Khi I-nhã mở mắt chào đời năm 1491 thì Giáo Hội đang trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Năm 1492, Đức Alexandre VI thuộc dòng họ Borgia lên ngôi giáo hoàng (nghe nói nhờ hối lộ), dù trước đó ngài đã có bốn người con. Ngài đã được đưa lên làm Hồng Y từ năm 25 tuổi, vì ngài là cháu của Đức Giáo Hoàng Calixtô III.

Trong hơn 10 năm trên ngôi giáo hoàng,
Alexandre VI đã để lại những điều không đẹp trong lịch sử giáo hội: phóng túng,
vô luân, xa xỉ trong việc xây cất, và lợi dụng chức giáo hoàng để bành trướng
thế lực của gia đình Borgia . Đặc biệt, cậu con trai của ngài là César đã được
phong làm hồng y lúc 16 tuổi. Kế vị Alexandre VI là Đức Juliô II (1503-1513) và
Đức Lê-ô X (1513-1521). Thay vì bắt tay vào công cuộc cải tổ Giáo Hội, hai vị
sau lại mải mê với nghệ thuật thời Phục Hưng, mê tu sửa Đền thờ thánh Phê-rô, từ
đó có chuyện bán ân xá. Đấy là chuyện các Đức Giáo hoàng. Ngoài ra, nhiều tòa
giám mục được giao cho những vị chủ chăn bất xứng, chỉ nghĩ đến bổng lộc hơn là
chăn dắt đàn chiên. Các linh mục thì không nhận được một chút huấn luyện nào,
cả về mặt thiêng liêng, luân lý lẫn trí thức. Nhiều dòng tu trở nên lỏng lẻo và
nhuốm tinh thần thế tục.

Trước tình trạng xuống dốc của Giáo hội, cũng
có những tiếng kêu, như của Girolamo Savonarola (1452-1498), một cha dòng
Đaminh. Cha đã phê phán kịch liệt Đức Alexandre VI. Kết cục là cha bị vạ tuyệt
thông năm 1497, sau đó bị chính quyền ở Florence thiêu sống. Một vị khác cũng
mang tâm nguyện cải cách Giáo hội, đó là Martin Luther, một linh mục dòng
Augustinô. Năm 1517, Luther đưa ra 95 luận đề về ân xá. Tiếc thay, Đức Lê-ô X
đã kết án Luther bằng trọng sắc Exurge Domine vào năm 1520. Ông này cũng đáp lễ
bằng việc công khai đốt trọng sắc của Giáo hoàng. Năm 1521, ông bị vạ tuyệt
thông. Từ đó, lại thêm một hố thẳm nữa trong Giáo hội.

inha.jpg

I-nhã nhỏ hơn Luther 8 tuổi. Lúc I-nhã được
ơn hoán cải cũng là lúc Luther đoạn tuyệt với Giáo Hội (1521). Như Luther, hẳn
I-nhã cũng thấy những điểm tối của Giáo Hội thời ngài. Chính ngài đã từng bị
nghi ngờ và gặp rắc rối từ phía giáo quyền lúc ngài làm tông đồ ở Alcala và
Salamanca. Điểm đáng ta lưu ý là thái độ vâng phục của ngài trước giáo quyền
địa phương. Bị cấm ở Alcala, ngài đi Salamanca; bị cấm ở Salamanca, ngài đi
Paris. I-nhã chỉ bị tố cáo về một tội, đó là tội ít học. Nhưng lòng khao khát
giúp đỡ các linh hồn thúc bách ngài gặp gỡ, dạy giáo lý, cho Linh Thao.

I-nhã vui lòng bị xiềng xích trong tù, dù
người ta không kết án ngài được điều gì. Ngài đã từng nói: “Tại Salamanca này,
bao nhiêu xiềng xích cũng không đủ cho tôi mang, vì lòng mến Chúa.”
Tại Paris,
I-nhã ít gặp khó khăn hơn, đơn giản chỉ vì “… tôi không nói với ai về đời sống
thiêng liêng. Học xong thì tôi sẽ tiếp tục như cũ.”
Như thế, I-nhã mang hoài
bão cải tổ Giáo Hội, bằng cách canh tân con người về mặt thiêng liêng. Giáo Hội
trở nên thánh thiện hơn nhờ có những Kitô hữu thánh thiện.        

Như Luther, I-nhã muốn cải tổ Giáo Hội. Nhưng
khác với Luther, ngài muốn ở lại trong lòng Mẹ Giáo Hội để cải tổ. Ngài vẫn tin
rằng, các Đức Giáo Hoàng là đại diện Chúa Ki-tô nơi trần gian. Chính vì thế,
I-nhã và các bạn của ngài đã muốn vâng phục Đức Giáo Hoàng cách đặc biệt, để
được sai đi bất cứ nơi nào có nhu cầu trên thế giới.

Giáo Hội đã bắt tay vào công cuộc đổi mới từ
thời Đức Phaolô III (1534-1549). I-nhã và các bạn linh mục, cựu sinh viên đồng
môn với ngài, đã góp phần tích cực vào việc này. Trước một Giáo Hội say mê tiền
bạc vật chất, họ chọn sống nghèo, sống nhờ của bố thí, không lấy công về việc
giảng dạy hay ban các Bí tích. Trước một Giáo Hội bị đe dọa bởi lạc giáo, họ
thấy có bổn phận phải giáo dục đức tin cho giới trẻ và huấn luyện hàng giáo sĩ.
Chính vì thế, họ soạn sách giáo lý và mở trường dạy học. Họ cũng sẵn sàng đối
diện với những luận cứ của anh em Tin lành. Trong công đồng Trentô (1545-1563),
các bạn của I-nhã đã đóng góp suy tư của mình trong tư cách là các thần học gia
của Giáo Hoàng. Sau đó, Dòng Tên cũng đã góp phần không nhỏ trong việc thực
hiện những quyết định của Công đồng. Như thế, I-nhã và các bạn của ngài đã thực
sự dấn thân vào việc cải tổ Giáo Hội. Đây không phải là chuyện chống Tin Lành,
hay chống-Cải cách (contre-Réforme) như người ta thường nói, nhưng đúng hơn đây
là mở ra một cuộc cải cách thực sự, một cải cách từ nội tâm từng người và ảnh
hưởng trên cả cơ cấu Giáo Hội.

Chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những
vị thánh đã ở lại với Giáo hội, vâng phục Giáo hội và tìm cách xây dựng Giáo
hội trong khả năng và quyền hạn của mình: đó là bài học I-nhã để lại cho ta,
bài học của mọi thời, vì Giáo Hội vẫn cần không ngừng đổi mới để đáp ứng những
đòi hỏi của con người thời nay.

Yêu Giáo Hội, chúng ta không thể không làm
cái gì đó trong chính môi trường của mình, để Giáo Hội thật sự là Ánh Sáng, và
là Ánh Sáng cho muôn dân.

Lm.
Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(dongten.net
23.09.2021)