|
Tại sao bạn là một Kitô hữu mà không phải
là Do thái, Hồi giáo, Phật giáo hay vô thần? Nhiều người chờ đợi một chứng tá
nhưng vào thời đại chúng ta, không phải lúc nào chúng ta cũng dành thời gian để
“trình bày niềm hy vọng của mình” và chúng ta thường không nghĩ kỹ đến điều
đó. Tuy nhiên, có những lý do to lớn và
mạnh mẽ để chọn Chúa Giêsu. Nói tóm lại, chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta tin
vào Chúa Kitô, Đấng mời gọi chúng ta làm chứng cho Ngài. Các Đức Giáo hoàng đã
không ngừng mời gọi chúng ta trở nên những nhà truyền giáo, mời gọi chúng ta đừng
sợ, mời gọi chúng ta trở thành chứng nhân, ra khỏi chính mình.
Trở thành chứng nhân
Thông thường, khi chúng ta mạo hiểm yêu
cầu ai đó làm chứng cho đức tin của họ, chúng ta thường có những câu đúng,
nhưng không nhất thiết giúp chúng ta nhiều, như : “Trước tiên, đó là chứng tá đời
sống của mình, trước tiên cần phải là một người nhất quán, cần phải là người
yêu thương, cần phải tốt lành…” Những điều này hoàn toàn đúng, nhưng, ngày nay,
chúng không đủ đối với nhiều người. Trong nhiều trường hợp, cần phải nói. Quả
thế, bản thân đời sống đức hạnh không đủ dẫn đến Tin Mừng. Một đời sống hiếm
gương mẫu đến nỗi tất cả mọi người đều có thể nhận thấy qua nó động cơ siêu
nhiên đang thúc đẩy nó. Thậm chí trong trường hợp của Chúa Giêsu, Đấng hoàn hảo
nhất, chúng ta thấy rằng đời sống ẩn dật ở Nadarét cách nào đó chỉ là một sự
chuẩn bị. Cần phải có lời rao giảng của Ngài để bắt đầu khơi dậy những cuộc
hoán cải.
Tại sao chúng ta tin?
Nhiều người chờ đợi một câu trả lời ít
duy lý hơn, ít trí thức hơn. Điều đó
không muốn nói rằng cần phải có những câu trả lời phức tạp; điều đó muốn nói:
chúng ta có khả năng, đơn giản trả lời cho câu hỏi “Tại sao bạn tin?” không. Thực
ra, thánh Phêrô nói: “Anh em hãy luôn sẵn sàng trả lời cho những ai chất vấn về
niềm hy vọng của anh em” (1 P 3, 15). “trả lời” hay, tùy bản dịch, “đưa ra lý lẽ”.
Phải nói gì với một người hỏi bạn: “Tại sao bạn tin?” Người Kitô hữu thường trả
lời: “Tôi, tôi tin vào Chúa Giêsu. Ngài đã chết và đã phục sinh.” Nhưng điều đó
không phải là tại sao bạn tin: đó là những gì bạn tin. Xã hội – ngay cả khi nó
không chia sẻ đức tin của bạn – nói chung vẫn viết rằng người Kitô hữu tin vào
một vị Thiên Chúa, Một Chúa và Ba Ngôi, một Thiên Chúa đã làm người, một Đấng
Mêsia đã chết và họ tin đã phục sinh. Nhưng điều gì dẫn bạn đến chỗ tán thành tất
cả điều đó?
Rốt cục, điều gì khiến cho bạn tin vào
Chúa Giêsu-Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, chết và phục sinh, hơn những
người Hy Lạp hay những người Rôma thời đó đã tin vào thần Zeus và Jupiter? Thực
ra, làm thế nào bạn trả lời cho một câu hỏi mở, đơn giản và chúng ta nhận thấy
rằng câu trả lời (dĩ nhiên, có rất nhiều cách trả lời) không dễ dàng đến trên
môi miệng của các tín hữu.
