Vào tháng 7 năm 1909, một vị Thừa sai đã xin Đức Cha Allys, Đại
Diện Tông Toà Miền Truyền Giáo Huế cho phép quy tụ một ít người trẻ và sống với
họ theo Luật thánh Bênêđictô. Theo lời ngài, ở Đông Dương đã có nhiều tu viện
cho giới nữ mà không có một đan viện nào cho giới nam.
Đức Cha đã vui lòng nhận thấy rằng một đan viện chắc sẽ giúp ích
thật nhiều và các ơn gọi cũng sẽ không thiếu, nhưng ngài lưu ý vị Thừa sai rằng
một mình không nguồn sinh sống, không kinh nghiệm đời tu trì, vị Thừa sai ít có
cơ hội thành đạt và nên kêu mời các vị dòng Trappe thì hơn.
Vì thế, vị Thừa sai đã viết thư cho các viện phụ ở Pháp, Tàu, Ý.
Ngài cũng đã viết cho các vị dòng Xitô Lérins, cho các vị dòng Chartreux, cho
các vị dòng Bênêđictô. Người ta không trả lời hoặc nói với ngài rằng: “Không,
chúng tôi sẽ không bao giờ đi Đông Dương, khí hậu nơi đó không cho phép giữ
trọn vẹn Hiến pháp của chúng tôi (Constitutions)”.
Sau khi đã gõ cửa khá vô ích trong vòng hơn tám năm nơi tất cả các
đan viện lâu đời, vị Thừa sai lại đến gặp Đức Cha và lặp lại lời thỉnh cầu này.
Lần này ngài đã được nhận lời và ngày 15/8/1918 lần đầu tiên ngài
dâng Thánh lễ tại địa điểm sẽ lập đan viện sau này, một nơi hoang vắng rậm rạp
bụi bờ, trước kia và cả hiện nay hươu nai, lợn lòi, cọp beo và mọi loài thú
trong rừng rú Annam sinh sống.
Mảnh đất sau này thấy không đáng giá gì,
nhưng hoàn toàn cô tịch và cảnh trí khá vui.
Các thỉnh sinh nhanh chóng đến trình diện:
đó là những người nông dân hèn mọn, ở các vùng quanh đó, đầy thiện chí, nhưng
chẳng biết gì về đời sống tu trì. Trước tiên vị Thừa sai không buộc họ giữ luật
lệ gì, phải làm việc cách rắn rỏi, đó là tất cả. Đàng khác, người ta có thể nói
chuyện, vui đùa và hút thuốc tuỳ thích. Thức dậy theo ánh mặt trời, đi ngủ cũng
theo mặt trời, và ăn gì có thể.
Nếp sống như của Rôbinxơn này kéo dài
hơn 2 tháng. Ngày 1/11, các tu sĩ tương lai này đã khai hoang một mẩu đất, dựng
hai căn nhà nghèo nàn và họ đã bắt đầu giữ luật. Tuy nhiên có một điều giảm nhẹ,
đó là các anh em có thể nói chuyện nửa giờ trong ngày. Ngược lại, lúc đó họ phải
chịu muôn vàn thiếu thốn mà bây giờ không có nữa: là thiếu sự hiện diện của
Chúa trong Thánh Thể. Họ sống rất đỗi nghèo khó và mỗi tuần trong mọi thời tiết,
họ phải đi bộ 5 hoặc 6 tiếng để tìm gặp một vị giải tội. Điều này làm cho họ vất
vã nhiều nhất, vì thế họ hết sức vui mừng, khi vào tháng 5/1919, Chúa nhân lành
đã gửi đến cho họ một vị thừa sai tốt lành ở với họ hơn một năm và giúp họ mọi
thứ phục vụ.
