Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các mục tử hơn ai hết phải là những sứ giả của lòng thương xót Chúa:

mui-chien.jpg

“Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi nhấn mạnh rằng các cha giải tội là
dấu chỉ xác thực cho lòng thương xót của Chúa Cha… Các linh mục chúng ta đã
nhận được ân sủng của Chúa Thánh Thần, để tha tội, và chúng ta chịu trách nhiệm
về việc này. Không ai trong chúng ta nắm giữ quyền lực trên Bí Tích này; thay
vào đó, chúng ta là những tôi tớ trung tín của lòng thương xót Chúa qua Bí Tích
ấy” (Misericordiae vultus số 17).

Để thực sự trở thành khí cụ của lòng thương xót Chúa, các mục tử
cần thực hiện một cuộc “hoán cải mục vụ” triệt để hơn, nghĩa là cần có một sự
thay đổi về cách hành xử, thái độ phục vụ, tiêu chuẩn mục vụ và cả đời sống sao
cho phù hợp hơn với Tin Mừng và với Giáo huấn Giáo Hội hiện nay. Sau đây là một
số gợi ý giúp thực hiện cuộc hoán cải này.

1- Thương xót hơn là nghiêm khắc

Đức Giêsu Kitô mạc khải cho chúng ta biết gương mặt đích thực
của Thiên Chúa không phải là một gương mặt khó tính và ưa trả thù, nhưng là một
vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Trong tư cách là Mục Tử nhân lành, Chính
Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ cứu độ nhân loại với lòng thương xót hơn là thái
độ nghiêm khắc, loại trừ.

Khi khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã
chọn “lòng thương xót hơn là kết án” làm định hướng mục vụ cho Giáo Hội trong
thế giới hôm nay. Ngài nói: “Giáo Hội luôn chống lại những sai lầm qua các thời
đại. Giáo Hội thường lên án chúng với thái độ rất nghiêm khắc. Tuy nhiên bây
giờ, Hiền Thê của Chúa Kitô ưu thích sử dụng liều thuốc của lòng thương xót hơn
là sự nghiêm khắc”.[1]

Hạn từ misericordia trong tiếng Latin là sự kết
hợp bởi hai từ misereri có nghĩa là đau khổ, thương xót; và
từ cors nghĩa là trái tim. Nó diễn tả một trái tim biết thương
xót và đau nỗi đau của người khác như trái tim của người mẹ đau nỗi đau của
người con, như trái tim của Chúa Giêsu bị đâm thủng vì đau nỗi đau của nhân
loại.

Còn hạn từ “nghiêm khắc” là thái độ của những người duy ý chí,
nệ luật và cứng nhắc đối với người khác mà không chút xót thương, nhất là đối
với những người tội lỗi.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn các mục tử của Chúa tiếp tục áp
dụng nguyên tắc “thương xót” như là “liều thuốc” để đưa con người thời nay về
với Thiên Chúa. Đây là dấu chỉ thời đại và cái nhìn ngôn sứ. Bởi lẽ, nếu một
Giáo Hội quá nghiêm khắc, duy luật và gây khó khăn thì chẳng những không giúp
được gì cho các linh hồn mà còn trở thành nguyên cớ làm cho họ xa rời Thiên
Chúa.

Là hiện thân của Chúa Kitô, các mục tử trước hết phải có lòng
thương xót, lòng thương cảm, hay nói cách khác, có trái tim mục tử của Chúa
Giêsu để có thể đồng cảm, đồng hành và chia sẻ vui buồn với mọi người, nhất là
với những người đau khổ. Nếu bác ái mục tử là linh hồn của đời sống và sứ vụ
linh mục, thì hoạt động mục vụ của các mục tử phải là một sự biểu lộ đức ái của
Chúa Kitô mà các mục tử là hình ảnh phản chiếu. Các mục tử phải biết biểu lộ
các thái độ và hành vi của Chúa đến mức hiến mình hoàn toàn vì đàn chiên được
giao phó.[2]

Ngày hôm nay, ở Việt Nam, người ta đã rất dị ứng với cung cách
làm việc của những cảnh sát giao thông, của nhân viên hải quan ở một số phi
trường, hoặc của một số quan chức nhà nước, bởi vì họ hành xử theo kiểu “bắt
bẻ, gây khó dễ để kiếm chác”, hay theo cơ chế “xin – cho”.

Sống trong một thế giới phẳng, chủ nghĩa độc tài, độc đoán hay
chủ nghĩa “giáo sĩ trị” sẽ dần dần không còn chỗ để tồn tại. Các mục tử phải
tỉnh thức và xa tránh những lối hành xử trên. Thay vì thái độ khắt khe, trừng
phạt và gây khó khăn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các mục tử không bao giờ
mỏi mệt trong việc thực thi và chuyển thông lòng thương xót và tha thứ của
Thiên Chúa đối với mọi người. Ngài nói rằng: “Các linh mục đừng sợ khi phải
thương xót và tha thứ quá nhiều. Nếu linh mục nào đó cảm thấy mình đã tha thứ
quá nhiều thì nhớ lại câu chuyện về một linh mục nọ đến cầu nguyện với Chúa
rằng : “Lạy Chúa, con xin lỗi Chúa vì con đã tha thứ quá nhiều, nhưng tại vì
Chúa đã làm gương xấu cho con”.

Vì thế, các mục tử hãy tạo điều kiện hết sức có thể để giúp mọi
người đến với Thiên Chúa và Giáo Hội. Tuy nhiên, chọn lựa hành xử theo lòng
thương xót không có nghĩa là “laissez faire” – để mặc cho người ta muốn làm gì
thì làm. Lòng thương xót Chúa là ân ban nhưng không luôn bao hàm sự hy sinh, kỷ
luật và hoán cải từ phía con người.

2- Mục tử hơn là công chức

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nhiều lần lưu ý rằng
chúng ta cần tránh một thứ quan niệm giảm thiểu và phiến diện về linh
mục. Theo đó, thiên chức này được coi như là một “thứ nghề nghiệp”, một
“địa vị” hay “một đặc ân” trong Giáo Hội. Vì thế các mục tử hành xử như
những “công chức” của Giáo Hội. Nếu là công chức, thì sau khi làm xong
phận vụ, họ được tự do sống cho riêng mình. Lối nhìn này chỉ chú trọng tới
chức năng mà ít chú trọng tới căn tính linh mục. Nếu căn tính của linh mục
trống rỗng, thường sẽ được lấp đầy bởi những lối sống không phù
hợp với chính sứ vụ linh mục. Linh mục không phải là công chức, mà còn
cao cả hơn một công chức !

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn về Pastores
Dabo Vobis 
định nghĩa căn tính và sứ vụ linh mục như sau:

“Linh mục là hình ảnh sống động và trong suốt
của Đức Kitô Linh Mục (Cf. PDV 12). Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, linh
mục được biến biến đổi ngay trong chính con người của mình, nên đồng hình
dạng với Đức Giêsu Kitô Đầu và Mục Tử; linh mục tham dự vào sứ vụ “loan báo Tin
Mừng cho người nghèo nhân danh Chúa Kitô và thay mặt Chúa Kitô” (PDV, số 18).

Khi nói về mối liên hệ giữa linh mục với Chúa Kitô và
Dân Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả quyết: “Linh mục chân chính
là người được Thiên Chúa xức dầu để phục vụ Dân Chúa, linh mục có quan hệ mật
thiết với Chúa Giêsu: khi thiếu quan hệ này, thì linh mục trở thành người
không còn được xức dầu nữa, thành người thờ ngẫu tượng, thờ thần là cái tôi của
mình”.
 Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Nếu linh mục xa Chúa Giêsu,
linh mục phải tìm bù trừ tình trạng này bằng những thái độ trần tục khác. Và
như thế có những thứ linh mục kinh tài, linh mục doanh nhân…”.

Vượt lên chủ nghĩa công chức (fonctionnalisme), Đức Giáo Hoàng
mời gọi các mục tử hãy “mang lấy mùi chiên”. Mang lấy mùi chiên là gì nếu không
phải là trở nên một người mục tử ở giữa đoàn chiên, gần gũi với đàn chiên và
sống chết cho đàn chiên.

Nhưng theo thiển ý, để mang “mùi chiên” trước hết linh mục phải
có “mùi mục tử”, để chiên ngửi thấy mùi đó mà theo như Chúa Giêsu nói: “Chiên
Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta” (Ga 10,27). Mùi mục tử là
mùi hương nhân đức của Chúa Giêsu; là mang lấy tâm tình và cách sống của Chúa;
là nên giống Chúa Giêsu. Linh mục được xức dầu để có mùi mục tử. Đây là yếu tố
làm nên căn tính của linh mục.

Như thế, nếu linh mục không có “mùi mục tử” thì chỉ là những kẻ
chăn thuê, chỉ là người quản trị, là một công chức. Công tác mục vụ chỉ là một
thứ dịch vụ. Chức linh mục chỉ là một thứ nghề nghiệp, hay một địa vị trong
Giáo Hội mà thôi. Từ đó ta mới hiểu tầm quan trọng của chữ “là linh mục”
(l’être) quan trọng biết bao so với chữ “làm linh mục” (le faire).

3- Thay đổi cung cách và phương thức phục vụ

Câu chuyện thần thoại cổ của Sufi nói về Người săn dưa
hấu
 phần nào làm sáng tỏ vấn đề đang được nói ở đây:

Ngày xưa, có một người đi lạc vào trong một thế giới gọi là đất
của những Kẻ Ngu Xuẩn. Ít lâu sau, anh thấy một số người đang gặt lúa mì trong
ruộng tan tác, tán loạn. Họ bảo anh: “Trong ruộng có một con quái vật”. Anh
nhìn và phát hiện ra đó không phải là quái vật mà chỉ là một quả dưa hấu. Anh
tự nguyện giết con “quái vật” ấy giùm họ. Anh cắt cuống dưa, rồi xắt thành từng
miếng mỏng, và bắt đầu ăn. Dân bắt đầu sợ anh hơn cả trước đây họ sợ quả dưa
hấu. Họ lấy đòn cản đuổi anh đi và nói: “Không đuổi hắn đi, hắn sẽ giết chúng
ta mất”.

Rồi sau đó, một người khác cũng lạc vào vùng đất ấy, và anh này
cũng gặp phải những chuyện y như anh trước. Nhưng, thay vì tình nguyện giết
chết “quái vật”, anh này đồng ý với dân làng làm con quái vật ấy đúng là nguy
hiểm thật, rồi cùng với dân làng, anh rón rén bỏ chạy, anh đã chinh phục được
dân. Anh ở lại với dân ấy một thời gian dài cho tới khi, từng bước một, anh dạy
họ những sự kiện căn bản, giúp họ không chỉ sợ dưa hấu, mà thậm chí còn gieo
trồng dưa hấu nữa.[3]

Trong câu chuyện này, người thứ nhất đến với dân, anh có lòng
tốt, có thiện chí, và đã làm mọi sự có thể để giúp họ, nhưng kết quả là anh
càng làm thì dân càng sợ anh và xa lánh anh. Tại sao? Tại vì anh chưa đứng về
phía dân, chưa lắng nghe họ và hiểu họ. Anh thất bại !

Trái lại, người thứ hai đến với dân, nhưng anh có một lối tiếp
cận khác, anh đứng về phía họ, suy nghĩ và hành xử như họ. Dần dần anh chinh
phục được họ và từ đó, anh biến đổi dân từ việc sợ “quái vật dưa hấu” đến việc
biết cách trồng dưa hấu. Anh đã thành công !

Câu chuyện trên chứa đựng những bài học thật ý vị cho các mục tử
khi thi hành sứ vụ. Trong giáo phận, có rất nhiều mục tử thành công, được giáo
dân yêu mến và kính trọng, bởi vì các ngài đã sống như người thứ hai trong câu
chuyện. Tuy nhiên, cũng không thiếu những mục tử thất bại hay gặp khó khăn và
không được đón nhận bởi vì đã hành xử như người thứ nhất.

Trong bối cảnh xã hội hôm nay, các mục tử cần có một sự hoán cải
về cung cách và phương thức phục vụ. Cuộc hoán cải này bao gồm sự thay đổi về
lối sống, thái độ và cách thế hiện diện khi phục vụ.

Con người thời nay sống vô cảm, hời hợt và chuộng hình thức bên
ngoài. Người mục tử là người sống đơn giản, bình dị, chân thành và thân thiện
với mọi người.

Con người thời nay thích khẳng định mình bằng quyền lực, của cải
vật chất, thích “gồng mình” để tỏ ra quan trọng, hơn người, nhưng lại hay đòi
hỏi nhiều và thường hay bất mãn với cuộc sống. Người mục tử sống như là một
người phục vụ bình thường, vui tươi, thánh thiện, biết đón nhận mọi hoàn cảnh
với thái độ an nhiên tự tại và âm thầm phục vụ theo tinh thần men muối giữa
đời.

Thay vì lấy trọng tâm mục vụ là công việc và thành quả hay vật
chất, người mục tử biết lấy con người làm trọng tâm của mục vụ, từ đó hằng ngày
xây dựng tốt các mối tương quan liên vị với mỗi người trong cộng đoàn cách thân
thiện và thánh thiện. Để nhờ những nhịp cầu này, người mục tử đưa các linh hồn
đến với Thiên Chúa.

Thay vì thích dùng quyền áp đặt và bắt người khác làm theo ý mình,
người mục tử khiêm tốn, nhẹ nhàng đối thoại, biết tôn trọng ý kiến người khác,
đa diện trong cách nhìn, mềm dẽo trong cách hành xử, biết thấu hiểu và cảm
thương những hoàn cảnh và nỗi đau của từng người trong cộng đoàn được giao phó.

Noi gương Đức Kitô, Đấng không phân biệt đối xử, người mục tử
biết mở rộng cửa đón tiếp mọi người mà không loại trừ ai, tận tụy phục vụ họ,
đặc biệt là những người đau khổ, nhỏ bé, các trẻ em, những người gặp khó khăn,
bị loại trừ và người nghèo. Mục tử phải mang tình yêu và lòng thương xót của Vị
Mục Tử Nhân Lành đến cho mọi người.[4]

Khi phục vụ người khác, người mục tử biết đón nhận họ như họ là,
không thành kiến và chấp nhận những ưu điểm cũng như cả những khuyết điểm của
họ. Từ đó, khi có thể, với sự kiên nhẫn và khôn ngoan, vị mục tử dần dần tìm
cách để chinh phục họ, hướng dẫn và giúp họ thay đổi theo những tiêu chuẩn và
giá trị Tin Mừng. Có lẽ đây là bí quyết để thành công trong mục vụ.

Khi thi hành tác vụ, các mục tử có thể bị chính quyền, các nhóm
lợi ích, đảng phái chính trị lôi kéo đứng về phía họ để giải quyết những vấn đề
liên quan hay để tìm sự hậu thuẫn và lợi ích khác nhau. Các mục tử cần cẩn
trọng, khôn ngoan và có lập trường rõ ràng để biết phân định từng vấn đề, phân
biệt phạm vi và sứ vụ của mình, để khỏi bị lôi kéo vào một vị trí không thuộc
sứ mạng của người mục tử. Với tư cách là người của Giáo Hội, các mục tử biết
đứng về phía Dân Chúa để hướng dẫn và bảo vệ họ.

Ngoài ra, câu chuyện trên còn nói thêm điều này nữa. “Ta thường
nghĩ rằng phục vụ có nghĩa là cho người khác một cái gì đó, dạy cho họ nói
năng, hành động hoặc cư xử; nhưng nay phục vụ khiêm tốn, đích thực trước hết
chính là giúp người khác khám phá ra rằng họ đang sở hữu những tài năng rất lớn
nhưng thường ẩn khuất, đến độ họ có thể hơn cả những gì ta có thể làm cho họ”.[5]

4- Đón nhận đau khổ khi thi hành sứ vụ

Tình yêu và đau khổ luôn đi liền với nhau. Bởi vì yêu thương nên
mới đau khổ. Chân lý đó được minh chứng qua cuộc đời và sứ mạng của Đức Kitô.
Quả thế, khi thi hành sứ vụ, thập giá luôn gắn liền với sứ vụ cứu độ của Đấng
Cứu Thế. Đức Giêsu cũng phải trải qua những kinh nghiệm thất bại, chống đối, bị
sỉ nhục mà tột đỉnh của nó là cái chết đau đớn trên thập giá.

Cuộc đời không phải luôn là một thảm hoa màu rực rỡ mà không có
những gai nhọn. Sẽ rất ảo tưởng nếu chỉ thấy đời mục tử toàn là những thành
công mà không có thất bại, đau khổ và chống đối. Trong cuộc sống của người mục
tử, có những nỗi đau vì không được cảm thông; có những hiểu lầm vì không được
lắng nghe; có những thất bại xảy ra ngoài ý muốn.

Vì thế, người mục tử không chỉ biết đón nhận những thành công
nhưng còn phải biết đón nhận những thất bại và đau khổ trong đời sống linh mục.
Có thể nói đau khổ thường gắn liền với sứ vụ mục tử. Chính đau khổ làm cho vị
mục tử nên giống Đức Kitô hơn. Khi đau khổ, chỉ có ai biết ngước nhìn lên thập
giá mới khám phá ý nghĩa của đau khổ. Thập giá là sức mạnh để các mục tử không
quỵ ngã trước thử thách. Thập giá mang lại hy vọng để kiên nhẫn đón nhận những
biến cố đau thương của ngày Thứ Sáu và biết hy vọng đời chờ hoa quả cứu độ của
ngày Chúa Nhật Phục Sinh.

Khi suy mầu nhiệm sự Thương, chúng ta ngắm: “Thứ ba thì ngắm Đức
Chúa Giêsu chịu đội mão gai, ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng
lòng”. Như thế, chúng ta xin cho biết đón nhận những đau khổ, chịu sỉ nhục và
cả thất bại trong đời sống của mình theo thánh ý Chúa.

Nếu chúng ta biết đón nhận đau khổ và thất bại trong mục vụ với
thái độ đức tin, thì đó sẽ là cơ hội giúp chúng ta lớn lên về các nhân đức.
Thánh Ignatiô Loyola tự rèn luyện mình bằng cách xin chịu đau khổ và sỉ nhục
như là phương thế để tránh sự kiêu ngạo và vì danh Chúa được vinh hiển. Theo
ngài, có ba bậc khiêm nhường: thứ nhất là xin Chúa dẫn ta tới sự nghèo khó tinh
thần tột bậc, bậc thứ hai là xin Chúa dẫn ta đến sự ước ao chịu những nhục nhã
và khinh bỉ đối lập với danh vọng thế gian, bởi vì do hai điều này mà có sự
khiêm nhường; bậc thứ ba là sự khiêm nhường đối lập với kiêu ngạo; và từ ba bậc
thang này dẫn ta tới mọi nhân đức.[6]

Tạm kết

Nếu để tìm một hình ảnh sống động của một mục tử trong Giáo Hội
hiện nay đang thu hút và lôi cuốn mọi người, thì không ai khác hơn chính là Đức
Giáo Hoàng Phanxicô.

Với cương vị là một vị Giáo Hoàng đứng đầu Giáo Hội, ngài có bao
nhiêu bổn phận và bận rộn công việc hằng ngày, nhưng vị Giáo Hoàng đó mỗi lần
xuất hiện với dân chúng, người ta gặp thấy một vị mục tử hồn nhiên, vui tươi,
thân thiện và khiêm tốn. Đức Phanxicô toát lên một vẽ đẹp đáng quý và đáng yêu
của một người mục tử chân chính, một mục tử có niềm vui thực sự của Chúa Kitô,
một mục tử có đầy tràn Thần Khí. Vị Giáo Hoàng này không áp đặt ai, không loại
trừ ai, nhưng với cung cách khiêm tốn, chân thành, và khôn ngoan, Ngài thu phục
mọi người về với Chúa. Ngài quả là tấm gương phản chiếu dung mạo đích thực của
vị Mục Tử nhân lành. Bởi vì Ngài đã sống những giá trị của Tin Mừng và thực thi
sứ vụ mục tử theo một cung cách rất nhân bản và nhân văn.

Dịp tĩnh tâm linh mục giáo phận Vinh
31/12/2015

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương



[1]
www.vatican2voice.org/91docs/opening_speech.htm.
All papal quotes for this book are from the Vatican website.

[2]
x. PO 14.

[3]
Shah Indries, The Way of the Sufi, New York: E.
P. Dutton & Co., Inc. 1970 tr. 207 tt.

[4]
Kim Chỉ Nam về Tác vụ và Đời sống Linh mục, Nxb. Tôn giáo 2013,
tr. 89.

[5]
Henri Neuwen et alii, Lòng thương xót, Nxb. Tôn giáo
2002, tr. 106-107.

[6]
Ignatiô Loyola, Linh Thao, 146.