|
Tôi còn nhớ một trong những câu hỏi trong sách giáo lý cho trẻ em ngày xưa: “Dấu chỉ của Kitô hữu là gì? Thưa, là dấu thánh giá”.
Tất cả các thể chế, các thương hiệu ngày nay đều có một dấu hiệu riêng biệt, một logo nói lên nét đặc biệt của cơ quan, công ty mình. Tôi nghĩ đến các Kitô hữu đầu tiên, họ đáng được nhận giải thưởng quảng bá giỏi nhất, họ đã tạo ra một logo biểu tượng cho hình ảnh của Giáo hội. Người ta khó có thể tìm một hình ảnh nào đơn giản hơn, trọn vẹn hơn, qua chiều sâu, chiều rộng, tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị của Giáo hội, cây thánh giá hội đủ các yếu tố trên.
Đơn giản qua cây thánh giá là cả một quá khứ, một hiện tại và một tương lai của thể chế mang tính thiêng liêng là Giáo hội, một Giáo hội phục vụ con người. Cùng một lúc, thánh giá là hành trình mỗi ngày của giáo dân: “Nếu ai muốn đi theo Ta (…) thì họ phải vác thánh giá mỗi ngày để theo Ta” (Luc 23). Như thế mỗi người có cây thánh giá của mình trong đời và chấp nhận kết hiệp vào sự hy sinh của tình yêu Chúa Giêsu, Đấng đến cứu thế giới.
Khi người tín hữu Kitô làm dấu thánh giá, họ không làm phù phép, không trừ tà như một vài người Tin Lành ngày nay còn nghĩ như thế; nhưng qua một dấu chỉ đơn giản, họ nói lên lý tưởng đời mình, họ muốn Thánh giá ở với họ hôm nay, trên trán, trên môi, trên quả tim, với tất cả tâm hồn và thể xác, họ tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi khi họ đọc: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Chính vì thế mà các nhà thờ, các nơi thờ phượng đều có hình ảnh của thánh giá hay hình Chúa Kitô chịu đóng đinh, biểu hiện chính yếu của lịch sử, qua đó toàn nhân loại được Chúa Giêsu chuộc lại với Đức Chúa Cha. Rất nhiều người Tin Lành cho rằng dấu thánh giá là phạm thượng hay ngẫu tượng… vì thế đa số đã bỏ làm dấu thánh giá.
(Nguyễn Tùng Lâm dịch, phanxico.vn 12.12.2016/
aleteia.org, Javier Ordovás, 2015-09-15)