Các linh mục đặt tay lên đầu các tân chức
trong Thánh lễ Truyền chức do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành ngày 12 tháng 5
năm 2019, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican. (CNS / Reuters /
Yara Nardi)
Vào ngày 19 tháng 12 năm 1969, tôi đã phủ
phục trong lúc hát Kinh Cầu Các Thánh trước Bàn thờ Chủ tế ở Vương cung Thánh
đường Thánh Phêrô trước khi được thụ phong linh mục. Run lên vì cái lạnh của
ngôi nhà thờ không được sưởi ấm, tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong 52 năm
tới. Bất chấp những thất bại của chính mình – và đã có quá đủ – thời gian thi
hành sứ vụ linh mục của tôi quả là một hồng ân vô bờ. Tôi có thể dễ dàng nói
lên một tiếng “Amen” tuyệt vời với tất cả những gì đã qua.
Khi tua nhanh đến năm 2021, tôi nhận thấy
có một Giáo Hội cùng với thiên chức linh mục đang phải đối mặt với những thách
thức to lớn. Mặc dù mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi dám chắc rằng các
linh mục ngày nay đang đứng trước nhiều thách thức chưa từng có. Những thách thức
này bắt nguồn từ nền văn hóa và các vấn đề nội bộ trong đời sống Giáo Hội của
chúng ta. Dù nguyên nhân của chúng là gì đi nữa, những thách thức này vẫn diễn
ra trong đời sống của các linh mục.
Giáo Hội không chỉ là một tổ chức hay một
cơ quan. Dĩ nhiên, đó là thân thể của Chúa Kitô và là dân Thiên Chúa được Chúa
Thánh Thần quy tụ. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng là một tổ chức, và đó là bộ mặt mà
thế giới nhìn thấy trước tiên. Các linh mục không chỉ là những người đại diện
cho tổ chức. Chúng ta là những người công bố Lời Chúa và là những người quản lý
các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cũng là những người đại diện
và lãnh đạo của Giáo Hội trong tư cách là một thực thể có tổ chức. Và sự thật
này trở thành một thách thức to lớn dành cho sứ vụ của chúng ta.
Trong nền văn hóa của chúng ta, tất cả
các tổ chức (chẳng hạn như chính phủ, ngân hàng và giáo dục) đều bị nghi ngờ vì
không cung cấp những thứ theo như mong đợi và vì thường xuyên làm tổn hại đến lợi
ích chung. Trong tư duy của công chúng, Giáo Hội phải chịu một đánh giá tiêu cực
đặc biệt khắt khe về mặt tổ chức. Vì một số thành kiến nhưng cũng vì một số
sai lầm đáng buồn mà chính Giáo Hội đã mắc phải, nên việc giới thiệu công khai
về Giáo Hội trên các phương tiện truyền thông gần như thường mang tính tiêu cực.
Giáo Hội thường bị mô tả là theo chủ
nghĩa phân biệt chủng tộc trong lịch sử của mình, đồng lõa trong cuộc khai thác
thuộc địa của các dân tộc bản xứ, theo chủ nghĩa kỳ thị nữ giới, kỳ thị đồng
tính, nuôi dưỡng và tiếp tay cho việc lạm dụng trẻ em và thiếu niên, can dự một
cách không thích đáng vào hoạt động chính trị của quốc gia, chỉ lo làm giàu, và
nói chung là cố chấp và cứng rắn. Dưới hình thức cực đoan của họ, những chỉ
trích chung chung như thế vốn không công bằng và thiếu chính xác. Tuy nhiên,
chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng những chỉ trích như thế không phải là
không có cơ sở. Chúng liên quan đến những gì một số người trong Giáo Hội đã làm
hay đã không làm khi sống theo lý tưởng của Phúc Âm. Và vì vậy, các linh mục,
những người đại diện cho Giáo Hội trong tư cách là một tổ chức, dường như phải
đối mặt với một hoàn cảnh thực sự đáng buồn, mà trong đó họ phải cố gắng phục vụ
và chu toàn sứ vụ của mình.
Một thách thức khác đối với các linh mục
bắt nguồn từ những xu hướng lớn hơn trong đời sống Giáo Hội. Có những cộng đoàn
đức tin sôi động và đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, tổng số thành viên của Giáo Hội
ở Hoa Kỳ và Châu Âu vẫn tiếp tục giảm sút. Không có lý do nào là duy nhất cho
việc tại sao mọi người rời bỏ hay hờ hững với Giáo Hội, hay tại sao những người
trẻ lại không gắn bó với Giáo Hội, hay tại sao việc lên kế hoạch của Giáo Hội
cho tương lai lại chắc hẳn có nghĩa là lập kế hoạch cho những sự suy thoái – giống
như việc cắt giảm và pha trộn mà chúng ta đang làm ở Chicago. Dường như không
ai có cách khắc phục rõ ràng cho tình trạng này hay có được một cách hiệu quả để
giải quyết nó. Và đó quả thực là một thách thức rất lớn đối với các linh mục.