Tin bằng lý trí, tự do và tâm hồn mình
Theo định nghĩa cổ điển của thánh Tôma
Aquinô, “đức tin là một hành vi của trí khôn, tuân theo thánh ý của Thiên Chúa
nhờ ân sủng”. Như thế, đó là một hành vi dấn thân toàn thể thân phận con người
chúng ta, tức là cả lý trí, tự do và tâm hồn chúng ta. Thực ra, ba điểm này là
ba chiều kích của bản tính con người chúng ta, nghĩa là đức tin là một hành vi
dấn thân toàn bộ nhân tính của chúng ta. Nó bao hàm tất cả các năng lực trỗi vượt
của con người chúng ta, cách riêng trí khôn, ý chí, những gì mà chúng ta có thể
coi như là tâm hồn (trái tim), tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
Khi nói rằng đức tin là “một hành vi của
trí khôn, tuân theo thánh ý của Thiên Chúa nhờ ân sủng”, thánh Tôma nói lên điều
gì đó sâu xa, theo nghĩa rằng đức tin rõ ràng không chỉ là một hành vi của trí
khôn mà thôi, nếu không nó sẽ là một lối tiếp cận dành cho những kẻ tinh quái
và thông minh; thế nhưng, Chúa Giêsu nói với chúng ta điều ngược lại: “Cha đã
giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc
khải cho những người bé mọn” (Lc 10, 21). Vì thế, đó không thể chỉ là một hành
vi của trí khôn. Đó cũng không thể chỉ là một hành vi của ý chí. Khi tôi còn trẻ,
có những người bạn nói với tôi: “Bạn tin nếu bạn muốn tin điều đó, và thế là
xong! Bạn chọn nó!” Điều này muốn nói rằng đó sẽ là một hành vi của những người
đức hạnh, của kẻ mạnh, những người đã tập luyện nói vâng…Nhưng đức tin không
dành riêng cho một nhóm tinh hoa có đức hạnh hay sức mạnh (theo nghĩa của ý
chí). Và rồi sau cùng, có những người nói (chẳng hạn nơi một số cộng đoàn được
gọi là “mới” vốn ưu tiên nhiều cho chỗ đứng của tâm hồn): “Tôi tin vào Thiên
Chúa bởi vì tôi cảm nhận được Ngài”. “À, vâng, nhưng tôi, tôi không cảm nhận được
Ngài!” “À, tiếp tục đi! Bạn sẽ cảm nhận được Ngài sau này!”… Chúng ta nhận thấy
rằng tất cả những câu trả lời này nói lên điều gì đó về đức tin, nhưng chúng
không đủ. Thậm chí chúng có thể làm suy yếu phần nào bản tính con người của
chúng ta, theo nghĩa là, nếu quên đi một trong những chiều kích của nó, thì nó
sẽ như bị cắt cụt…
Một sự quân bình
Tùy theo các thời đại, tùy theo các cộng
đồng, tùy theo các linh đạo, người ta đã nhấn mạnh đến khía cạnh này hay khía cạnh
kia, nhưng định nghĩa của thánh Tôma Aquinô tái lập một sự quân bình tốt đẹp.
Vâng, đó là một hành vi của trí khôn vì đức tin, trước tiên đó là trí khôn nói
xin vâng với Thiên Chúa, nhìn nhận rằng Thiên Chúa tồn tại và Thiên Chúa đã tỏ
mình ra nơi Chúa Giêsu. Vì thế, theo quan điểm này, đó là một hành vi của trí
khôn, vì tôi đưa ra một phán đoán : « Thiên Chúa hiện hữu » hay « Thiên Chúa đã
tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu ». Thứ hai, đó là một hành vi của ý chí, vì lời phát
biểu này không hiển nhiên, thậm chí nó « không rõ ràng » : tôi không đạt tới đó
qua trực giác, hoặc thông qua một lập luận hay một lý luận. Vì thế, có một thời
điểm nào đó mà ý chí đi đến chỗ thể hiện lập trường, nhưng nó không thể hiện lập
trường cách tùy tiện : nó thể hiện lập trường vì nó thấy sự thiện hảo thoáng được
nhận ra trong chân lý này và trong những điều thiện hảo mà Chúa Giêsu đã hứa.
Và rồi quả thật cuối cùng có một sự xác nhận bằng kinh nghiệm, bằng trái tim và
đặc biệt bằng việc cầu nguyện : việc tìm kiếm đôi khi có chút lo lắng mà tôi đã
thực hiện từ thời niên thiếu đã thực sự được xoa dịu và mãn nguyện trong sự tiếp
xúc hằng ngày với việc cầu nguyện.
Với trí khôn
Trên bình diện trí khôn, các lý do để
tin là rất nhiều. Tôi tóm tắt chúng bằng cách trước tiên gợi lên dấu chỉ lạ thường
là những lời tiên tri, những bản văn mà, trong hàng thập kỷ và hàng thế kỷ, đã
loan báo những điều vốn đã được thực hiện, được sinh lợi, được cụ thể hóa,
trong đời sống của một người và trong trường hợp này là đời sống của Chúa
Giêsu. « Hãy tưởng tưởng bạn tìm thấy một bản giấy cói (papyrus) cũ trong kim tự
tháp Khéops. Trên bản giấy cói này, người ta nói với bạn rằng bạn sẽ được sinh
hạ ở một nơi như vậy, bạn sẽ kết hôn với một phụ nữ như thế, bạn sẽ có bây
nhiêu người con, bạn sẽ đến sống trong một thành phố như thế và, khi bạn ở
thành đó, bạn sẽ bị bách hại, bạn sẽ lại rời đi để đi đến một nơi khác như vậy….
