Justin Sullivan | Getty Images North
America | AFP
Giống như những người lính cứu hỏa khác đang
chạy vào Tòa tháp trong khi hàng ngàn người đang cố gắng thoát khỏi nguy hiểm,
nhiều linh mục Công giáo đã vội vã đến hiện trường vào ngày bi thảm đó để cử
hành các nghi thức cuối cùng cho các nạn nhân, hoặc chăm sóc mục vụ cho những
người sống sót và tang quyến, cũng như hỗ trợ tinh thần cho những người ứng cứu
đầu tiên. Nhiều linh mục khác xung quanh thành phố tổ chức các buổi cầu nguyện
và các buổi tư vấn cho những người đang hoảng loạn hoặc an ủi động viên thân
quyến của những người đang mất tích. Một số linh mục đã tận mắt chứng kiến thấy
những gì đang xảy ra và cử hành bí tích giải tội tập thể cho những người bị rơi
vào tình trạng nguy kịch tới tính mạng.
Linh mục Robert J. Romano, một tuyên úy của Sở
Cảnh sát New York, khi ấy đang cử hành thánh lễ an táng tại nhà thờ thánh
Bernadette, thuộc một giáo xứ ở khu Dyker Heights của Brooklyn, thì nghe tin về
vụ tai nạn máy bay đầu tiên. Ngay khi tang lễ kết thúc, gia đình của người quá
cố hối thúc cha Romano mau chóng “đi và giúp đỡ những người tội nghiệp
đó” ở Manhattan.
Ngài thay bộ đồng phục cảnh sát, và nhờ một
chiếc xe của cảnh sát địa phương chở ngài vào Manhattan. Khi ngài đang băng qua
Cầu Brooklyn, cha Romano nhìn thấy nhiều cảnh sát và lính cứu hỏa chạy băng qua
khu vực Manhattan và hàng nghìn dân thường đang đi về phía Brooklyn ở phía đối
diện của cây cầu.
Ngài đã đến thăm viếng các bệnh viện địa phương,
nơi một lượng lớn nhân viên được huy động để chữa trị cho rất nhiều người bị
thương theo dự đoán. Nhưng không có nhiều nạn nhân được đưa đến, vì hầu hết
những người làm việc trong Tòa tháp đôi đều được sơ tán kịp thời hoặc đã thiệt
mạng trong vụ sập nhà chọc trời.
Vì vậy, vị tuyên úy 51 tuổi trở lại khu vực
Ground Zero. Không có gì trong đời thực sự chuẩn bị tâm lý cho ngài trước những
gì sắp chứng kiến, kể cả những thi thể trên mặt đất của những người trong tuyệt
vọng đã nhảy từ tầng trên của những tòa tháp đang cháy.
Cả tháp phía Bắc và tháp phía Nam của Trung tâm
Thương mại Thế giới đã sụp đổ vào thời điểm linh mục Romano đến hiện trường.
Cha bị ấn tượng bởi sự yên tĩnh bao trùm khu vực, mà ngài cho rằng bầu không
khí chứa đầy bụi từ các tòa nhà sụp đổ. Cha Romano có cảm tưởng giống như đang
ở trong một trận bão tuyết, thứ bóp nghẹt hầu hết âm thanh. Nó yên lặng đến mức
ngài nghe thấy tiếng lách cách của đèn giao thông mà chắc hẳn là đang hoạt động
bằng pin, vì tất cả các thiết bị điện tử trong khu vực đã bị ngắt.
Một người bạn học từ thời chủng viện, Cha John
Delendick, tuyên úy sở cứu hỏa, nói với cha Romano về trường hợp cha Judge. Cha
Romano vội vã đi đến nhà thờ Thánh Phê-rô gần đó, nơi lính cứu hỏa và cảnh sát
đặt thi thể của vị tu sĩ dòng Phanxicô này, và cha Romano, tuyên úy sở cảnh sát
đã cử hành những nghi thức cuối cho người đã khuất.
Sau đó, cha Romano phân chia thời gian của mình
để cung cấp hỗ trợ tại địa điểm của các tòa tháp và tại Trụ sở Cảnh sát. Một
phòng trợ giúp gia đình đã được thiết lập cho thân nhân của các sĩ quan mất
tích. Cha Romano đã ở đó cả đêm chứng kiến cuộc đoàn tụ hạnh phúc của các sĩ
quan cảnh sát, và ở đó an ủi những gia đình sẽ không còn được nhìn thấy người
thân yêu của họ. Vào buổi sáng hôm sau, cha đã đề nghị cử hành thánh lễ ngay
tại Trụ sở Cảnh sát, vì 20 trong số 23 cảnh sát thiệt mạng là người Công giáo.
