|
Tin Mừng thánh Gioan thuật lại rằng, tại
vùng Biển Hồ Gialilê, sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng khen ngợi
tung hô Đức Giêsu, nhưng Người đã lánh lên núi cầu nguyện, Cùng lúc ấy, các môn
đệ xuống thuyền để đi về phía Caphácnaum bên kia Biển Hồ. Lúc đó, trời đã về
chiều và bóng tối sắp bao trùm mà Đức Giêsu vẫn chưa xuống thuyền. Bất chợt gió
nổi lên khiến biển động mạnh. Các môn đệ lo lắng chèo chống thì thấy một bóng lớn
xuất hiện, các ông hoảng hốt la lên. Đức Giêsu đi trên mặt biển đến và trấn an
các ông.
Người môn đệ của Chúa phải luôn ở trong
tư thế sẵn sàng từ bỏ nơi của phép lạ hoá bánh ra nhiều, nơi của sự thành công,
nơi của những cơ sở đã được gầy dựng, nơi của một chỗ đứng đã được bảo đảm, để
đến một nơi xa lạ, một nơi khởi sự làm quen với những bất trắc và những khó
khăn có thể gặp phải. Cũng như trên đỉnh Taborê, giữa lúc Phêrô đang tính chuyện
dựng lều thì Ngài lại giục các ông phải xuống núi và tiếp tục con đường lên
Giêrusalem, là nơi bản án tử hình của Ngài đang được chuẩn bị.
Thánh Gioan mô tả chi tiết chính xác về
thời gian, không gian, địa điểm và cách thế Đức Giêsu xuất hiện. Đó là lúc chiều,
trời tối, biển động, gió mạnh. Các môn đệ chèo được chừng năm hoặc sáu cây số.
Một chi tiết đặc biệt quan trọng, các môn đệ muốn rước Đức Giêsu lên thuyền vì
tưởng còn xa bờ. Nhưng ngay lúc ấy thuyền đã tới bờ đúng như ý muốn của các
ông.
Hình ảnh biển được ví như nơi có nhiều
nguy hiểm và sự dữ. Ở vào thời điểm chiều tà tranh tối tranh sáng, khi đi trên
biển, con mắt người chúng dễ nhầm lẫn, khó phân biệt đâu là thật hay giả. Thêm
một chi tiết nữa là gió thổi mạnh, biển động, có lẽ con thuyền cũng chao đảo bập
bềnh càng khiến điểm nhìn của các môn đệ thiếu chính xác. Đức Giêsu biết chắc
các môn đệ đang sợ hãi nên trấn an ngay “Thầy đây mà, đừng sợ”. Khi Đức Giêsu
lên thuyền thì mọi chuyện đều ổn và các ông thấy thuyền đã tới bờ. Thời Cựu Ước,
ông Môsê đã đưa dân Do Thái xuất hành vượt qua Biển Đỏ bình an. Thời Tân Ước, Đức
Giêsu đi trên biển đưa các môn đệ vượt qua cuộc xuất hành mới để đạt đến sự
viên mãn trong Thiên Chúa.
Trong cuộc đời, có những lúc đứng bên bờ
vực nguy hiểm, chúng ta mới cảm nhận tình thương yêu và sự quan phòng của Thiên
Chúa dành cho chúng ta. Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng sẽ trải qua
những phút giây kinh hoàng. Để giữ gìn con người khỏi mọi nguy hiểm của sự ác,
Thiên Chúa đã ân cần nắm lấy cánh tay của chúng ta. Thiên Chúa hằng chữa lành
chúng ta bằng những ơn thánh khơi nguồn từ các bí tích. Trong lòng Hội Thánh,
chúng ta không bao giờ bị bỏ rơi, không bao giờ phải chiến đấu một mình. Hội
Thánh luôn mở rộng cánh cửa đón chúng ta vào hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thánh giáo phụ Irênê đã xác tín về sự hiệp nhất toàn vẹn của Hội Thánh nhờ sức
sống của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Ở đâu có Hội Thánh thì ở đó có Thánh Thần của
Thiên Chúa; ở đâu có Thánh Thần của Thiên Chúa thì ở đó có Hội Thánh và mọi thứ
ân sủng”. Đức Giêsu luôn hiện diện trong Hội Thánh, vì thế ở đâu có Hội Thánh ở
đó có Đức Giêsu. Và những ai sống xa lìa Hội Thánh sẽ không có được sức sống của
Đức Giêsu.