Bản giấy cói này đã được viết cách rõ ràng trước bạn hàng trăm hay hàng nghìn
năm và, nếu nó xác nhận tất cả những gì bạn đã sống, thì bạn sẽ tự nhủ : « Có Đấng
nào đó đi trước Lịch sử, có Đấng nào đó tồn tại trước Lịch sử » !» Vì thế, đó sẽ
là lời xác nhận rằng có một sức mạnh vượt quá tự nhiên, nghĩa là có một sức mạnh
siêu nhiên.
Việc ứng nghiệm các lời tiên tri loan
báo Đấng Mêsia đến là một dấu chỉ rõ ràng khác. Nếu một số người Do Thái đã
không nhìn nhận Ngài, thì cứ phải nhớ rằng tất cả các Kitô hữu đầu tiên đều là người Do Thái. Một số người Do
Thái – cách riêng các thánh sử – đã nói rõ Chúa Giêsu đã ứng nghiệm lời Thánh
Kinh đến mức nào. Nhiều lời tiên tri đã được nói rõ trong Tin Mừng : « Chúa
Giêsu đã nói điều đó để lời Thánh Kinh được ứng nghiệm » hay trái lại : « Khi
làm thế, ông đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh ». Và rồi, có nhiều lời tiên tri đã
được ứng nghiệm mà thậm chí các thánh sử đã không nhận thấy, nhưng chúng ta hiểu
được hàng chục hay hàng trăm năm sau. Người ta nhận thấy những đoạn đối chiếu
gây lúng túng giữa Cựu Ước và Tân Ước. Sự mong đợi của dân Israel, được cưu
mang bởi vô số người và lời tiên tri trong nhiều thế kỷ để loan báo sự xuất hiện
của một Đấng Mêsia sẽ là Đấng Cứu Độ thế
giới, bằng cách gợi lên cách huyền nhiệm sự ra đời, cuộc sống, cái chết, sứ mạng,
số phận, mầu nhiệm của Ngài, và thậm chí ngày Ngài xuất hiện, là một sự kiện độc
nhất trên thế giới và không thể chối cãi về mặt lịch sử.
Thực ra, từ « Évangile » (Phúc Âm, Tin Mừng)
là cách chơi chữ với từ « épangile » (epaggelia) mà, trong tiếng Hy Lạp, có
nghĩa là « lời hứa ». Đức Hồng y Barbarin nhấn mạnh rằng Phúc Âm quả thật là
Tin Mừng đáp lại lời hứa, épangile trong tiếng Hy Lạp, cho Israel ! Trong tiếng
Pháp, chúng ta đã mất phần nào khái niệm đó : chúng ta chỉ giữ từ « Phúc Âm »
và từ « Tin Mừng », nhưng trên thực tế,
đối với các Kitô đầu tiên, toàn bộ Tin Mừng là hình đối xứng của « lời hứa dành
cho cha ông chúng ta », để lấy lại những lời của Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1, 55).
Đó là một trong những khía cạnh đầu tiên mà dù sao có thể khơi dậy câu hỏi của
những người đương thời với chúng ta.
Tin với các phép lạ
Cũng có cả phần chìm và siêu nhiên : tất
cả các phép lạ, cách không gián đoạn trong truyền thống của Giáo hội, đã giúp
ích cho Giáo hội và ghi dấu ấn trong lịch sử của chúng ta. Tất nhiên, đó là những
phép lạ thời Chúa Giêsu, nhưng cũng là những phép lạ ngày nay, cho đến những
phép lạ ở Lộ Đức, những lần Đức Mẹ hiện ra, những người được ghi dấu thánh (chẳng
hạn, ta có thể gợi lên ở đây Marthe Robin, Cha Piô và thánh Phanxicô Assidi), với
vô số dấu lạ và điều kỳ diệu đáng kinh ngạc (thi thể còn nguyên vẹn, ở hai nơi cùng một lúc (phân thân, lưỡng tại),
hiện tượng chảy nước mắt, những cuộc chữa lành, những cuộc can thiệp, hương
thơm, hiện tượng nâng cao lên khỏi mặt đất, các phép lạ Thánh Thể…). Cách chung
chung hơn, chính những lời cầu nguyện được nhậm lời này, được nhậm lời đến nỗi
người ta đã cảm thấy nhu cầu phải đặt các tấm đá tạ ơn lên tường để nói : « Tôi
đã cầu xin điều đó và tôi đã nhận được, điều đó hoàn toàn chưa chắc đã xảy ra !
