Dưới đây là một số suy đoán về lý do tại sao chúng ta lại ngần ngại chia sẻ những gì chúng ta biết về Chúa Giêsu.

loan-bao-tin-mung.jpg

Chúng ta có “bổn phận hàng ngày”“đem
Tin Mừng tới những người chúng ta gặp gỡ, dù họ là những người lân cận hay hoàn
toàn xa lạ với chúng ta,”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói trong Tông huấn Evangelii
Gaudium (số 127).

Ngài nói: “Là môn đệ có nghĩa là luôn
luôn sẵn sàng đem tình thương của Đức Giêsu đến với người khác, và điều này có
thể xảy ra một cách bất ngờ và ở bất cứ đâu: trên đường phố, trong một công
viên thành phố, khi làm việc, lúc đi đường.”
(số 127)

Đức Giáo Hoàng thậm chí còn giải thích
chính xác cách làm thế nào để thi hành việc đó.

Vậy mà chúng ta vẫn chần chừ. Tại sao lại
như thế? Dưới đây là một số suy đoán.

1. Chúng tôi không tập trung vào Chúa
Giêsu Kitô

Thông thường, chúng ta dành tất cả “cuộc
chuyện trò mang tính tôn giáo”
về Giáo Hội, không phải về Chúa Giêsu. Chúng ta
cảm thấy thoải mái hơn khi nói về Giáo Hội – giống như nói về một đoàn thể, đội
nhóm hay đảng phái chính trị, những điều chúng ta vốn đã quen thuộc.

Nhưng, như Đức Bênêđictô XVI đã chỉ ra,
“Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một
tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố với một Con Người, Đấng đem
lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát.”

(Thông điệp Deus Caritas Est, số 1)

Lý do duy nhất để Giáo Hội Công Giáo có
được tầm quan trọng xuất phát từ nguồn gốc của Giáo Hội là Chúa Kitô trên trần
gian, từ phương tiện của Giáo Hội là Chúa Kitô trong các bí tích, và từ cùng
đích của Giáo Hội là Chúa Kitô nơi sự sống đời đời.

Và bằng cách thức như thế, đó mới chính
là Tin Mừng: Thiên Chúa đã đến với chúng ta, ở lại với chúng ta và chờ đợi
chúng ta ở phía trước.

2. Chúng ta biết Giáo Hội chống lại điều
gì, nhưng không biết Giáo Hội hiện diện vì điều gì

Có thể nào bạn lại tham gia vào một tổ
chức bởi bởi vì tổ chức đó đã đưa ra những lời chỉ trích tuyệt vời về người
khác, nhưng bản thân tổ chức đó lại không làm được bất cứ điều gì hay không?
Tôi thì không thể. Trên thực tế, tôi cũng đã bỏ lại các nhóm bạn bè và các mối
giao thiệp bởi vì tôi không cần đến.

Giáo Hội làm rất nhiều cho thế giới mà
chúng ta, những người hiện thực hoá Giáo Hội, lại không bao giờ đề cập đến những
điều đó. Hãy xem chương trình Catholics Come Home TV dưới đây để nhớ lại những
điều đó: Chúng ta phục vụ, chữa lành và hướng dẫn mọi người thuộc mọi chủng tộc,
tôn giáo và tầng lớp. Chúng ta đã phát triển phương pháp nghiên cứu khoa học, hệ
thống trường đại học và Kinh Thánh.

Chúng ta mang Chúa Giêsu Kitô đến với vô
số người, đong đầy họ bằng một sự bình an vượt quá mọi hiểu biết.

3. Sự nghi ngờ của chúng ta lớn hơn niềm
tin của chúng ta

Một lý do chính khiến chúng ta không
loan báo Tin Mừng là vì chúng ta vẫn còn hoài nghi về mọi điều. Chúa Giêsu có
thật không? Liệu Người có thực sự cải thiện được cuộc sống của mọi người hay
không?

Đây là sự thất bại của đức tin, và có ba
cách để khắc phục những vấn đề này của đức tin.

Trước hết là cầu nguyện. Hãy mở lời cách
thành thật rằng, “Chúa ơi, con muốn tin. Nhưng con không làm được. Xin hãy giúp
đỡ đức tin yếu kém của con!”

Sơ Miriam James Heidland đã chỉ dạy cho
các sinh viên Đại học Benedictine một cách thức tuyệt vời để cầu nguyện qua những
nghi ngờ khi Sơ đến thăm Kansas gần đây.