Hội Thánh được ví như một con thuyền
đang phải đối diện với nhiều cơn sóng dữ. Những tư tưởng bài thiêng tục hóa, những
trào lưu sống vô luân, vô thần, vô tâm …như những bóng tối đang bủa vây Hội
Thánh. Thế nhưng Hội Thánh vẫn luôn đứng vững vì có sự hiện diện của Chúa. Với
tất cả lòng yêu mến Hội Thánh, cảm thấy rất rõ những vấn nạn của thời đại gây ảnh
hưởng đến sức sống và sự thánh thiện của Hội Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã
chia sẻ nỗi ưu tư: “Tôi thấy rõ ngày nay Hội Thánh cần có khả năng chữa lành
các vết thương và sưởi ấm tâm hồn các tín hữu. Hội Thánh cần sự gần gũi cận kề”.
Ngài đã nhìn thấy “Hội Thánh như một bệnh viện dã chiến sau một trận động đất”.
Giống như Đức Giêsu, Hội Thánh mang lấy những vết thương đau của nhân loại để
băng bó chữa lành.
Công cuộc rao giảng Tin Mừng của các môn
đệ không phải là không có những bất trắc, những xáo trộn và những hiểm nguy,
như xưa trên mặt biển, các ông đã gặp phải phong ba bão táp. Nhưng nếu chỉ nhìn
vào những bất trắc, thì người ta dễ thất vọng và thối lui. Thế nhưng Chúa Giêsu
vẫn có đó trong đêm tối của phong ba bão táp. Ngài có đó để nói với chúng ta rằng:
Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ.
Vấn đề là trong những lúc bất trắc xảy đến,
chúng ta phải biết nhận ra sự hiện diện của Ngài để can đảm và vững tâm bước tới.
Giữa những âm thanh của biển gầm sóng vỗ, chúng ta phải biết nhận ra tiếng nói
của Ngài. Và như thế niềm tin của chúng ta phải là một niềm tin, không xuất
phát từ lý luận, từ sách vở, nhưng xuất phát từ việc nhận biết Chúa và tiếng gọi
yêu thương của Ngài giữa những sự kiện xảy đến trong cuộc sống của chúng ta.
Như người Samaritanô nhân hậu, Hội Thánh
luôn tìm kiếm những nạn nhân bị bỏ rơi bên vệ đường, vực họ dậy, rửa sạch vết
thương và đưa về nơi an bình. Với sứ mạng đại diện Chúa Kitô, các vị mục tử cần
phải ra đi kiên nhẫn tìm kiếm những con chiên lạc để không một con nào phải hư
mất. Đây chính là Tin Mừng đích thực của Chúa Giêsu, một Tin Mừng rao giảng
trong mọi hoàn cảnh, đi vào mầu nhiệm của con người với tất cả niềm vui và nỗi
buồn, với mọi nỗi lo âu trắc trở.
Đứng trước biển đời nhiều sóng gió thì
Chúa Giêsu mãi là bến bờ bình an để mỗi người chúng ta hướng về. Một khi đã có
Chúa hiện diện, thì dù trời tối hay sáng, chúng ta vẫn có được niềm vui và bình
an đích thực. Con thuyền của đời ta bé nhỏ trước biển đời mênh mông. Chúng ta sẽ
không sợ hãi, không cô đơn nếu nhận ra sự hiện diện của Chúa. Mỗi gia đình, mỗi
cộng đoàn hãy đón rước Chúa Giêsu vào, để Người đem đến sự bình an đích thực
cho chúng ta.
Lm. Anmai CSsR