Mỗi ngày, vào lúc 2 giờ sáng, một anh em gõ vào một thanh gỗ rỗng
(đó như là tiếng chuông), cộng đoàn thức dậy và sấp mình trước Thánh Giá bàn
thờ, rửa mặt trong vòng 2 phút và bốn ca viên (choristes) tụ họp quanh một đèn
chong để đọc Kinh Sách, còn trong bóng tối các anh em trợ sĩ (convers) đọc kinh
Lạy Cha và kinh Gloria truyền thống.
Việc này không thiếu thi vị và rất thường cọp beo từ các rừng rú
lân cận cùng hoà âm với giọng các tu sĩ. Để đuổi xa người lân cận nguy hiểm
này, người ta nghĩ rằng nên đốt lửa nơi vùng lau sậy và các bụi bờ quanh đó.
Than ôi, khi tất cả cháy lên, gió thổi quay ngược lại và nhà đẹp nhất trong các
nhà, nơi các anh em cất giữ mọi thứ của cải nghèo khó, đã bị cháy rụi trong
chốc lát.
Chúa nhân lành đã hoàn lại gấp trăm!
Sau giờ Kinh Sách là giờ gẫm, lần hạt, Thánh lễ và đi làm việc.
Gìờ Ba và giờ Sáu mang lại một chút nghỉ ngơi. Rồi trở lại giờ Chín, ăn uống,
đọc sách một ít, rồi đọc chuỗi thứ hai, công việc lại tiếp tục cho đến giờ Kinh
Chiều. Sau giờ ăn tối, cuối cùng người ta có thể chuyện vãn, và sau đó là sách
thiêng liêng, Kinh Tối và các anh em về lại giường: một tấm ván, hai chiếc
chiếu và một khúc gỗ gối đầu. Nếu trời lạnh, một bao vải dùng đựng vôi (sac à
chaux) làm chăn. Thế nên họ sống như các đan sĩ thực thụ, tuy nhiên chưa ai
trong họ mặc áo dòng.
Đức Giám Mục Đại Diện Tông Toà đã có thể ban cho họ điều đó. Ngày
11/10/1918 Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo đã viết cho ngài rằng: Đức
Thánh Cha Bênêđictô XV đã rất vui mừng về việc lập gia đình tu sĩ mới này và để
đạt được điều này, Đức Thánh Cha ban cho ngài mọi năng quyền cần thiết. Đức
Giám Mục đã muốn đợi chờ một chút. Khi ngài thấy rằng, các thầy bền bỉ trong ý
định đạo đức và thực hành lề luật, ngài đã ban cho họ được phép như mong đợi.
Cuối cùng, ngày 21/3/1920, Hội Dòng Các Tu sĩ Đức Bà đã chào đời. Ngày đó, vị
bề trên và 6 anh em đầu tiên mặc áo dòng và khởi sự làm Nhà tập.
Theo sau nghi thức này, có nhiều cuộc gia nhập, cũng có nhiều cuộc
rút lui và trong một hai năm đầu, các thầy không bao giờ hơn 12 người. Có lẽ
nhiều người đã rút lui vào lúc đó, bây giờ họ sẽ không rút lui nữa. Như chẳng
hạn người cháu của vua Minh Mạng, một cụ già chẳng bao lâu đã ngã bệnh và phải về
nhà. Ông nói: “Nếu ít nữa chúng ta có Mình Thánh Chúa!… Tôi sẽ trở lại đây
khi nào có được Mình Thánh Chúa”. Than ôi, khi Chúa đến ở trong nhà nguyện
nhỏ bé của đan viện thì cụ già tốt lành đó đã qua đời.
Những thời gian thiếu thốn cùng cực đó đã chấm dứt vào ngày
20/8/1920. Hôm đó, một vị thừa sai, nguyên giám đốc Đại chủng viện Huế, đã đến
đan viện Đức Bà Annam, mang theo một ít của cải, nhiều thiện chí và tài xử
thế. Cuộc sống trở nên ít vất vả và đều đặn hơn.