Vì thế, tôi muốn mọi người nhớ đến điều này về lâu sau này, vì tôi biết rằng một
ngày nào đó tôi sẽ ra đi. Tôi muốn tấm đá này cho thấy tôi đã hưởng được một ân
sủng rất đặc biệt hay kỳ diệu như thế nào. » Và Blaise Pascal nhấn mạnh : « Có
thể tất cả các phép lạ không phải là thật, đó là khả thể. Nhưng sự kiện một số
là giả chứng minh rằng một số khác là thật », vì nếu tất cả chúng đều là giả,
thì người ta thậm chí sẽ không có từ « phép lạ » : người ta sẽ nói « sự gian dối
».
Đời sống của các thánh
Dấu chỉ lớn thứ ba có thể chạm đến trí
khôn, đó là đời sống của các thánh. Dĩ nhiên, không phải tất cả Kitô hữu đều là
thánh nhân, các Kitô hữu có lẽ còn không tốt hơn những người nói chung. Nhưng
trong lịch sử nhân loại, tôi muốn người ta cho tôi thấy những mẫu gương về một
cường độ như thế trong bậc thang của sự cho đi, của sự hy sinh quên mình, của sự
dâng hiến bản thân (dĩ nhiên có rất nhiều vị đại thánh được biết đến và được mọi
người yêu mến, như thánh Phanxicô, thánh Vincent de Paul, Mẹ Têrêxa hay Sơ
Emmanuelle), nhưng có lẽ cách sâu xa hơn những mẫu gương của những người đã chấp
nhận chết cho tha nhân ; tôi nghĩ đến cha Maximilianô Kolbê hay các đan sĩ ở
Tibhirine, đến tất cả những người mà, vào một thời điểm nào đó, đã nói : « Tự
đáy lòng, những gì quan trọng nhất trong đời tôi, tôi dâng tặng nó ». Ở đây, có
một dấu chỉ quan trọng vì, trong bản tính con người, không có gì được làm nên
như thế : đúng hơn, người ta muốn giữ quyền lực, tiền bạc, sự vui thú của mình.
Nhưng chết đi cho chính mình là một dấu chỉ chạm đến trí khôn, từ khi sự sống
được cho đi vì sự sống…
Đời sống của các thánh là một mầu nhiệm
lớn lao vì đó chính là phản ảnh của đời sống của Chúa Kitô. Câu nói của Charles
Péguy tóm tắt rất tốt ý tưởng này : người ta có thể nói rằng Thiên Chúa đã tiên
báo về Con của Ngài qua các ngôn sứ, Ngài đã nói mọi sự trong Con của Ngài và
Ngài lặp lại mọi sự qua đời sống của các
thánh. Có cả một sự chuẩn bị, một sự hiện tại hóa và một xác nhận vừa bằng các
phép lạ vừa bằng đời sống của các thánh. Các vị tuẫn đạo của Giáo hội sơ khai,
những người đã hiến dâng mạng sống mình để làm chứng cho sự thật mà không có bất
kỳ bạo lực nào, đã mang lại một chứng tá mạnh mẽ đến nỗi cuối cùng họ sẽ thành
công trong việc làm cho Đế quốc Rôma hoán cải.
Sự thiện và sự dữ
Sự dâng hiến của nhiều người cho Chúa
Kitô qua các thế kỷ cũng là một dấu chỉ hùng hồn. Những lời được nói trong ba
năm bởi một Người thợ mộc trẻ, đến từ một tỉnh ít người biết đến ở Palestin, ở biên
giới Đế chế Rôma, sẽ trở thành cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại, như lời
Ngài đã tiên báo : « Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu »
(Lc 21, 33). Tiếp đến, trong suốt dòng lịch sử, sứ điệp này của Chúa Giêsu Kitô
đã không ngừng thu hút nhiều người nam và người nữ chọn bước theo Ngài bằng
cách dâng hiến đời mình cho Ngài trên con đường đầy đỏi hỏi, triệt để, không muốn
nói là bất khả thi.
Trái lại, một dấu chỉ khác rất tác động
đến trí khôn của người tin là sự hiện diện của Sự Dữ mà tự nó chứng thực Sự Thiện. Nói cách khác, các hiện tượng
rõ ràng siêu nhiên gắn liền với sự hiện diện của ma quỷ, với các lang băm, các
pháp sư – bất kể nội dung của chúng là gì – đều cho thấy rằng không tin vào
Thiên Chúa vì người ta không thấy Ngài, nhiều người đã tin vào sự hiện diện của
ma quỷ vốn vượt quá phạm vi vất chất và tự nhiên. Và tôi nghĩ rằng phạm vi tiêu
cực, xấu xa, đôi khi rõ rệt này, chứng
minh sự tồn tại của một vị Thiên Chúa. Nhiều người nói rằng, nếu có Sự Dữ,
thì không có Sự Thiện ; nhưng có vẻ lôgíc hơn khi nói rằng tất cả những sự hiện
diện đó đều chứng thực một cách nghịch lý sự hiện diện của Thiên Chúa.
