Cách
đây không lâu vào ngày 18/5/2015, trên diễn đàn âm nhạc tại Nhà hát lớn Hà Nội
đã diễn ra Liveshow dành riêng cho cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (Nguyễn Đình Ánh)[1]. Hai
đêm nhạc của cố nhạc sĩ đã khép lại với nhiều cảm xúc và sự nuối tiếc giữa người
nghệ sĩ tài ba cùng khán giả hâm mộ. Vì cảm động trước tình cảm khán giả dành
cho mình mà ông đã ngừng lại trước những lời phát biểu rất lâu. Những giọt nước
mắt cứ từ từ tuôn xuống trước những lời nói ngắt quãng, những giọt nước mắt
thay lời cảm tạ đến khán thính giả đã yêu quý luôn luôn ủng hộ ông trên con đường
âm nhạc: “Không lúc nào tôi cảm thấy hạnh
phúc trong cuộc đời này như ngày hôm nay, tình yêu thương của quý vị đã cho tôi
sức mạnh để tiếp tục con đường âm nhạc của mình…..”. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
đã lặng lẽ bên chiếc dương cầm với những bản nhạc của đời mình.
Vâng!
Đó là những giọt nước mắt trên phím dương cầm của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Còn
đối với những nữ tu của Chúa, lắm lúc chúng ta cũng thấy “đâu đó”, trong các
thánh lễ khấn dòng, cũng có những giọt nước mắt cứ nhè nhẹ tuôn trào và len lén
vội lau ! Nhưng đây không phải là những giọt nước mắt của cố nhạc sĩ Nguyễn
Đình Ánh đã khóc vì biết ơn những người đã giúp ông thực hiện được ước mơ lớn
nhất của ông đó là Liveshow thành công và trọn vẹn. Cũng không phải là những giọt
nước mắt của người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của
Nguyễn Minh Châu đã nhỏ xuống bởi những đớn đau của tâm hồn và thể xác khi nhìn
thấy đứa con chứng kiến được toàn bộ tấn bi kịch gia đình[2].
Và cũng không phải là giọt nước mắt đau đớn, tủi hổ vì bị người đời khinh bỉ,
chê bai, hay vì ăn năn sám hối của một quá khứ nặng nề tăm tối… của Thánh nữ Mađalêna…
Nhưng đây là giọt nước mắt của những người Chúa chọn; nước mắt của những người
đã tự nguyện hy sinh cam kết bước theo Chúa cách xác quyết và trọn đời; nước mắt
của sự cho đi vô điều kiện… Họ khóc không phải vì họ mất đi tự do, mất đi của cải
vật chất, mất đi cơ hội, mất đi địa vị hay phải chia tay một mối tình dang dở
nào đó… như người ta vẫn gán những giọt nước mắt cho những người yếu đuối, thất
bại, bất hạnh, ăn năn, buồn sầu, mất mát, chia ly, phản bội… Nhưng nơi các nữ
tu của Chúa, những giọt nước mắt ấy trông vừa đẹp, vừa thanh khiết, vừa đậm
tình và chất chứa nhiều thông điệp mà ta không thể nào hiểu hết; vì mỗi giọt nước
mắt là một phần tâm tư của con người.
Người
nữ tu khóc vì hạnh phúc khi biết mình là thụ tạo thấp hèn nhưng đã được làm hiền
thê của Chúa, được thuộc trọn về Chúa trong Hội dòng và cùng nhau chu toàn sứ mạng
Chúa trao. Khóc vì sự từ bỏ “toàn diện bản thân” đầy khắc nghiệt qua ba lời khấn
dòng, nhưng biết mình hạnh phúc và sung sướng khi cảm nhận được ý nghĩa đích thực
của sự từ bỏ ấy. Khóc vì sự lựa chọn dứt khoát bước theo Chúa mặc dù biết rằng
trước mắt nhiều khó khăn nhưng mạnh mẽ và tự hào. Khóc vì chết đi từng ngày với
những tính hư tật xấu để được Chúa thanh luyện tốt hơn. Khóc vì cảm được nỗi
đau của nhân loại đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid -19 làm đảo
lộn mọi trật tự của tôn giáo cũng như xã hội và cướp đi không biết bao nhiêu
sinh mạng. Khóc vì thương cho những sinh mạng đang nằm chờ hỏa táng trong những
thùng đông lạnh, một cảnh tượng mà lâu nay cứ ngỡ rằng nó xảy ra đâu đó ở các
nước láng giềng, vậy mà giờ đây lại ở ngay bên cạnh chúng ta. Khóc vì khi thấy
những bàn chân rã rời, kiệt sức lê lết từng bước về quê ròng rã mấy ngày liền
trong sự đói khát. Khóc vì nghe những tiếng rên xiết và tiếng kêu vô vọng trong
các khu cách ly đang trông chờ vào các bình ôxi, các y tá, bác sĩ… Khóc và cứ
khóc…vì con người chúng ta được dựng nên là để gắn kết, cảm thông và chia sẻ với
nhau mọi nỗi vui buồn.
Sống
trong một thế giới mà nơi đó con người không biết khóc là một thế giới của vô cảm,
chết chóc, hận thù; và nơi đó nguồn suối của tình thương đã cạn kiệt. Khi con
người còn biết khóc là còn biết thương, biết hy sinh, biết chia sẻ.
Chúng
ta đừng quên, trong cuộc công du Philippines năm 2015 của Đức Giáo Hoàng
Phanxicô, có một sự kiện vẫn còn in đậm dấu ấn đó là những giọt nước mắt của cô
bé Palomar khi đặt câu hỏi cho ngài: “Tại
sao Chúa lại để xảy ra như vậy?”; “và tại sao lại ít có người giúp chúng con
như thế ?”.
Và để
trả lời cho vấn nạn đó, Đức Thánh Cha đã ôm chặt cô bé vào lòng và nói: “Cô bé là người duy nhất đưa ra câu hỏi mà
chúng ta không thể đưa ra câu trả lời. Cô bé thậm chí không diễn đạt được bằng
lời nhưng những giọt nước mắt đã nói lên tất cả”. Và ngài diễn giải tiếp: “Chỉ khi nào mà một con tim không thể tìm được
câu trả lời và bắt đầu khóc, lúc đó chúng ta mới có thể hiểu được… Trong Tin Mừng,
Chúa Giêsu đã khóc. Ngài đã khóc cho một người bạn vừa mới chết, Ngài đã khóc
trong lòng cho một gia đình vừa mới mất đứa con, Ngài đã khóc khi nhìn thấy một
bà goá nghèo đem chôn đứa con trai, Ngài đã rơi nước mắt, động lòng trắc ẩn,
khi nhìn thấy đám đông không có ai chăm sóc”…
Người
nữ tu luôn mang trong mình trái tim thương cảm nên những giọt nước mắt của họ
luôn là những thông điệp muốn gửi đến cho nhân loại.
Dẫu biết
rằng trên hành trình theo Chúa, lắm lúc người nữ tu phải nhỏ những giọt nước mắt
rất cay và rất đắng nhưng vì tình yêu dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, họ đã mạnh
mẽ đứng lên gạt khô những giọt lệ và tiếp tục bước đi trong niềm hân hoan của Đấng
Phục Sinh. Lời xác quyết và “tự thú” của Thánh Phaolô: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5, 14) cũng là lời xác tín
và trải nghiệm của người nữ tu: không có đối tượng nào khác ngoài Chúa Kitô Chịu
Đóng Đinh, Ngài là lý tưởng và cùng đích cho cuộc đời dâng hiến của tôi. Những
giây phút lắng đọng của tâm hồn cùng những cảm xúc thánh thiêng dâng trào nơi
tâm hồn các nữ tu trong ngày hồng phúc như một lần nữa mạnh mẽ quyết định ơn gọi
và sứ mạng của mình trong một Hội dòng. Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến cũng đã
cho ta lời xác quyết rằng: “Đời sống thánh
hiến, bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Kitô, là một ân huệ
Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hội Người qua trung gian của Thánh Thần. Nhờ việc
tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng, các nét đặc trưng của Đức Giêsu- khiết tịnh,
nghèo khó và vâng phục, trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu
thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về mầu nhiệm Nước Thiên
Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới viên mãn ở trên trời”
(ĐSTH)[3].
Ước gì,
trên hành trình dâng hiến, mỗi người chúng ta luôn ý thức được giá trị cao quý
của những giọt nước mắt trong sứ mạng của mình. Dẫu rằng, khi lựa chọn đi trên
con đường ấy, đôi lúc chúng ta phải rơi lệ; nhưng đừng quên, những dòng lệ của
người tu sĩ luôn luôn là giọt lệ của hy sinh, thanh khiết, nguyện cầu, mạnh mẽ
và dứt khoát… Cho nên, hãy mau mắn lau khô những dòng lệ và tiếp tục mỉm cười bước
đi để sống trọn ơn gọi dâng hiến của đời mình. Vì đôi lúc, cuộc sống cũng cần
có những giọt nước mắt để cảm thông, chia sẻ, yêu thương và phục vụ; và chúng
ta cũng “cần phải khóc” để hiểu và cảm nhận trọn vẹn cái giá trị “cao vời nhưng cũng rất mắc mỏ” của hai
từ “Dâng Hiến” !
Nt. Anna Hiền Linh – MTGQN
[1] Nguyễn
Đình Ánh sinh năm 1940 tại Ninh Thuận. Ông không chỉ là một nhạc sĩ tài hoa mà
còn là một nhạc công chơi dương cầm xuất sắc.
[2] Tác
phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu được viết năm 1983, tác phẩm
nằm trong xu hướng nghệ thuật chung của văn học thời kỳ đổi mới, khai thác sâu
sắc số phận cá nhân và con người đời thường
[3] Tông huấn
Đời Sống Thánh Hiến (Vita Consecrata)
của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
- Gõ cửa Hiệp hành #14 | Tóm lược Instrumentum Laboris (2): Những hoàn cảnh cụ thể và niềm hy vọng
- Ơn trở lại của điêu khắc gia mù Andrea Bianco sau tai nạn xe hơi
- Chiến dịch “Một triệu trẻ em lần chuỗi Mân Côi” năm 2022
- Sứ thần Toà Thánh tại Campuchia khuyến khích tín hữu học Kinh Thánh
- Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 107 – Ý nghĩa của lao động