Những cơ sở đơn sơ nhưng chắc chắn đã mọc lên và dần dần bụi bờ
rậm rạp nhường chỗ cho các cánh đồng được trồng trọt. Các ơn gọi tăng nhiều. Có
hai thầy giáo sĩ (clercs) Miền Truyền Giáo Cambodge, một thầy Hà Nội, nhiều
chủng sinh Vinh đến gia nhập và không hề có người rút lui nữa.
Thỉnh thoảng những vị thừa sai hoặc các linh mục bản xứ đến tĩnh
tâm vài ngày giữa các tu sĩ. Các giáo dân người Âu hoặc người Việt, người Công
giáo hoặc Phật tử đến thăm nhà và trở về đầy ấn tượng.
Thế là đan viện Đức Bà Annam đã được biết đến, nhiều
người nói đến với đầy thiện cảm. Tuy nhiên, có một ít người nghĩ rằng các người
mang danh tu sĩ này chỉ là nơi tên gọi và áo mặc, cuối cùng chẳng bao lâu nữa
hội dòng này cũng sẽ biến mất mà thôi.
Đức Cha Lécroart Khâm Sai Toà Thánh (Visiteur Apostolique) tại các
Miền Truyền Giáo Đông Dương đã không cho là vô ích để đến thăm và tự mình thấy
những gì đang có.
Đây là một ngày trọng đại trong lịch sử đan viện Đức Bà Annam: có
nghi thức làm phép chuông, 9 anh em tuyên khấn, 2 giáo sĩ Cambodge được phong
chức Linh mục và bắt đầu làm Nhà tập cũng trong ngày hôm đó.
Đức Cha Khâm Sai lấy làm bằng lòng và Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ
Truyền Giáo đã có thể viết cho Đức Cha Allys rằng: “Tôi vui mừng biết được
có nơi đó hội dòng tốt lành của những người bản xứ sống theo Luật dòng Trappe”.
Các đặc tính riêng biệt của Hội Dòng này:
“Luật dòng Trappe” quả thực chính là lề luật các tu sĩ đan viện
Đức Bà Annam theo đuổi, tuy nhiên có khác một vài điểm:
Áo xống họ bằng vải bông (coton) chứ không phải bằng vải gai (lin)
.
Áo dài (tunique) của tu sĩ ngắn và không xuống quá đầu gối; họ
mang chuỗi nơi thắt lưng.
Họ được nói chuyện nửa giờ mỗi tuần.
Nơi họ, các trợ sĩ (convers) mặc như các ca sĩ (choristes) và
giống nhau trong mọi sự, ngoại trừ việc họ không đọc kinh Thần Vụ, họ làm việc
nhiều hơn một ít, ăn chay hơi ít thường xuyên hơn và chỉ tham dự lễ hát vào các
ngày chủ nhật và các ngày nghỉ lễ (jours fériés).
Không khác các thầy ca sĩ, các thầy trợ sĩ thường không rời khỏi
vùng đất của đan viện.
Trong các tương quan với thế gian, để đi chợ, các thầy thường nhờ
các hiến sinh (oblats). Các hiến sinh này ở đan viện Đức Bà Annam là
như các nữ tu giữ việc giao tế với bên ngoài (soeurs tourières) ở các nữ đan
viện.
Các tu sĩ Phước Sơn (là núi Hạnh Phúc, tên của ngôi làng nơi đan
viện được thiết lập) cũng muốn sống cuộc đời khiêm tốn và vất vả của các nông
dân xứ Annam. Chính vì thế, họ không dùng bánh mì, rượu, đồ hộp
(conserves), cũng vì thế, họ đi chân trần, từ chối quyền đi ngựa, đi ô tô. Họ cũng
bị cấm đi ăn xin (mendier) mọi sự như là để cất giữ tiền trong ngân hàng hoặc
trong các tổ chức; họ phải kiếm sống bằng việc làm; nếu có chút tiền bạc gì còn
lại, họ phải giao nộp cho vị Đại diện Tông Toà của Mìên Truyền Giáo họ đang ở.