Tin với ý chí của mình
Một câu hỏi lớn cuối cùng được đặt ra
cho con người, và phục tùng trí khôn của con người : « Và bạn, bạn muốn yêu
thương ? » Dấu chỉ cuối cùng được nói với
trí khôn cuối cùng không phải là một dấu chỉ, đó là một câu hỏi. Về cơ bản,
đâu là sứ điệp chính yếu của Tin Mừng ? Thay vì lý luận dài dòng, tốt hơn hãy
dành lời cho Chúa Kitô. Khi người ta hỏi Ngài : « Nhưng điều gì quan trọng nhất
? », Ngài trả lời cách rõ ràng : « tình yêu ». Ngài trả lời bằng những cách
khác nhau, nhưng đó luôn là tình yêu : « Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa của ngươi
hết tâm hồn, hết trí khôn, hết sức lực ngươi », « Ngươi hãy yêu thương tha nhân
như chính mình », « Các con hãy yêu thương nhau », « Không có tình yêu nào cao
cả hơn… » Đó luôn là đường hướng căn bản của sứ điệp của Ngài. Vì thế, câu hỏi
lớn được đặt ra cho con người là : « Và bạn, bạn muốn yêu thương không ? Bạn muốn
để mình được yêu thương không ? Bạn có chấp nhận yêu thương người anh em của bạn
không ? Các bạn có chấp nhận yêu thương nhau không ? »
Đó không phải là một dấu chỉ, nhưng là một
câu hỏi được đặt ra cho mỗi lương tâm con người : bạn muốn xây dựng đời bạn
trên điều gì ? Tình yêu chẳng phải là nền tảng có giá trị duy nhất ? Mỗi lương
tâm đều được đưa đến chỗ bày tỏ lập trường, dù tin hay không tin. Vào một lúc
nào đó, nó được mời gọi nói lên : « Tôi có tin vào tình yêu hay không ? Tôi muốn
xây dựng đời tôi trên tình yêu hay không ? Có phải tôi có những nền tảng khác
cho phép tôi tiến tới ? » Các nền triết lý khác trong lịch sử nhân loại đã tìm
thấy những nền tảng khác, đó là điều hiển nhiên, và vì thế ở đây có một vấn đề cần phải thể hiện lập trường,
theo đó mỗi người được mời gọi đáp lại trong bí mật của tâm hồn mình. Đó là một
câu hỏi được đặt ra cho lương tâm con người. Thông thường, mọi người đáp lại nó
bằng cách gợi lên những giá trị vốn là, trực tiếp hay gián tiếp, những giá trị
bắt nguồn từ Kitô giáo, bắt đầu bằng tình huynh đệ, tự do và, ít hay nhiều, người
ta lại quay về với tình yêu.
« Bạn muốn gì ? »
Câu hỏi thứ hai được đặt ra cho sự tự do
và do đó cho ý chí : « Bạn muốn làm gì ? Bạn muốn bước vào lôgíc của tình yêu
này không ? » Khi người ta có một ý tưởng trên bình diện trí khôn về việc người
ta được tạo nên cho điều gì, thì tiếp đến được đặt ra câu hỏi về quyết định tự
do và về ý chí : « Bạn muốn gì ? » Bạn muốn bước vào lôgíc của tình yêu này
không ? Thực ra, trái với một số nhãn quan đến từ Kant hay từ đạo Tin Lành,
Chúa Giêsu đã không loan báo cho chúng ta một sứ điệp bằng cách nói : « Bạn chọn
lựa » và thế là xong. Ngài nói với chúng ta : « Nếu bạn chọn điều đó, thì bạn sẽ
thấy, bạn sẽ hạnh phúc và bạn sẽ có sự sống đời đời ». Tức là có một số lời hứa
liên kết với sứ điệp của Ngài. Một cách nào đó, đó là những lý do đích thực để
tin ! Câu hỏi trở thành như sau : tôi có thể chứng thực rằng những lời hứa này
có được thực hiện trong đời sống của tôi không ? Có phải tự sâu xa, tôi cảm
nghiệm được hạnh phúc khi tin hay khi bước theo một số phương hướng không ? Thứ
hai, những lời hứa này có phù hợp với bản tính con người của tôi không ? Đối với
tôi, đó là một câu hỏi đích thực.
Sự mong đợi của bản tính con người
Lý tưởng Kitô giáo dựa trên nhãn quan về
tình yêu thực sự phù hợp với mong đợi của bản tính con người. Chẳng hạn : sự sống
đời đời theo nhãn quan Kitô giáo là gì ? Chính xác, đó là sự phúc kiến, nghĩa
là sự kiện nhìn Đấng Vô Tận, Tình Yêu tuyệt đối, diện đối diện : có phải đó là
điều phù hợp với bản tính của tôi không ? Vâng, vì người ta thấy rõ rằng, trong
tất cả các ngày sống của chúng ta, cái nhìn chiếm 95% thời gian thức tỉnh, và
ngay cả khi ngủ : tôi được đưa đến nhìn vào màn hình, điện thoại, một đứa bé
đang ngủ, một phong cảnh…Ngay cả giấc mơ cũng dựa vào các hình ảnh. Thựa ra, nếu
con người không có gì để làm, thì nó có thể từ bỏ suy nghĩ nhưng nó sẽ không từ
bỏ việc nhìn xem, như sức mạnh thôi miên đáng kinh ngạc của truyền hình xác nhận. Rõ ràng, trong cái nhìn này, tự sâu xa, chúng ta trải
qua toàn bộ cuộc sống của chúng ta để hy vọng những điều vốn phần nào vượt xa
những vẻ bề ngoài – đó chính là nguyên lý của trí khôn : intelligere, « đọc từ
bên trong ».
Kitô giáo nói với chúng ta : « Vâng,
trên thực tế, bạn sẽ trải qua cả đời mình để nhìn ngắm». Bạn sẽ thấy tất cả vẻ
đẹp và tất cả sự vô biên của Thiên Chúa và bạn sẽ được hiệp thông trọn vẹn với
Ngài. Các tôn giáo khác hứa hẹn cho chúng ta những hình thức phần thưởng khác,
đặc biệt là về thể xác, điều vốn không phải là trường hợp của Kitô giáo (cho
dù, trong đức tin Kitô giáo, chúng ta tin vào sự sống lại của thân xác). Trước
tiên, chúng ta được tạo dựng để ngắm nhìn Đấng Vô Tận và được Ngài biến đổi : từ
khi tôi nhìn ngắm Ngài, điều đó sẽ biến đổi tôi từ bên trong. Đó là câu nói nổi
tiếng của thánh Gioan : « Chúng ta sẽ nên giống như Ngài bởi vì chúng ta sẽ
nhìn thấy Ngài như Ngài là ». Đó là một tổng hợp tốt đẹp về câu hỏi tối hậu và,
đối với tôi, thực sự phù hợp với bản tính con người của chúng ta.
Trong đời sống thường ngày của chúng ta
Chân lý của Kitô giáo cũng được cảm nghiệm
trong cuộc sống thường này của chúng ta.
Ngoài hạnh phúc đời đời được hứa ban cho chúng ta này, còn có hạnh phúc mà
Thiên Chúa hứa ban cho thời gian hiện tại, cho dù Chúa không chỉ hứa điều đó :
thật không may, cũng có những loan báo về những cuộc bách hại, những rắc rối,
những cuộc chiến đấu thiêng liêng, nhưng vẫn có một số lời hứa được đưa ra :
chúng ta có thể lấy ví dụ về việc rửa chân vốn thường được dạy như vậy. Thực
ra, Chúa Giêsu nói : « Cả bạn nữa, hãy làm như thế và bạn sẽ hạnh phúc ». Quả
thật, khi rửa chân cho nhau, có một hạnh phúc rất đặc biệt. Thật khó để giải
thích, đó là điều gì đó phải cảm nghiệm, phải sống. Chúng ta nhận thấy rằng lời
hứa đó được ứng nghiệm rất dễ dàng : chồng rửa chân cho vợ, vợ rửa chân cho con
cái, một nhóm mà suy nghĩ và, sau khi suy nghĩ, rửa chân cho nhau, sẽ cảm nghiệm
một niềm vui rất đặc biệt. Chúng ta đang nói về ý chí, nhưng thực ra, dừng lại ở
ý chí, cách nào đó sẽ dừng lại ở một tiếp cận của trí khôn. Có một thiện ích
nào đó, có một thiện ích rất lớn, thậm chí có một thiện ích vô tận khi cảm nghiệm
sứ điệp của Tin Mừng và hy vọng vào điều thiện hảo của Thiên Đàng vốn là số phận
tối hậu và là ơn gọi cuối cùng của chúng ta.
Kinh nghiệm về sự gặp gỡ
Thế nhưng, trí khôn và ý chí mà thôi thì
không đủ, vì thực tại của con người cũng được thể hiện trong sự gặp gỡ và tương quan với Thiên Chúa. Trí khôn và ý chí
vẫn là những sức mạnh của trí tuệ và chúng không phải là khởi nguyên (alpha) và
cùng tận (oméga) của con người. Chúng ta thấy rõ rằng có một chiều kích vượt
quá các chiều kích này : đức tin Kitô giáo, trước tiên, đó là lịch sử của một
cuộc gặp gỡ : giữa Thiên Chúa và tôi. Và cuộc gặp gỡ này, khi nó không thực sự
được cảm nghiệm, có thể vẫn dừng lại ở sự do dự, sự mò mẫm…Dĩ nhiên, có những
lý do để tin, có những lý do để muốn điều đó, nhưng thực ra, tất cả điều đó có
thể xem ra khá yếu.
