“Bí tích Rửa Tội là việc sinh ra trong đời sống mới trong Đức Kitô. Theo ý muốn của Chúa, bí tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu độ cũng như chính Hội Thánh mà bí tích Rửa Tội tháp nhập vào.” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1277)

jeanbaptiste-mallet.jpg

Kinh Thánh liên kết trực tiếp Bí tích Rửa
Tội với ơn cứu độ:

Mc 16,16: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ
được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.”

Ga 3,5: “Đức Giêsu đáp: ‘Thật, tôi bảo
thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần
Khí.’”(x. Ga 3,3: “nếu không được sinh ra một lần nữa…”)

Cv 2,38-41: “Ông Phêrô đáp: ‘Anh em hãy
sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn
tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều
Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người
ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.’ Ông Phêrô
còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói: ‘Hãy
tự cứu mình khỏi thế hệ gian tà này.’ Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu
phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.” (x. Cv 9,17-18;
1Cr 12,13: cả hai đều liên kết Chúa Thánh Thần với Bí tích Rửa Tội)

Cv 22,16: “Vậy bây giờ anh còn chần chừ
gì nữa? Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng
kêu cầu danh Người.” (x. Cv 9,17-18)

Rm 6,3-4: “Anh em không biết rằng: khi
chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta
được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của
Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được
sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta mới có
thể sống một đời sống mới.”

1Cr 6,11: “Trước kia, có vài người trong
anh em đã là như thế. Nhưng anh em đã được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên
công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta!”

Tt 3,5: “Không phải vì tự sức mình chúng
ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu
độ chúng ta nhờ phép rửa tái sinh và đổi mới trong Chúa Thánh Thần…”

1Pr 3,21: “…phép rửa nay cứu thoát anh
em.”

Chỉ trong Cv 2,38-41, chúng ta mới biết
rằng Bí tích Rửa Tội mang lại: (1) “ơn tha tội;” (2) sự ngự trị của Chúa Thánh
Thần, điều mà chỉ có những ai đã được tái sinh mới có được; (3) ơn cứu độ (“hãy
tự cứu mình”); và (4) được xếp vào hàng ngũ những “linh hồn” đã được cứu độ (x.
Gl 3:27).

Rm 6,3-4 kết hợp máu và cái chết cứu chuộc
của Chúa Giêsu vào Bí tích Rửa Tội bằng cách đề cập đến “cái chết” của Người.
Điều tương tự cũng đã được đề cập đến trong một đoạn dài hơn ở 1Pr 3,14-22;4,1.

Thánh Phêrô khẳng định rằng “phép rửa…cứu
thoát” chúng ta (1Pr 3,21). Nếu có một cuộc tranh luận nảy sinh về việc liệu
“phép rửa có cứu được” chúng ta hay không, thì một đoạn Kinh Thánh được linh hứng
chỉ ra rằng “phép rửa sẽ cứu được”, và Mc 16,16 cũng khẳng định rằng: “Ai tin
và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ.” – tất cả chẳng phải là những câu trả lời cho
chính vấn đề đang được đặt ra hay sao? Làm thế nào để có thể tìm được thêm những
câu trả lời nào khác rõ ràng và hiển nhiên hơn chính những câu trả lời này được?

Đoạn văn dài hơn trong 1Pr 3 rất có tính
soi dẫn. Kinh Thánh thường sử dụng những điều tự nhiên làm biểu tượng cho những
điều siêu nhiên – ví dụ, ngôn sứ Giôna ở trong bụng cá voi ba ngày và sau đó
thoát ra mà vẫn còn sống là một biểu tượng của việc Chúa Giêsu chịu chết trong
ba ngày và sau đó sống lại; nhiều dụ ngôn cũng sử dụng lối diễn tả song song
như vậy.

“Được cứu” khi tham chiếu về Con tàu của
Nôê có nghĩa là “sự cứu thoát” cách thể lý và hoàn toàn tự nhiên khỏi việc chết
đuối. Nhưng sau đó Thánh Phêrô sử dụng từ này như một hình ảnh minh họa cho Bí
tích Rửa Tội siêu nhiên, bí tích này “tương ứng” với Con tàu của Nôê như một
phép loại suy (Con tàu là nguyên mẫu tự nhiên của một điều siêu nhiên).