Cuối cùng, có những điều mà tôi gọi là
“những thách thức vĩnh viễn.” Xuyên suốt lịch sử, các linh mục đã phải
đối mặt với tính quan quyền nơi Giáo Hội, với các giám mục thiếu đi sự thấu hiểu
và đôi khi vô tình, với các linh mục khác cạnh tranh hơn là cộng tác, và với những
giáo dân dường như luôn bất di bất dịch theo cách của họ. Và vì vậy, đó chính
là vấn đề của ngày hôm nay.
Tổng hợp lại, những thách thức này tạo
nên một bối cảnh rất ảm đạm cho sứ vụ linh mục của chúng ta. Nhưng những thách
thức này có đồng nghĩa với việc tinh thần của các linh mục đang đi xuống hay
không? Nghe có vẻ là như vậy. Nhưng đây là một bức tranh phức hợp.
Kể từ khi Công đồng Vaticanô II kết
thúc, nhiều cuộc nghiên cứu về tinh thần của các linh mục nói chung đều đi đến
cùng một kết luận: Các linh mục đã bày tỏ nhiều nỗi thất vọng và lời than phiền
về cơ cấu Giáo Hội và về bối cảnh sứ vụ của họ. Họ nghĩ rằng các linh mục khác
cũng có vấn đề về tinh thần như vậy. Nhưng khi đặt ra các câu hỏi trong phạm vi
cá nhân – “Còn bạn thì sao? Bạn có hạnh phúc và mãn nguyện khi thi hành những
gì mà linh mục phải làm không?” – thì các linh mục lại cho thấy mặt tích cực
về sứ vụ cũng như về ý thức đối với sứ mạng và mục đích của họ. So với những
nam lao động người Mỹ khác, thì các linh mục luôn có cảm giác hài lòng ở mức
cao hơn trung bình khi thi hành những gì họ phải làm.
Vì vậy, tất cả những điều này đưa chúng
ta đến đâu? Dù cho tất cả những thách thức không làm tổn hại đáng kể đến tinh
thần của chúng ta, nhưng chúng vẫn làm chúng ta nản lòng. Chúng có thể gây khó
chịu cho chúng ta và khiến chúng ta tự hỏi chính xác chúng ta nên định hình sứ
vụ của mình như thế nào. Chúng ta có thể làm gì đây?
Bước đầu tiên là thành thật thừa nhận những
thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Chúng có thật, và chúng sẽ không biến mất.
Sau đó, khi tiến hành phân định cá nhân về việc định hình và định hướng cho sứ
vụ của mình trong bối cảnh phức tạp này, thì hơn bao giờ hết, chúng ta cần sử dụng
các nguồn lực thiêng liêng đúng đắn có sẵn dành cho chúng ta, chẳng hạn như việc
linh hướng, các nhóm cầu nguyện, các cuộc tĩnh tâm và những mối quan hệ bạn bè
mang tính trợ lực. Sự ủng hộ về mặt tinh thần lúc này là cần thiết hơn bao giờ
hết.
Các bước khác cũng có thể làm cho chúng
ta tiến bộ. Đức Thánh Cha Phanxicô và những vị tiền nhiệm của ngài đã làm cho
tôi phải nhìn đến sự đổi mới của Công đồng Vatican II. Hãy xem xét bốn bước và
đường hướng sau đây, những điều vang vọng tiếng của Công đồng và các Đức Giáo
Hoàng trong sáu thập kỷ đã qua.
Một linh mục
nâng cao Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Patrick ở Thành phố
New York vào năm 2020. (CNS / Gregory A. Shemitz)
1. Trước khi rao giảng, hãy đặt câu hỏi
và lắng nghe.
Khi nói về sứ vụ mục tử, Đức Thánh Cha
Phanxicô muốn nói đến từ “cercania” trong tiếng Tây Ban Nha, hay
trong tiếng Ý là “vicinanza”, mà chúng ta có thể dịch là “sự gần
gũi”. Tôi sẽ gọi nó là “sự gần gũi mục tử” (pastoral intimacy).
Và đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, sự gần gũi này là nền tảng thiết yếu cho tất
cả mối quan tâm mà chúng ta dành cho mọi người. Ngài nói, chúng ta là các linh
mục, cần phải có mùi chiên. Đó là sự gần gũi! Hãy để tôi gợi ý một cách để nắm
bắt được điều này.
Đặt câu hỏi là một cách thức cần thiết để
xây dựng sự gần gũi. Vì vậy, đây cũng là cách thức mà Chúa Giêsu đã dùng trong
khi thi hành sứ vụ của mình. Người đặt ra nhiều câu hỏi: Anh muốn tôi làm gì
cho anh? (Mc 10,51) Sao anh em lại sợ hãi? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng
tin? (Mc 4,40) Các anh tìm gì? (Ga 1,38) Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi
hay sao? (Ga 6,67) Anh có yêu mến Thầy không? (Ga 21,17) Những câu hỏi của Chúa
Giêsu cho phép Người kết nối với những người khác. Đây là một điểm trong cuốn
sách xuất sắc của Michael Buckley, Các anh tìm gì? Những câu hỏi mang tính thử thách
và hứa hẹn của Chúa Giêsu (What Do You Seek? The Questions of Jesus as
Challenge and Promise).
Các câu hỏi thể hiện sự quan tâm của
chúng ta đến những người khác và mong muốn làm quen với họ. Làm cách nào để bộc
lộ những câu hỏi này cũng rất quan trọng. Đặt câu hỏi nhưng cũng phải lắng nghe
cách cẩn thận. Dẫn dắt bằng những câu hỏi không chỉ để rút ra nỗi đau và sự giằng
co mà còn là cả ân sủng và hy vọng.
2. Sau khi lắng nghe và đến gần, hãy rao
giảng như Chúa Giêsu đã làm và dĩ nhiên, hãy rao giảng về Người.
Lời rao giảng của Chúa Giêsu bắt đầu bằng:
“Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
(Mc 1,15) Rao truyền về sự gần kề của Nước Thiên Chúa chính là việc tuyên bố rằng
Thiên Chúa đang cải biến cái thế giới hư hoại này cùng với cuộc sống đau thương
của chúng ta. Niềm hy vọng cần thiết này cho phép chúng ta điều hướng bất cứ điều
gì xảy ra theo cách của chúng ta. Và kêu gọi mọi người sám hối có nghĩa là mời
gọi họ đến với lời đầu tiên và cũng là lời cuối cùng của Thiên Chúa – chính là
lòng thương xót. Nói một cách đơn giản, rao giảng như Chúa Giêsu đã làm nghĩa
là rao truyền niềm hy vọng và lòng thương xót.
Chúng ta cũng phải rao giảng về Chúa
Giêsu, không chỉ như một chủ đề khác. Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và đã sống
lại, chính là niềm hy vọng và lòng thương xót nhập thể dành cho chúng ta. Nhưng
chúng ta thực hiện lời rao giảng này như thế nào? Tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm
của riêng tôi về điều này. Đó không phải là con đường duy nhất, nhưng tôi biết
nó phù hợp với tôi.
Trước tiên, tôi cần phải đi vào Lời
Chúa, ở lại đó và để cho sức mạnh của Lời Chúa hoạt động trên tôi. Sau đó, tôi
có thể nói về Chúa Giêsu, Đấng của niềm hy vọng và lòng thương xót. Nếu tôi làm
vậy, một quá trình sẽ bắt đầu vận hành. Tôi bắt đầu bộc lộ bản thân và thực sự
chia sẻ trạng thái của tâm hồn mình. Nếu hiểu biết về con người là bước đầu
tiên của sự gần gũi mục tử, thì việc rao giảng theo cách này là bước thứ hai.
Giáo dân có thể nhận thấy liệu rằng
chúng ta có tin những gì chúng ta nói hay không. Họ cũng biết liệu rằng chúng
ta có đang nói về Chúa Giêsu từ kinh nghiệm của mình hay không. Họ không bị lừa
dối bởi những lời hùng biện hoa mỹ hay những câu chuyện khéo léo. Vậy bất cứ
khi nào chúng ta rao giảng, chúng ta cần để tâm hồn mình mở ra với tất cả những
nhược điểm của nó. Điều đó thật đáng sợ và nhạt nhẽo. Nhưng điều đó cũng khích
lệ chúng ta thực sự dấn thân vào Lời Chúa trước khi cố gắng rao truyền những lời
đó.
Trong bức ảnh
năm 2015 này, một linh mục chúc lành cho một sinh viên tham gia Chương trình Học
bổng Sinh viên Đại học Công giáo nơi một nhà thờ trong khuôn viên của Đại học
Texas ở Austin tại Trung tâm Công giáo của Đại học. (CNS / Được phép của FOCUS)
3. Hãy phục vụ cho sự hiệp nhất, để
trong mọi việc bạn làm, bạn có thể mang và giữ giáo dân của mình gần lại với
nhau và với Thiên Chúa.
Lời từ biệt của Chúa Giêsu bắt đầu trong
Tin Mừng theo Thánh Gioan ở chương 13 khi Người phục vụ các môn đệ bằng cách rửa
chân cho họ và tiên báo về sự tự hiến của mình vào ngày hôm sau. Lời từ biệt của
Người kết thúc bằng lời cầu nguyện của Người dành cho các môn đệ cùng với cái
điệp khúc không lay chuyển của nó, “Lạy Cha, xin hãy cho tất cả nên một,
như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.” (Ga
17,21)
Sự phục vụ của Chúa Giêsu không phải là
để làm ơn cho người khác. Sự phục vụ của Chúa Giêsu là tình yêu tự hiến của Người
để đưa chúng ta đến chỗ hiệp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi và với nhau. Bất cứ
khi nào và theo bất kỳ cách nào mà chúng ta phục vụ, chúng ta đều có khuôn mẫu
cho mình nơi Người.
Sự dữ to lớn đang hoạt động trong thế giới
của chúng ta chính là sự chia rẽ vốn rõ ràng theo rất nhiều cách. Chúng ta thường
bị chia rẽ và mâu thuẫn bên trong chính mình. Chúng ta cũng bị chia rẽ trong
các mối tương quan gần gũi nhất của mình. Hãy nghĩ về Ađam và Êva, Cain và
Aben. Các cộng đoàn có thể bị rạn nứt. Một thế giới tổng thể có thể xảy ra chiến
tranh bên trong chính nó. Chúng ta cũng bị chia rẽ ngay cả với cái môi trường
đang nâng đỡ chúng ta.
Điều này có nghĩa là bất kể hành động phục
vụ cụ thể của chúng ta là gì đi nữa, thì chúng vẫn luôn luôn cần hướng đến sự
hòa giải, thúc đẩy sự hiệp nhất và khám phá ra sự thật rằng chúng ta là
fratelli tutti, tất cả đều là anh chị em của nhau.
Cha Mark
Searles, một linh mục thường trú tại Nhà thờ Công giáo Thánh Thomas More ở
Allentown, Pennsylvania, đeo khẩu trang khi trao Mình Thánh Chúa cho một giáo
dân sau Thánh lễ được cử hành vào ngày 2 tháng 10 năm 2020 tại bãi đậu xe của
giáo xứ. (CNS / Chaz Muth)
4. Hãy cầu nguyện trong tư cách những
người chuyển cầu
Tất nhiên, cầu nguyện là trọng tâm của sứ
vụ linh mục của chúng ta. Chúng ta hướng dẫn cầu nguyện, chúng ta là chủ sự nơi
Bí tích Thánh Thể, chúng ta cử hành các bí tích khác. Cũng có một cách cầu nguyện
khác dành cho chúng ta. Dân Thiên Chúa giao phó cho chúng ta trách nhiệm cầu
nguyện cho họ. Chúng ta là những người chuyển cầu.
Chuyển cầu là đặt con người và hoàn cảnh
vào tay Chúa. Chúng ta đón nhận những điều đó, cầm lấy chúng và giao phó chúng
về cho Thiên Chúa. Và điều đó thật đặc biệt.
Cách đây một thời gian, tôi nhớ đã đọc một
đoạn văn của Marguerite Yourcenar, một nhà văn người Pháp chuyên về một số ghi
chép và không phải là một người theo tôn giáo riêng biệt nào cả. Tuy nhiên, cô ấy
có một sự thấu hiểu thiêng liêng mà tôi chưa bao giờ có được. Cô ấy viết rằng nếu
chúng ta cầu nguyện cho mọi người, thì theo thời gian, họ sẽ xuất hiện trước mắt
chúng ta với một diện mạo khác. Cô ấy ngụ ý rằng chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy
họ như Thiên Chúa nhìn thấy.
Khi các linh mục chúng ta chuyển cầu cho
con người và cho thế giới nói chung, khi chúng ta không ngừng đặt tất cả những
điều đó vào trong tay Thiên Chúa, thì điều gì đó sẽ xảy đến đối với chúng ta.
Chúng ta sẽ bắt đầu nhìn mọi người theo một cách khác biệt. Và khi suy xét về tất
cả những thách thức mà chúng ta đã ghi nhận được, chúng ta cần có một tầm nhìn
cao hơn, cái nhìn thánh thiêng sẽ cho phép chúng ta trở thành những người quản
lý khôn ngoan.
Đây không phải là chuyện đơn giản. Nó là
một cách để hiện diện, và theo lời của Mẹ Têrêsa, thì cuối cùng, chúng ta sẽ
quan tâm đến việc trở nên trung thành, hơn là trở nên thành công. Điều đó không
hề là chuyện nhỏ nhặt.
*Lm. Louis Cameli là đại diện của Đức Hồng
y Blase Cupich về đào tạo và truyền giáo. Cha là một linh mục thuộc Tổng Giáo
phận Chicago. Cha cũng là tác giả của một số đầu sách về thần học và thiêng
liêng.