Thật sự, tất cả những lập luận đó đều có
thể được nói ngược lại và có lẽ thậm chí được so sánh với các tôn giáo khác vốn
có thể đưa đến những lập luận nếu không tương tự, thì ít là có thể đi theo khía
cạnh này hay khía cạnh kia của những gì chúng ta vừa khơi lên.
Nhiều chứng tá
Đức tin Kitô giáo cũng độc đáo ở những
gì liên quan đến chứng tá của rất nhiều người, vốn chứng thực : « Thiên Chúa tồn
tại, tôi đã gặp Ngài ! » Cần phải lưu ý đến câu nói rất độc đáo này, được thốt
ra bởi nhiều người ở mỗi thế kỷ : « Tôi, tôi đã gặp được Thiên Chúa. Tôi đã gặp
được Chúa Giêsu-Kitô ». Điều đó đi từ thánh Phaolô thành Tarsô cho đến Claudel
ngang qua rất nhiều mẫu gương nổi tiếng. Và rồi, có tất cả những người này vốn
không nhất thiết được biết đến và đang nói với chúng ta, bằng cách thức đơn giản
hơn nhiều, là đã trải qua những kinh nghiệm tương tự, tất cả những cuộc hoán cải
này…chứ không chỉ trong các cộng đoàn mới. Đó là những người đã có một kinh
nghiệm về Thiên Chúa. Một trong những người bạn của tôi đã nói với tôi : « Tôi
không thích cuốn sách của bạn, vì tôi không cần tất cả điều đó để tin ». Anh đã
nói với tôi : « Một ngày nọ tôi nằm trên giường và tôi đã bị chiếm lấy bởi bằng
chứng về một Hữu Thể vô hạn, Đấng hoàn toàn yêu thương tôi, và tôi chưa bao giờ
có thể rũ bỏ niềm xác tín đó » : đó đã là nền tảng của đức tin Kitô giáo của
anh. Anh đã có một loại mạc khải. Không phải tất cả mọi người đều được mời gọi
có những cuộc gặp gỡ phi thường này, nhưng mỗi người được mời gọi tìm kiếm cuộc
gặp gỡ này với Chúa Giêsu, Đấng đã hứa rằng ai tìm thì sẽ gặp (Lc 11, 10). Cha
Caffarel đã nói : « Trong việc cầu nguyện, Thiên Chúa trở nên ít lờ mờ hơn »,
và trong đời sống bí tích, sự hiện và hoạt động của Thiên Chúa cũng được cảm
nghiệm bằng nhiều cách thức.
« Ai tìm sẽ gặp »
Đây có lẽ là câu hỏi quyết định nhất của
« phương pháp đơn giản để bắt đầu tin », câu hỏi mà tôi coi trọng nhất : « Tôi
có các phương tiện để sống cuộc gặp gỡ này với Thiên Chúa không ? » Trước hết,
những phương tiện này đầu tiên dựa vào cầu nguyện : bạn có chấp nhận, vào một
thời điểm nào đó, giữ thinh lặng, lắng nghe một lời trong Tin Mừng, xem, tự sâu
xa, lời đó nói gì với bạn và liệu nó vang vọng nơi bạn không ? Tôi không thể
nói tốt hơn. Thực ra, nó khá nghèo nàn về mặt ngôn từ, nhưng tự sâu xa, lời Tin
Mừng này mà tôi đã đọc đi, đọc lại, hòa nhập, ghi nhớ, có tỏa sáng không ? Nó
có nói với tôi điều gì đặc biệt về cuộc sống của tôi, về số phận của tôi, về những
gì tôi là, về nơi đâu tôi đến, về Thiên Chúa là ai và những gì Thiên Chúa chờ đợi
nơi tôi không ? Trong đời sống cá nhân của tôi, đã có một sự chuyển đổi, bởi vì
sau một chút lo lắng tìm kiếm, đã có ở đó, trong lời cầu nguyện, như là một sự
xác nhận nội tâm.
Cha Caffarel đã nói : « Trong việc cầu
nguyện, Thiên Chúa trở nên ít lờ mờ hơn ». Tôi rất gắn bó với câu nói này : tự
sâu xa, chúng ta có thể suy nghĩ trong nhiều năm, và thậm chí hàng chục năm về
những lý thuyết vĩ đại nhưng, trong việc cầu nguyện, cách sâu xa hơn, Lời này
đang nói. Tôi không biết mô tả kinh nghiệm sống này như thế nào : nó tỏa ra một
ánh sáng, thậm chí là một hơi nóng ; tôi sẽ định vị nó hầu như ngang lồng ngực.