Sơ nói rằng hãy tưởng tượng rằng bạn
đang tận hưởng một cuộc đi dạo qua vùng nông thôn yêu thích của bạn – hay bãi
biển. Bạn nghe thấy ai đó ở phía sau mình và quay lại nhìn. Đó là Chúa Giêsu.
Người đi bên cạnh bạn và hỏi han về cuộc sống của bạn. Bạn kể với Người mọi thứ
trong suốt chuyến đi. Sau một lúc, bạn đến khu vực có nhiều ghế đá, nơi bạn có
thể ngồi đối diện với Người. Bạn ngồi xuống, nhìn thẳng vào gương mặt Người và
Người hỏi, “Bây giờ, hãy nói cho Ta biết những gì con đã tránh không muốn
nói đến khi chúng ta cùng đi trên đường.”

Thật là một điều bất ngờ. Bất cứ khi nào
trải qua chuyện như thế, thì cuối cùng tôi cũng sẽ thổ lộ với Người mối nghi ngờ
thực sự của tôi là ở đâu. Vậy là tôi đã đi đến chỗ thực hiện hai bước tiếp theo:
Thổ lộ về những mối ngờ vực của mình với người mà tôi tin tưởng và tìm kiếm câu
trả lời.

4. Chúng ta quá ngại ngùng khi nói về
Thiên Chúa

Thông thường, có hai lý do khiến chúng
ta quá ngại ngùng khi nói về điều gì đó: Lòng tự trọng của chúng ta quá thấp
hay quá cao.

Nếu lòng tự trọng quá thấp, chúng ta
nghĩ rằng mọi người có thể không muốn nghe những gì chúng ta cần phải nói và điều
đó thật sai lầm. Hãy thực hành theo những cách thức nhỏ bé và hướng tới những
công việc khó khăn hơn. Hãy bắt đầu bằng cách mô tả một lễ hôn phối mà bạn đã
tham dự, hay một bí tích nào khác. Hãy tình cờ kể về một chi tiết của bài giảng.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng mọi người lại dễ dàng tiếp thu những kiểu nói
chuyện như thế.

Nếu lòng tự trọng của chúng ta quá cao,
chúng ta không muốn “cuộc chuyện trò mang tính tôn giáo” gây trở ngại
đến cái tác phong mà chúng ta đã tạo ra cho chính mình. Thật ra, điều này không
hợp lý. Trước hết, mọi người có thể biết chúng ta là những người có đạo và sẽ
cho rằng chúng ta lại đi xấu hổ về điều đó. Thứ hai, có rất nhiều người vừa dễ
mến lại vừa có thể chia sẻ đức tin của mình.

Điều chúng ta cần trong cả hai trường hợp
là đức cậy: tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ lo liệu cho chúng ta nếu chúng ta làm
theo lời Người. Hãy thử rồi bạn sẽ thấy.

5. Chúng tôi thích yên thân hơn là dấn
thân

Đôi khi chúng tôi không loan báo Tin Mừng
là bởi vì, thành thật mà nói, chúng tôi giỏi về việc “giữ nguyên hiện trạng”.
Chúng tôi thích những người trong nhóm thân tình với mình. Đặc biệt, chúng ta
không thích những người bên ngoài nhóm đó.

Trên thực tế, chúng ta có thể coi những
người khác là những địch thủ cần bị đánh bại chứ không phải là những tâm hồn cần
được thấu hiểu.

Đúng là chúng ta đang chịu ảnh hưởng bởi
một lối ẩn dụ sai lầm. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong cuộc phỏng vấn
với tạp chí America, “Tôi xem Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến sau trận
đánh.”

Đúng vậy, có những lẽ phải cần phải được
bảo vệ vàcũng có những những lẽ trái cần phải bị loại bỏ. Thế nhưng có nhiều
người mà chúng ta biết đến lại phải chịu thương tổn từ những điều dối trá của
chủ nghĩa thế tục và họ chỉ có thể được chữa lành bằng tình yêu của Đức Kitô,
chứ không phải bằng sự ghê tởm của chúng ta.

Tác giả: Tom Hoopes
Nguồn: 
aleteia.org (11/10/2021)

Chuyển ý: Phil. M.
Nguyễn Hoàng Nguyên

(giaophanvinhlong.net)