Như các thầy Xitô, họ nhắm mục đích hướng đến sự trọn lành bằng
việc tập tành đời sống chiêm niệm, nhưng cùng với mục đích đầu tiên này, họ
thêm việc làm cho các lương dân trở lại bằng cầu nguyện và hy sinh: mọi kinh
nguyện và mọi hy sinh đều được dâng theo ý hướng này. Họ lần chuỗi mỗi ngày,
cũng có một thầy giữ luật, đi đàng Thánh Giá và dâng một giờ chầu cho mục đích
này.
Đan viện Đức Bà Annam là trung tâm của cả Đông Dương trong việc
dâng lễ và cầu nguyện cho việc trở lại của Miền Viễn Đông: trong một năm,
86.251 hội viên đã ghi danh vào số của đan viện. (Mỗi hội viên tự nguyện dâng 1
thánh lễ hoặc dâng 12 lần rước lễ trong 1 năm).
Do ngoại lệ, như gặp một điều nói được là bất ngờ (nhưng đó là một
bất ngờ luôn đáng lo khi họ được đặt ở bên cạnh lương dân) các tu sĩ đan viện
Đức Bà Annam hiện nay phải dạy dỗ và rửa tội, lo cho những dự tòng và những
người mới theo đạo. Họ đã đến trong một vùng hoang vu, nhưng vùng hoang vu này
nay đã đông dân, từ từ hình thành một họ đạo gồm 150 linh hồn, mà phần đông mới
theo.
Mới đây, 4 thầy đã phải đi dạy giáo lý trong một làng cho đến nay
hoàn toàn lương dân; đã có 40 người được rửa tội và những người khác sắp theo
gót. Các chức sắc của 2 làng khác cũng xin các thầy đến dạy đạo nơi chỗ họ ở.
Nơi đó các thầy chắc hẳn làm một công việc không phải là việc của
mình (leur besogne). Xin tha cho họ! Chỉ vì sự việc đưa đẩy và để không từ chối
làm cho các tâm hồn đáng thương này được biết Chúa. Vả lại, các thầy đi dạy ít
nữa gồm 4 người, trong đó có 1 linh mục. Họ tuân giữ lề luật như ở đan viện,
chỉ có việc tay chân được thay thế bằng việc dạy dỗ.
Vậy đó là về những gì các tu sĩ đan viện Đức Bà khác với các thầy
dòng Trappe. Còn lại họ đều giống, nghĩa là từ 2 giờ sáng đến 8 giờ tối, họ
luân phiên cầu nguyện và làm việc trong thinh lặng.
Chương trình các việc đó thay đổi theo mùa, theo các loại Kinh
Thần Vụ và các ngày lễ, thỉnh thoảng cũng thay đổi vì một việc làm đặc biệt
hoặc cấp bách hơn khiến cho cuộc sống không có gì là đơn điệu và ngày ngày qua
nhanh.
Ví dụ đây là chương trình một ngày làm việc vào mùa đông:
Giờ |
ca sĩ |
trợ sĩ |
7,30 |
Kết thúc giờ học |
|
7,45 |
Giờ Ba – Thánh Lễ – |
|
10,45 |
Kết thúc giờ học Kết |
|
11,7 |
Giờ Chín – Xét mình |
Giờ Sáu – Giờ Chín – |
11,30 |
Kinh Truyền Tin – Cơm |
Như nhau |
1,30 |
Lần chuỗi – Hội chung |
Như nhau |
5, |
Kết thúc lao động |
Như nhau |
5,15 |
Kinh Chiều – Nguyện |
Như nhau |
6, |
Bữa ăn phụ (Collation) |
Ăn tối (souper) |
7, |
Sách thiêng liêng |
Như nhau |
7,15 |
Kinh Tối – Kinh Truyền |
Như nhau |
8, |
Ngủ |
Như nhau |
Nhân sự của Hội dòng
Nhân sự của Hội dòng gồm 17 tu sĩ ca sĩ (9 khấn sinh, 5 tập sinh,
3 thỉnh sinh), 25 trợ sĩ (4 khấn sinh, 11 tập sinh và 10 thỉnh sinh) và 6 hiến
sinh (oblats).
