nằm ngoài ý
nghĩ chính trị đó. Họ đang sống trong tình trạng muốn giải thoát thì bắt gặp một
Đức Giê-su với những lời nói đầy uy quyền kèm theo biết bao nhiêu phép lạ diệu
kỳ. Tâm hồn họ, ánh mắt họ và ước mong của họ dường như chuẩn bị được hoàn
thành. Niềm hy vọng của họ sắp được bù đắp nhờ sự hiện diện đầy quyền năng của
Đức Giê-su Ki-tô. Thế nhưng, 
Đức Giê-su đã không ngần ngại loan báo
như thế này:
“Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người
sắp bị nộp vào tay người đời.” (c.44).
Quả thật, Đức Giê-su đến trần gian nhằm
cho chiên được sống và sống dồi dào, nhằm cứu chuộc muôn người thoát khỏi sự chết
để hưởng ơn cứu độ đời đời. Nhưng để thực hiện công việc đó, Đức Giê-su phải trải
qua đau khổ, nghĩa là sẽ bị bắt, bị đóng đinh, bị giết chết nhưng Ngài sẽ sống
lại sau ba ngày. Một sự thật không ai muốn đón nhận, cụ thể các Tông đồ.

Một bài học về đau khổ trong cuộc đời

Đức Giê-su là Thiên Chúa làm người nhưng
cũng đã phải trải qua nhiều đau khổ mới tới vinh quang, có trải qua cái chết mới
tới sự sống lại vinh hiển. Thì tất cả những ai thuộc về Ngài, đi theo Ngài phải
từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mỗi ngày. Nghĩa rằng là không thể mà
không có đau khổ trong cuộc đời của mỗi người: một sự hiểu lầm, một sự ra đi của
một người thân, một sự tai nạn, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Co-vy, đau ốm bệnh
tật, con cái hư hỏng, vợ chồng xung đột bất hoà, bất trung bất nghĩa tồn tại
nơi đời sống gia đình,…Đó là những thập giá cuộc đời mà mỗi người chúng ta phải
đối diện và chấp nhận để gánh vác. Chúng ta sẽ đón nhận và gáng vác nó dễ dàng
nếu cùng đón nhận và cùng gánh vác với Đức Giê-su Ki-tô. Cuộc đời sẽ luôn luôn
nặng trĩu nỗi buồn, gánh nặng và sự bất an nếu thiếu vắng sự hiện diện của Đức
Giê-su trong cuộc đời. Ngược lại, cuộc đời sẽ nở hoa, sẽ có bình an và hạnh
phúc nếu có sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su dù
vẫn còn đó những đau thương và khổ sở. Thập giá sẽ luôn là thập giá nặng nề
trên đôi vai, trên cuộc đời nếu tự chúng ta vác lấy mà không có Chúa ở cùng.
Nhưng Thập giá nặng cuộc đời sẽ trở nên Thánh Giá nhẹ nhàng cho chúng ta khi
chúng ta biết mời Đức Giê-su Ki-tô đi vào trong cuộc sống hằng ngày trong mọi
biến cố dù ăn, dù uống, dù làm việc gì. Hơn nữa, khi gặp khó khăn thử thách
trong cuộc đời, chúng ta được mời gọi hãy nhìn lên thập giá Đức Giê-su để suy gẫm
và học lấy bài học đầy đau thương từ Ngài hầu chúng ta không than van hay chán
chường một sự gì nữa.

Câu hỏi suy xét:

1/Tôi có dám đón nhận đau khổ cách vui vẻ
không?

2/Tôi có hay than van hay phàn nàn trước
những cái khó chịu và gian nan không?

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương