Việc dạy giáo lý không dành riêng cho các bà mẹ, các ông cũng tham dự vào mục vụ này của Giáo hội để giúp các thanh thiếu niên.

giao_ly.jpg

Dù có nhiều lý do để các ông thoái thác
không dạy giáo lý: không có thì giờ, không cảm thấy thoải mái với trẻ em, không
muốn nói về đức tin của mình trước mặt mọi người… Tuy nhiên cũng có một vài người
cha “dạy giáo lý” ở trường học, ở các ban tuyên úy, nhưng chắc chắn là thiểu số,
dù vậy vai trò của các ông quan trọng biết bao!

Ông Patrick, 36 tuổi, giám đốc điều hành
trong lĩnh vực tài chính, giáo lý viên cấp tiểu học ở một trường tư ở Hauts de
Seine tâm sự: “Động lực lớn của tôi là niềm vui được đưa trẻ em đến với Chúa,
được nhìn các em lớn lên trong quan hệ và hiểu biết về Chúa Giêsu Kitô.”

Chúa làm việc qua giáo lý viên

Chúng ta không nhất thiết phải là nhà thần
học lớn để làm công việc này. Chỉ cần có ý chí truyền lại đức tin, một kho tàng
lớn lao là đủ. Thường thường, tiến trình dạy giáo lý đã có bài bản nên dễ tạo
điều kiện thuận lợi cho việc lên chương trình dạy. Đối với các “người cha dạy
giáo lý”,
vừa đảm trách việc dạy, vừa phải lo đời sống nghề nghiệp căng thẳng,
điều quan trọng đối với họ là cho các em thấy chúng có khả năng phát triển và sống
mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Ông Alban 51 tuổi, kỹ sư vi tính, ông
đi dạy giáo lý sáng thứ sáu từ 8h30 đến 9h30 trước khi đi làm, ông cho biết:
“Tôi cố gắng làm cho trẻ em hiểu, đức tin không chỉ là nghi thức, truyền thống,
cầu nguyện thuộc lòng, nhưng trên hết là có mối quan hệ nhiều ngày, nhiều năm với
Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã ban sự sống cho chúng ta.”

Một cảm nghiện được ông Patrick cùng
chia sẻ khi nhận ra công việc của Chúa qua chính mình: “Trên hết, giáo lý viên
hiện diện để dạy dỗ, đồng hành và hướng dẫn trẻ em hướng về Chúa Giêsu Kitô.
Nhiệm vụ này vượt quá sức chúng ta! Đó là việc của Chúa. Vì vậy, Chúa không đòi
hỏi chúng ta phải là nhà thần học hay nhà chú giải, nhưng Chúa mong chờ nơi
giáo lý viên tấm lòng sẵn sàng với Thần Khí, để Ngài thực hiện công việc của
Ngài qua chúng ta”.

Nguồn của căng thẳng… và niềm vui

Một sớm một chiều trở thành giáo lý viên
mà không được đào tạo trước, không phải là chuyện dễ dàng! Thậm chí lại căng thẳng
khi đứng lớp mỗi tuần một lần. Điều quan trọng là bạn phải dám thực hiện bước đầu
tiên. Ngoài mong chờ của họ, các người cha gia đình đã gặt thành quả khi họ
dành thì giờ để giảng Tin Mừng cho trẻ em. Ông Olivier, 59 tuổi, kinh tế gia ở
một ngân hàng lớn và cũng là một cựu giáo lý viên cho biết: “Tôi nhận rất nhiều
ngoài những gì tôi mong chờ. Những cuộc trao đổi đôi khi sôi nổi, đôi khi làm
sáng tỏ, cuối cùng tôi là người được phúc âm hóa. Tôi nhớ có những lúc tôi bị
căng thẳng một chút, nhưng tôi ra về với tâm hồn nhẹ nhàng, và như thế làm ngày
của tôi được thay đổi.”
Còn với ông Patrick, mục vụ giáo lý viên giúp ông đến gần
với Chúa Kitô hơn: “Sứ mệnh của tôi không ngừng mời gọi tôi tập trung lại vào
ơn gọi của tôi là người đã được rửa tội. Tình yêu của Chúa rất dễ lây lan! Do
đó, chiều sâu và tính xác thực của mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa Kitô sẽ
chạm vào tâm hồn trẻ thơ.”

Kiên nhẫn và khiêm tốn

Đây có thể là hai đức tính người giáo lý
viên nên có: kiên nhẫn và khiêm tốn. Ông Olivier nói: “Tôi đã học tính nhẫn nại,
chúng ta gieo nhưng đừng chờ kết quả đến nhanh với mình, sẽ có người khác gặt,
đó là thứ trật của các thế hệ”.
Ông Alban sáng suốt nhận thấy: “Rất ít trẻ em
đi lễ ngày chúa nhật. Với một số người, những năm học giáo lý là những năm duy
nhất họ nghe Lời Chúa trước một thời gian dài. Vì vậy, đó là hạt giống nhỏ bạn
gieo trồng, nó có thể nảy mầm nhiều năm sau đó.”

Những hạt nhỏ lớn lên theo nhịp độ riêng
của nó và cho hoa trái đôi khi rất bất ngờ. Ông Olivier kể lại ông được đánh động
bởi một cậu bé lớp ba, em chưa được rửa tội và không ngồi yên trong lớp, cuối
cùng em tiếp tục học giáo lý năm sau, sau đó em xin rửa tội. Hoặc có những em
có vẻ như chúng chẳng nghe gì, nhưng tuần sau chúng lại nhớ bài đã học tuần trước.
Còn ông Patrick, ông xúc động khi thấy một bé gái 9 tuổi mang đến cho ông quyển
Thánh Kinh em tìm được trên chái nhà, thế mà đầu năm em dõng dạc tuyên bố em
không tin có Chúa.

Làm cho thế giới ngày mai tốt hơn

Với sự dấn thân hàng tuần của họ, các
“người cha dạy giáo lý” thấy xa trông rộng. Chẳng phải học giáo lý là để đào tạo
tâm hồn của những người trưởng thành ngày mai đó sao? Đó là những gì ông
Patrick cảm thấy mình được gọi. Khi dành thì giờ cho các em, ông tìm cách “dần
dần mang đến cho các em chìa khóa để tiến bước trong Tình yêu của Chúa”
vì ông
tin chắc “trẻ em càng bước vào Tình yêu không điều kiện này thì các em càng biết
cách bày tỏ tình yêu này cho người khác”.
Giáo lý đặt nền tảng đức tin trong
tâm hồn trẻ thơ. “Những nền tảng mà người trưởng thành trong tương lai, đến lượt
mình sẽ xây cuộc sống bám rễ trong Chúa Giêsu. Vì thế, sứ mệnh của giáo lý viên
là quan trọng và thiết yếu vì nó góp phần tích cực để làm cho thế giới chúng ta
ngày nay trở nên tốt đẹp hơn qua các em bé này, nhưng nhất là làm cho thế giới
ngày mai trở thành tốt đẹp hơn nhờ những người lớn và những bậc cha mẹ tương
lai mà chúng sẽ trở thành.”

Một thách thức có tầm cỡ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

(phanxico.vn 07.09.2021/ fr.aleteia.org, Mathilde de
Robien, 2020-06-15)