Gốc gác số nhân sự này được chia ra như sau: 2 linh mục đã khấn từ
các địa phận Arras và Bayonne; 2 linh mục Miền Truyền Giáo Cambodge; 10 người
từ Miền Truyền Giáo Đàng Ngoài trong đó có 3 từ Hà Nội (1 tập sinh ca sĩ, 1 tập
sinh trợ sĩ và 1 thỉnh sinh trợ sĩ), 1 từ Hải Phòng (thỉnh sinh trợ sĩ), 6 từ
Vinh ( 1 khấn sinh và 2 tập sinh ca sĩ, 2 tập sinh và 1 thỉnh sinh trợ sĩ); 27
người đến từ Miền Truyền Giáo Đàng Trong : 25 từ Huế (4 khấn sinh và 2 tập sinh
ca sĩ; 4 khấn sinh, 8 tập sinh và 7 thỉnh sinh trợ sĩ); 1 từ Qui Nhơn (thỉnh
sinh trợ sĩ) và 1 từ Sàigòn (thỉnh sinh ca sĩ). Sau cùng địa phận Pondichéry
(Ấn Độ) đã cung cấp 1 thỉnh sinh ca sĩ.
Các cơ sở
Nhìn từ xa đan viện Đức Bà Annam tạo ấn tượng khá tốt và ngọn đồi
xây cất đan viện như làm cho nó lớn thêm. Thực sự chỉ ít ỏi thôi và nếu người
ta muốn đây là một nhà dòng Trappe, thì chắc chắn đây là nơi nhỏ bé nhất.
Quy hoạch và hình ảnh trong bài này làm cho người ta hiểu rõ hơn
và nhanh hơn là một bài miêu tả dài dòng về đan viện Annam nhỏ bé này. Người ta
sẽ nhận thấy cả hàng cột cũng như các sườn nhà bằng gỗ lim, các vách tường
không đồ chống đỡ, đó chỉ là những bức ngăn thô sơ bằng tre nứa trộn vôi hồ.
Đồ dùng của những kẻ nghèo khó nhất:
thánh Bênêđictô và thánh Phanxicô sẽ không có gì phải nhắc lại, cũng như chẳng
hạn ghế gỗ bao quanh bên trong nhà nguyện chỉ là những ghế băng đơn sơ không
lưng dựa, không bàn quỳ; giường nằm chỉ là một tấm ván với 2 chiếc chiếu và một
khúc gỗ làm gối đầu.
Phương tiện sinh sống
Đất đai của đan viện là do cụ Thượng Thư
Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài nhượng cho. Vùng đất này rộng lớn (gần 300 héc-ta), nhưng
ít màu mỡ và khó cải tạo cho nên tốt hơn, vì phủ đầy bụi bờ rậm rạp.
Đó là một dãy những gò đồi, phân cách
nhau bởi những thung lũng hẹp. Nơi đỉnh các gò đồi, có được một ít đất, dọc sườn
đồi đầy dẫy đá sỏi, trong các thung lũng có một thứ đất pha cát do mưa và các
dòng nước từ các sông ngòi dần dần mang lại.
Tuy nhiên trong mảnh đất xấu này, các thầy
đã trồng được chè, dâu, khoai, sắn và một vài thứ rau. Họ cũng đã canh tác được
từ 7 đến 8 héc-ta ở các chỗ đất thầp và đầm lầy. Họ nuôi cừu và trâu bò, họ bán
bơ, pho mát, rau quả, họ dệt vải, làm chiếu, mũ nón, đóng bìa sách.
Họ có được những gì để sinh sống cách
khó nghèo, từ Bêlem họ từng bước tiến đến Nadarét. Xin Chúa cho họ được ở lại
đó luôn mãi.
Lm. Stanislaô Nguyễn Đức Vệ