Đó là 23 trong tổng số 2.996 người thiệt mạng
trong cuộc tấn công vào Hoa Kỳ hôm 11/9. Lực lượng cảnh sát chuyên biệt chịu
trách nhiệm về an ninh cho Trung tâm Thương mại Thế giới đã mất 37 thành viên.
Sở Cứu hỏa New York thiệt hại 343 nhân mạng.
“Đó là khởi đầu của các Thánh lễ hằng ngày tại
Trụ sở Cảnh sát,” Linh mục Romano nói. “Chúng tôi đã dâng các thánh lễ tại
đó trong khoảng hai tháng.” Sau đó, vào mỗi Chủ nhật, ngài sẽ dâng thánh
lễ tại Ground Zero cho các sĩ quan vào thời điểm giao ban. Cha cho biết cộng
đoàn dự lễ đã tăng từ 17 sĩ quan vào hôm Chúa nhật đầu tiên sau ngày 11/9 lên
đến khoảng 1.000 người vào thời điểm các công nhân lấy tấm thép cuối cùng ra
khỏi công trường, vào mùa xuân năm sau. Gia đình của các nạn nhân và thậm chí
cả ủy viên cảnh sát và cảnh sát trưởng tham dự thánh lễ hàng tuần.
“Sau đó, chúng tôi sẽ cùng nhau ăn sáng tại lều
của tổ chức Salvation Army,” cha nhớ lại. “Và các gia đình sẽ ở đó. Họ đã rất
hạnh phúc khi đến tham dự thánh lễ cùng nhau”.
Đời sống thiêng liêng
phong phú
Cha Romano vẫn còn nhiệm vụ với giáo xứ mình
chăm sóc, nhưng bất cứ khi nào một thi thể được tìm thấy trong đống đổ nát tại
Ground Zero, ngài sẽ nhận được cuộc gọi thông báo từ sở cảnh sát.
“Tôi sẽ vội vàng quay trở lại, và chúng tôi sẽ
đồng hành với thi thể nạn nhân đến nhà xác,” cha nói. “Đó là một điều gì đó rất
cảm động vì họ – lính cứu hỏa, cảnh sát, dân thường – sẽ xếp hàng chào vĩnh
biệt khi thi thể được đưa lên khỏi hố trên một đoạn đường dốc lớn. Sau đó, tôi
sẽ dâng một số lời cầu nguyện và chúc lành cho thi thể nạn nhân.”
Bất chấp thảm kịch ngày 11 tháng 9 năm 2001, cha
Romano, hiện là trợ lý tuyên úy trưởng của Sở Cảnh sát New York, nhận thấy đời
sống thiêng liêng của ngài trở nên rất phong phú. “Có rất nhiều người đến gặp
tôi và nói rằng ‘Con muốn xưng tội. Có biết bao nhiêu người đã trở lại nhà thờ.
Có bao nhiêu người vẫn đến nhà thờ vì biến cố đó,” ngài cho biết.
Nhưng sự kiện 11/9 vẫn còn gây tác động tới cuộc
sống của mọi người, bao gồm cả linh mục Romano. Bây giờ đã bước sang tuổi 71
tuổi, cha cho biết mình vẫn bị căng thẳng sau chấn thương tâm lý và bị mất ngủ.
“Tôi không thể xem bất kỳ chương trình truyền hình nào chiếu về một tòa nhà
thương mại hoặc nói về nó,” cha cho biết.
Kể từ ngày đó, đã có hàng trăm sĩ quan cảnh sát,
lính cứu hỏa và những người đến tiếp ứng đầu tiên khác qua đời do các vấn đề
sức khỏe dưới tác động của bầu không khí độc hại tại Ground Zero. Mới tuần
trước, cha Romano nói vào ngày 8 tháng 9, “Tôi dâng lễ an táng cho một
cảnh sát đã qua đời vì căn bệnh liên quan tới vụ 11/9.”
Cha vẫn giữ liên lạc với gia đình của những
người đã thiệt mạng, chẳng hạn như con trai của một sĩ quan cảnh sát đã được
rửa tội chỉ 10 ngày trước khi thảm kịch xảy ra. Cha Romano nói, “chúng tôi
không bao giờ quên họ.”
