“Tôi tự hào về bạn.” Đó là một câu nói mà chúng ta vẫn thường nghe hàng ngày. Nhưng khi nào thì tự hào trở thành tội kiêu ngạo? Kinh thánh nói rõ rằng việc khuyến khích và khuyên nhủ nhau cũng như tự hào về những công việc tốt lành của Thiên Chúa và về sự sáng tạo của Ngài là điều hoàn toàn bình thường. Chúng ta có thể tự hào là con cái của Chúa. Nhưng điều đó sẽ trở thành tội lỗi khi muốn mình là “trung tâm của mọi chú ý”.

tu-hao_kieu-ngao.jpg

Có sự khác biệt giữa loại tự hào mà Thiên Chúa chê ghét: 

“Thói kiêu căng ngạo mạn, và lối sống bất lương

cũng như những lời gian manh, tráo trở,

đó là những điều ta chê ghét”

(Châm ngôn 8:13)

và loại tự hào mà chúng ta có thể cảm thấy về một công việc được hoàn thành tốt: “Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình, và bấy giờ sẽ có lý do để hãnh diện vì chính mình, chứ không phải vì so sánh với người khác” (Galát 6: 4) hoặc loại tự hào mà chúng ta bày tỏ về thành tích của những người thân yêu: “Tôi rất tin tưởng anh em, tôi rất hãnh diện về anh em. Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2 Côrintô 7: 4). Tuy nhiên, tội kiêu ngạo bắt nguồn từ sự tự cho mình là đúng hoặc tự phụ thì đó là tội lỗi, và Thiên Chúa chê ghét nó vì nó là trở ngại cho việc tìm kiếm Ngài.

Thánh vịnh 10: 4 giải thích rằng kẻ kiêu ngạo quá say mê bản thân, đến nỗi suy nghĩ của họ xa rời Thiên Chúa: 

Kẻ ác dám ngông nghênh bảo rằng:

“Chúa chẳng phạt, vì có Chúa đâu!”

Tư tưởng nó chung quy là vậy.”

Loại kiêu căng ngạo mạn này trái ngược với tinh thần khiêm nhường mà Thiên Chúa tìm kiếm: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mátthêu 5: 3). “Người có tâm hồn nghèo khó” là những người nhận ra sự phá sản hoàn toàn về thiêng liêng của họ và không có khả năng đến với Thiên Chúa nếu không có ơn thánh của Ngài. Mặt khác, những người kiêu ngạo bị che mắt bởi sự kiêu ngạo của họ đến mức họ nghĩ rằng họ không cần đến Thiên Chúa, hoặc tệ hơn họ nghĩ rằng Thiên Chúa nên chấp nhận con người họ như thế bởi vì họ xứng đáng được Ngài chấp nhận.

Xuyên suốt Kinh thánh, chúng ta được biết về hậu quả của sự kiêu ngạo. Châm ngôn 16: 18-19 cho chúng ta biết rằng:

Kiêu căng đưa đến sụp đổ,

ngạo mạn dẫn đến té nhào.

thà sống tự hạ với kẻ khiêm nhu

hơn chia chiến lợi phẩm với phường kiêu hãnh.”

Satan bị đuổi khỏi thiên đàng vì kiêu ngạo:

Hỡi tinh tú rạng ngời, con của bình minh,

chẳng lẽ ngươi đã từ trời sa xuống rồi sao ?

Này, kẻ chế ngự các dân tộc, ngươi đã bị hạ xuống đất rồi ư ?

Chính ngươi đã tự nhủ: “Ta sẽ lên trời :

ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa;

ta sẽ ngự trên núi Hội Ngộ, chốn bồng lai cực bắc.

Ta sẽ vượt ngàn mây thẳm, sẽ nên như Đấng Tối Cao.”

Nhưng ngươi lại phải nhào xuống âm phủ,

xuống tận đáy vực sâu.

( Isaia 14: 12-15).

Satan táo bạo ích kỷ khi cố gắng thay thế chính Thiên Chúa, coi mình như là người cai trị chính đáng của vũ trụ. Nhưng Satan sẽ bị đày xuống hỏa ngục trong cuộc phán xét cuối cùng của Thiên Chúa. Đối với những người chống lại Thiên Chúa, chẳng có gì phía trước ngoài tai họa: “Ta sẽ đứng lên chống lại chúng, sấm ngôn của Chúa các đạo binh; Ta sẽ loại trừ khỏi Babylon tên tuổi và những người sống sót, con cái và cháu chắt, sấm ngôn của Chúa” (Isaia 14:22 ).

Sự kiêu ngạo đã khiến nhiều người không chấp nhận Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ. Đối với những người kiêu ngạo thật là khó và là một trở ngại liên tục khi thừa nhận tội lỗi và thừa nhận rằng với sức riêng của mình, người ta không thể làm gì để được thừa hưởng sự sống đời đời. Chúng ta không được khoe khoang về bản thân; nếu chúng ta muốn khoe khoang, thì chúng ta hãy khoe khoang vinh hiển của Thiên Chúa. Những gì chúng ta nói về bản thân chẳng có nghĩa lý gì trong công việc của Thiên Chúa. Chính những gì Thiên Chúa nói về chúng ta mới tạo nên sự khác biệt: “Người được chấp nhận không phải là kẻ tự cao tự đại, nhưng là người được Thiên Chúa đề cao” (2 Côrintô 10:18 ).