Lời sự sống này có một tương quan với hơi thở, như một hình thức hít thở nội
tâm. Để giải thích điều này, chúng ta có những từ ngữ hơi quá nặng nề về xác thịt,
cứ nói lên điều gì đó thuộc trật tự của một cuộc gặp gỡ vốn chạm đến một phần
sâu thẳm hơn một chút của hữu thể, mà Thánh Kinh gọi là tâm hồn, mà nhiều triết
gia đã gọi là con tim, bao gồm cả Pascal, người đã nói : « Chính con tim cảm nhận
Thiên Chúa ».
Đời sống bí tích cũng là một nơi quan trọng
Nơi thứ hai của cuộc gặp gỡ để cảm nghiệm
Thiên Chúa, rõ ràng là rất thường xuyên,
đó là đời sống bí tích, với cuộc gặp gỡ đặc biệt với bí tích Thánh Thể, và cả với
bí tích Giải tội. Khi ra khỏi bí tích Hòa giải, nhiều tín hữu đã cảm nghiệm họ
hạnh phúc đến mức nào ! Có điều gì đó thuộc trật tự giải thoát – có lẽ hơi theo
nghĩa tâm lý – về việc có thể trút bỏ một tội quá nặng nề. Nhưng cũng có một sự
giải thoát sâu xa hơn. Điều đó có thể là một kinh nghiệm đích thực : « Vâng,
tôi đã nói chuyện với một linh mục mà, nhân danh Chúa Kitô, đã tha thứ tất cả
các tội lỗi của tôi…Chính Chúa Kitô đã tha thứ cho tôi và, trong cuộc gặp gỡ
này, đã giải thoát tôi khỏi một gánh nặng ». Đó là một kinh nghiệm mà nhiều người
có thể làm chứng.
Thánh Thể thực sự là đỉnh cao : Thiên
Chúa đến trong tôi, cách đầy đủ, hoàn toàn, trọn vẹn, dưới hình thức một tấm
bánh nhỏ và một vài giọt rượu ! Chúng ta tự nhiên có khuynh hướng nhấn mạnh đến
bí tích Thánh Thể, nhưng tất cả ác bí tích, theo cách của chúng, đều có thể là
đối tượng của một kinh nghiệm như thế. Kinh nghiệm này, ngày này qua ngày khác,
tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, có nuôi dưỡng tôi không ? Ở
đây, có một câu nói rất hay của Claudel : « Bằng chứng của tấm bánh, đó là nó
nuôi dưỡng ». Bạn tìm kiếm các bằng chứng và có lẽ bạn có lý, vì người ta không
yêu cầu bạn có một đức tin mù quáng. « Bằng chứng của tấm bạnh, đó là nó nuôi
dưỡng », nghĩa là : tự sâu xa, bạn có được nuôi dưỡng bằng lời mà bạn suy niệm,
bằng tấm bánh mà bạn ăn, bằng sự tha thứ mà bạn nhận lãnh không ? Nó có phải là
điều nuôi dưỡng bạn không ? Điều đó có làm cho bạn lớn lên không ? Khi bạn nhìn
vào gương chiếu hậu, bạn có nghĩ rằng bạn đã lớn lên không ? Có lẽ chúng ta có
thể nói « không đủ » hay « không nhiều » nhưng, tự sâu xa, vẫn có điều gì đó :
điều đó đã nuôi dưỡng tôi không ? Điều đó có cho phép tôi băng qua một khoảng
cách nào đó không ? Để ra khỏi đó được lớn lên (có thể chúng ta cũng thoát khỏi
đó, cách nào đó, bị thu hẹp lại), dù sao đi nữa, tôi có thoát khỏi đó được no
thỏa không ?
Đào sâu ba chiều kích
Ba chiều kích lý trí, tâm hồn và ân sủng
này không đối kháng nhau : thực ra, chúng chồng chéo nhau, làm phong phú cho
nhau. Đối với tôi, không cần phải dành ưu tiên cho chiều kích này hơn chiều
kích kia ngay cả khi, cuối cùng, chiều kích quan trọng nhất là chiều kích tâm hồn,
vì chúng ta có thể nói rằng chính chiều kích này sẽ tồn tại cho đến muôn đời. Một
ngày nào đó, trí khôn sẽ ngưng đặt vấn đề : nó sẽ nhìn thấy. Một ngày nào đó, ý
chí sẽ ngưng chọn lựa hay không chọn lựa : nó sẽ được chiếm lấy. Tâm hồn, trong
cuộc gặp gỡ cuối cùng này, vẫn sẽ là nơi của đức ái : « Đức ái sẽ không bao giờ
qua đi ! » (1Cr 13, 1-13).
Tý Linh chuyển ngữ
(Xuân
Bích Việt Nam/ Pierre Durieux, Aleteia)