Tìm kiếm niềm an ủi
Đức Giám mục Frank Caggiano của Bridgeport,
Connecticut, là một cha xứ ở Giáo phận Brooklyn vào thời điểm xảy ra vụ tấn
công. Giáo xứ của cha, giáo xứ St. Dominic’s ở khu Bensonhurst của Brooklyn, đã
cử hành 12 lễ tang vào mùa thu năm đó – một trong nhiều giáo xứ chịu nhiều tổn
thất.
“Một số lượng đáng kể người dân trong giáo xứ
của tôi làm việc ở trung tâm thành phố, ở khu vực Phố Wall, bao gồm cả những
người trẻ tuổi,” cha nói. “Từ đoạn Brooklyn – không xa nơi tôi lớn lên – bạn
bắt chuyến tàu N, rồi qua tàu R và đi thẳng vào khu vực Phố Wall, khu tài
chính. Với rất nhiều người trẻ, đó là cách họ bắt đầu sự nghiệp của mình, ngay
từ khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học. Có cả một cuộc xuất hành mỗi ngày
từ Brooklyn đến Manhattan và quay trở lại. “
Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 11 tháng 9, Đức cha
Caggiano cho biết, mọi người bắt đầu đổ về nhà thờ, và ngài đã đặt Mình Thánh
Chúa để chầu Thánh Thể và dành thời gian cầu nguyện yên tĩnh.
“Theo nghĩa đen, có hàng trăm người bước ra khỏi
cửa nhà” ngài nói. “Nhiều người trong số họ là thân nhân của các nạn nhân, đã
rất lo lắng cho vợ / chồng, anh chị em, con cái của họ ở Manhattan: chuyện gì
đã xảy ra với người thân của họ, liệu có họ bị thương không; đã có những hình
ảnh [trên truyền hình] của những người đi bộ băng qua Cầu Brooklyn, phủ đầy
bụi”.
Đức cha nói, có lúc ngài phải rời khỏi nhà thờ
trong 5 phút để “hít thở”.
“Tôi đứng ở góc Đại lộ 20 và Đường Bay Ridge, và
lần đầu tiên trong đời – lần duy nhất trong đời – tôi đứng ở Brooklyn với sự im
lặng tuyệt đối. Không có một chiếc xe hơi nào di chuyển, không có một tàu điện
ngầm nào chạy, không có gì cả. Và sự im lặng kỳ lạ đó giống như một con dơi đập
vào đầu tôi, làm tôi choáng váng.”
Hệ thống tàu điện ngầm của thành phố đã bị đóng
cửa và đã có lệnh liên bang yêu cầu hạ cánh tất cả các máy bay, để đảm bảo
không có thêm một âm mưu khủng bố nào.
Nhưng ngài thừa nhận rằng ngài cảm thấy bất lực
về một số mặt. “Mọi người đang hỏi những câu hỏi rất căn bản – nhất là ‘Tại sao
điều này có thể xảy ra? Tại sao Chúa cho phép điều này xảy ra? Tại sao?” Và tất
nhiên, mọi nỗ lực trả lời câu hỏi đều có vẻ sáo mòn và cứng nhắc. Và rồi lần
đầu tiên trong đời tôi nhận ra rằng câu trả lời tốt nhất là không có câu trả
lời. Bạn chỉ cần ngồi và cầu nguyện với họ, bởi vì không có câu trả lời nào vào
thời điểm đó sẽ giải đáp được những thắc mắc thực sự trong lòng họ, đó là nỗi
lo lắng khôn nguôi. “Cuộc sống của tôi bây giờ là gì? Chồng tôi có về nhà
không? Con trai tôi có về nhà không?”
“Ai có thể tưởng tượng rằng, đã qua rồi
thời kỳ Chiến tranh Cách mạng và Nội chiến, chiến tranh lại xảy ra vào giữa
thời đại của chúng ta?” Đức giám mục Caggiano trầm ngâm. “Chúng tôi luôn
chiến đấu ở những vùng đất xa xôi. Và một kiểu chiến tranh hoàn toàn mới. Giờ
đây, nó đã trở thành một phần kết cấu cuộc sống của chúng tôi – thật đáng
buồn.”
Sự tôn kính đối với các
thi thể của nạn nhân
Trong khi đó, linh mục Peter Byrne là cha
xứ của giáo xứ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở quận Staten Island của New York. Hiện ngài
là giám mục phụ tá của Tổng giáo phận New York.
Hôm đó hiệu trưởng trường Vô Nhiễm Nguyên Tội
mất một người anh là lính cứu hỏa, và một giáo dân khác là cảnh sát Cảng vụ
cũng thiệt mạng. Khi rảnh rỗi, Sĩ quan Donald Foreman, 53 tuổi, huấn luyện viên
bóng rổ và là giám đốc chương trình thể thao của Trường Vô Nhiễm Nguyên tội.