Thánh Phêrô không nói rằng việc Bí tích
Rửa Tội này “cứu thoát” chúng ta cũng chỉ đơn thuần là mang tính biểu tượng.
Thánh Phêrô không hề nói như vậy! Ngài nhấn mạnh rằng Bí tích Rửa Tội này không
chỉ đơn thuần là “tẩy sạch bụi bẩn khỏi cơ thể” (không chỉ đơn thuần là một điều
tự nhiên, thuộc thể lý), mà còn liên quan đến việc chịu đau khổ
(3,14.16-17;4,1) và được phục sinh cùng với Đức Kitô (3:21), giống như những lời
Thánh Phaolô đã dạy (thậm chí còn rõ ràng hơn) trong Rm 6,3-4.

Trong khắp Tân Ước, Bí tích Rửa Tội được
xem là lệnh truyền và là phương tiện mà để qua đó Giáo Hội sơ khai có thể nhận
biết một người nào đó có người thuộc về đoàn chiên của mình hay không. Điều này
cũng đúng với Thánh Phaolô (Cv 22,16; x. 9,17-18). Ngay sau khi được “thuyết phục”
theo Kitô giáo, việc đầu tiên Thánh Phaolô làm là chịu phép rửa để tẩy sạch tội
lỗi củamình.

Cv 8,12-13: “Nhưng khi họ tin lời ông
Philipphê loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa và về danh Đức Giêsu Kitô, thì họ
đã chịu phép rửa, có cả đàn ông lẫn đàn bà. Cả ông Simôn nữa cũng đã tin theo,
và sau khi chịu phép rửa, ông cứ theo sát ông Philipphê,…”

Cv 8,34-38: “Viên thái giám ngỏ lời với
ông Philipphê: ‘Xin ông cho biết: vị ngôn sứ nói thế về ai? Về chính mình hay về
một ai khác?’ Ông Philípphê lên tiếng, và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan
báo Tin Mừng Đức Giêsu cho ông.Dọc đường, các ông tới một chỗ có nước, viên
thái giám mới nói: ‘Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?’ Ông
Philipphê đáp: ‘Nếu ngài tin hết lòng, thì được.’ Viên thái giám thưa: ‘Tôi tin
Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa.’ Ông truyền dừng xe lại. Ông Philipphê và
viên thái giám, cả hai cùng xuống chỗ có nước, và ông Philipphê làm phép rửa
cho ông quan.”

Bí tích Rửa Tội dành cho toàn bộ “người
trong gia đình” cũng ngụ ý mạnh mẽ đến Bí tích Rửa Tội của trẻ sơ sinh:

Cv 16,14-15: “Có một bà tên là Lyđia,
quê ở Thyatira, chuyên buôn bán vải điều. Bà là người tôn thờ Thiên Chúa; bà nghe,
và Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phaolô nói. Sau khi bà và
cả nhà đã chịu phép rửa,…”

Cv 16,32-33: “Hai ông liền giảng lời
Chúa cho viên cai ngục cùng mọi người trong nhà ông ấy. Ngay lúc đó, giữa ban
đêm, viên cai ngục đem hai ông đi, rửa các vết thương, và lập tức ông ấy được
chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà.”

Cv 18,8: “Ông Cơrítpô, trưởng hội đường,
tin Chúa, cùng với cả nhà. Nhiều người Côrintô đã nghe ông Phaolô giảng cũng
tin theo và chịu phép rửa.”

1Cr 1,16: “Tôi còn làm phép rửa cho gia
đình Têphana nữa…”

(Bản dịch Kinh Thánh có tham khảo của
nhóm Phiên dịch các Giờ kinh Phụng vụ)

Tác giả: Dave Armstrong

Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng
Nguyên

(giaophanvinhlong.net
/ ncregister.com)