Người này cũng là tình nguyện viên ở một nơi tạm trú dành cho người vô gia
cư.
Cha Byrne đã giúp đỡ tại nhà xác tạm thời gần
Ground Zero để chúc lành cho các thi thể hoặc bộ phận cơ thể được tìm thấy và
đưa về. Nhưng ngài nói rằng có rất nhiều linh mục và phó tế tình nguyện đảm
nhận công việc đó nên cuối cùng ngài chỉ làm một ca duy nhất.
Đức giám mục Byrne nói: “Họ sẽ mang túi nhựa vào
đặt trên xe chở xác và chúng tôi sẽ cầu nguyện trước những thi hài của các
nạn nhân. Sau đó, họ sẽ mang những chiếc túi vào một căn phòng khác, mở ra
và xem xét bên trong. Thông thường có những bộ phận cơ thể, nhưng đôi khi chỉ
là một chiếc giày. Một linh mục đã nhìn thấy họ đưa đầu của ai đó ra khỏi
túi.”
Giáo xứ đã tổ chức Thánh lễ tưởng niệm cho
Donald Foreman, vì không tìm thấy thi thể. Tuy nhiên, gần một năm sau, nhà xác
“gọi tôi lên và nói rằng họ đã xác định được hài cốt. Tôi hỏi chúng tôi sẽ chôn
cất những gì còn lại, và được thông báo rằng “31 mảnh xương” của
Donald Foreman. Vì vậy, chúng tôi đã có một quan tài và tổ chức một đám tang
cho anh ấy, cùng với hài cốt còn sót lại.”
Mục vụ hiện diện đồng
hành (Ministry of Presence)
Một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng
của ngày 11/9 là hàng nghìn áp phích tự chế với hình ảnh những người mất tích
trên đó. Những gia đình tuyệt vọng không nhận được tin tức của người thân trong
vài ngày đầu sau vụ tấn công đã đăng thông báo trên khắp thành phố, hy vọng
rằng người thân có thể bị lạc hoặc mất phương hướng hoặc bất tỉnh trong bệnh
viện.
Nhưng hàng trăm người thân đã phải đối mặt với
khả năng rất thực đó là người thân của họ sẽ được tìm thấy với thân xác đã chết
giữa đống đổ nát của Tòa Tháp Đôi.
Cha Thomas Berg vừa mới được thụ phong linh mục
một năm trước đó và đang sống ở Westchester County. Cha và các linh mục
khác đã xem tivi với ý thức rằng họ cần phải làm gì đó để giúp đỡ mọi người. Họ
được bề trên cho phép đến thành phố New York hai ngày sau vụ tấn công. Vào thời
điểm đó, một trung tâm đã được thành lập để thân nhân của những người mất tích
trình báo sự mất tích của họ với cơ quan chức năng. Cha Berg và những người bạn
linh mục của mình đã gặp các đại diện của Hội Chữ thập đỏ, người đã cho họ một
khóa học cấp tốc để trở thành tuyên úy trợ giúp ứng phó với thảm họa và bài sai
họ đi trợ giúp các nạn nhân.
“Họ nhanh chóng thiết lập khoảng 200 bàn cho các
nhà điều tra và nhân viên FBI, v.v., để gia đình của những người mất tích có
thể đến, nói chuyện với nhà điều tra, cung cấp thông tin về người mất tích, sau
đó, họ được yêu cầu về nhà và mang về hồ sơ nha khoa hoặc một sợi tóc hoặc thứ
gì đó mà họ có thể lấy DNA từ đó,” Cha Berg nói. “Mọi người đã chờ đợi ở
cả hai bên, lên Đại lộ Lexington và qua Đường 25 để cuối cùng được vào trình
báo. Tòa nhà chiếm toàn bộ khu phố.”
Cha cho biết các linh mục “chỉ mới bắt đầu làm
việc, và họ nhận thức họ đang nói chuyện với những người hoàn toàn bị sốc, vì
vậy các câu hỏi sẽ là: “Bạn đang nhớ ai? Hãy kể cho tôi nghe về người đó.
Tôi có thể cầu nguyện với bạn không? Hãy nói cho tôi biết tôi có thể làm gì cho
bạn? Một số người rất dễ xúc động. Một số người đã khóc. Một số người không thể
nói chuyện. Một số người hoan nghênh cách tiếp cận của chúng tôi. Tôi nhớ một
người đàn ông. Tôi chỉ nhìn vào mặt anh ấy. Chắc hẳn anh ấy khoảng 35 tuổi gì
đó. Tôi đã thực hiện các câu hỏi của mình. Và khuôn mặt anh ta chỉ có một màu
xám như đá. Và anh ấy chỉ nhìn chằm chằm vào tôi và không nói một lời. Cả thế
giới của anh ấy vừa biến mất, và tôi có lẽ đang nói chuyện với một bức
tường.”
Mục vụ hiện diện, đồng hành theo cách nói của
cha Berg là điều không có gì kịch tính nhưng dù sao thì cũng rất quan trọng.
Cha Berg, người hiện là giáo sư thần học luân lý tại Chủng viện Thánh Giu-se,
thuộc Tổng giáo phận New York, nói: “Đó thực sự chỉ là ở với mọi người, đứng
với mọi người theo nghĩa đen. Tôi nhớ đã cầu nguyện với hai chị em đến từ Cộng
hòa Dominica, những người đã kết hôn với hai anh em trai, và hai anh em kia làm
việc trong nhà bếp tại Windows on the World [nhà hàng trên đỉnh Tháp Bắc], và
cả hai đã ra đi. Họ theo đạo Công giáo, và tôi nhớ đã ngồi cầu nguyện với hai
người này, và một nữ cảnh sát người Dominica cũng đến và cầu nguyện với chúng
tôi”.
Vào cuối một ngày dài giúp đỡ mọi người, khi
chuẩn bị rời đi, một số nhân viên điều tra gọi ngài lại, “Thưa cha, cha là một
linh mục Công giáo phải không ạ? Có một người ở đằng kia muốn nói chuyện với
một linh mục.”
“Vì vậy, tôi đến và nói chuyện với người ấy,”
cha Berg kể lại. “Thật là đau lòng. Nhân viên đầu tư cùng đến với tôi. Chồng và
con gái của bà làm việc trong Tòa tháp Đôi, và cả hai đều đã ra đi. Câu hỏi bà
dành cho tôi là làm cách nào để làm lễ truy điệu. “Làm thế nào để tôi bắt đầu
tổ chức tang lễ?” Lúc đó, cô ấy đã bật khóc. Tôi gục xuống khóc. Nhân viên điều
tra cũng bật khóc nức nở. Tôi và thám tử đỡ người phụ nữ đang suy sụp này. Tôi
gặp rất nhiều tình cảnh thương tâm như vậy”.
Sự hiện diện của Chúa
Kitô
Một lính cứu hỏa hiện diện ở giữa thảm kịch tại
Ground Zero và sau đó trở thành một linh mục, Cha Thomas Colucci, nhận ra rằng
một số người đặt câu hỏi làm thế nào mà một vị Thiên Chúa toàn thiện và yêu
thương lại có thể cho phép các cuộc tấn công kinh hoàng xảy ra. Để trả lời cho
những người hỏi “Chúa ở đâu vào ngày hôm đó?” cha chỉ vào “bàn tay và
bàn chân” của Chúa Ki-tô.
“Bạn đã nhìn thấy Thân thể Chúa Kitô trong những
người tình nguyện đã đáp lại lời mời gọi của ngày hôm đó,” Cha Colucci nói,
“trong số những người thiệt mạng, có rất nhiều các nhân viên cứu hộ: cảnh sát,
nhân viên cứu hỏa, tài xế xe cứu thương, EMS…, y tá, bác sĩ. Mọi người đã tiếp
ứng vào ngày hôm đó.”
Không nghi ngờ gì nữa, Thiên Chúa sẽ ban thêm
các linh mục, những người đã thực hiện mục vụ hiện diện đồng hành, cho dù ở
chính Ground Zero hay bất cứ nơi nào khác. Bởi vì Ground Zero có thể diễn ra ở
bất cứ nơi nào mà một gia đình bị tác động bởi thảm kịch. Và thực sự có rất
nhiều gia đình như vậy.
Duc Trung Vu, CSsR
- Án phong chân phước cho vị sĩ quan Argentina hy sinh mạng sống ngăn quân du kích sát hại thêm nhiều người
- Kitô hữu Mozambique giữ vững đức tin và hy vọng bất chấp khủng bố
- Tình dục ngoài hôn nhân: Khám phá những hậu quả không thể tránh khỏi
- Giáo hội Châu Á “đứng trước ngã rẽ lịch sử”
- Ghi nhận Đại hội Ủy ban Giáo dân toàn quốc lần II (19-22/9/2022)