Tại sao sự kiêu ngạo lại là tội lỗi? Sự kiêu ngạo là tự nhận vơ vào mình một việc gì đó mà Thiên Chúa đã hoàn thành. Như thế, kiêu ngạo là chiếm lấy vinh quang chỉ thuộc về Thiên Chúa và giữ nó cho riêng mình. Về bản chất kiêu ngạo là tự tôn thờ bản thân. Bất cứ điều gì chúng ta hoàn thành trong thế giới này sẽ không thể thực hiện được nếu không được Thiên Chúa tạo điều kiện và nâng đỡ chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1 Côrintô 4: 7). Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải trao mọi vinh quang về cho Thiên Chúa – chỉ một mình Ngài xứng đáng với điều đó (gotquestions.org).

Thánh Phaolô biết việc vênh vang tự đề cao mình là chuyện ai cũng mắc phải! Nên trong 1Côrintô 4: câu 8, ngài lại nói; “Anh em đã no nê rồi, đã giàu có rồi! Không có chúng tôi, anh em đã làm vua rồi!.” Trước đó ngài đã nói: “Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật” (1Côrintô 3:18). Thánh Phaolô nói đến “khôn ngoan theo thói đời”, là những bận tâm tự cho mình là trung tâm và gây hậu quả xấu vốn không quan tâm gì đến việc loan báo Tin mừng. Kiêu ngạo là một thứ lượng giá cao hoặc quá đáng về phẩm giá, tầm quan trọng, công lao hoặc sự vượt trội của bản thân, dù được ấp ủ trong tâm trí hay được thể hiện trong hành vi. Cho dù khao khát những lời khen ngợi giá trị của mình, người ta lại vẫn ngấm ngầm sợ hãi hình ảnh thật về con người của mình. Cho dù đôi khi người ta tự trào phúng hay châm biếm chính mình, thậm chí chỉ trích quá mức về bản thân, thì sự kiêu hãnh vẫn có thể vừa lộ liễu vừa lén lút. Sự kiêu ngạo dần suy thoái thành sự lo lắng và băn khoăn, quan tâm quá mức đến bản thân, một khuynh hướng đề cao bản thân cố vượt lên trên những người khác, không cần biết những khiếm khuyết của mình và gán cho mình những gì vượt quá giá trị thực của mình. Điều đó bộc lộ sự thiếu tập trung vào Thiên  Chúa, thiếu tin tưởng cậy trông nơi chỉ mình Ngài.

Lời Thiên Chúa bảo đảm với chúng ta rằng thói kiêu hãnh là gốc rễ của đống đổ nát trong cuộc đời chúng ta. 1 Côrintô 10:12 cảnh báo: “Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã!” Thánh vịnh 10: 2-11 mô tả thói kiêu căng dẫn đến kết quả bóc lột người ta, và xúc phạm khinh thường Chúa:

Kẻ ác kiêu căng đuổi bắt người nghèo khổ:

họ mắc phải mưu nó đã bày ra.

Kẻ ác khoe khoang tham vọng của mình,

bóc lột người ta, xúc phạm khinh thường Chúa.

Kẻ ác dám ngông nghênh bảo rằng:

“Chúa chẳng phạt, vì có Chúa đâu! “

…Nó nhủ thầm: “Thiên Chúa đã quên,

Người che mặt, chẳng bao giờ thấy nữa.”

Sự kiêu ngạo là gốc rễ của sự lên mặt khinh mạn và tự đắc. Đó là xu hướng đánh lừa bản thân và luôn để lại một sự tàn phá. Bản chất xung đột của con người bắt nguồn từ các yếu tố của sự kiêu ngạo. Châm ngôn 13:10 nói:

Tự mãn tự kiêu chỉ gây ra cãi cọ,

nghe lời khuyên nhủ thì sẽ được khôn ngoan.”

Nguyên nhân nào gây ra thói kiêu căng?

Ađam và Eva đã bị cám dỗ tin rằng họ có thể giống và ngang bằng Thiên Chúa. Sáng thế ký 3: 5 chép: “Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Đó là lời nói dối lớn nhất của ma quỷ: rằng con người có thể sở hữu khả năng quyết định đúng đắn đâu là điều thiện và đâu là điều ác trong bản thân và lẫn nhau. Kể từ đó, con người luôn gặp phải một vấn nạn bẩm sinh khi được kêu mời giao phó quyền kiểm soát cuộc sống và hoàn cảnh vào bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Cha của chúng ta. Bản chất tội lỗi đó của con người thể hiện qua ba cách: tự phụ, tự cho mình là trung tâm và tự lấy mình làm chuẩn mực cho mình. 

Con người bắt đầu rời xa Thiên Chúa và trở thành tội lỗi khi lãng quên Thiên Chúa, chỉ còn thấy mình và cố gắng trở thành một vị thần ngang bằng Thiên Chúa. Sự kiêu ngạo như thế dần biến thành cạnh tranh và đố kị nhau, cấp độ cá nhân hay tập thể, quốc gia hay quốc tế. Khi chúng ta để cho sự kiêu hãnh tội lỗi chiếm lấy, chúng ta quên rằng Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta bình đẳng như nhau, và tiếp theo quên đi những ân huệ, mục đích, cách nhìn nhận và đối xử công bằng của Ngài với chúng ta. Chúng ta bắt đầu coi những thành tựu là công sức của mình.

1 Côrintô 4: 7 viết: “Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” Niềm kiêu hãnh tội lỗi của chúng ta cám dỗ chúng ta trở nên tự mãn hơn là cậy dựa vào Thiên Chúa.

Tại sao kiêu ngạo lại là một vấn đề quan trọng như vậy trong Kinh thánh?

Kiêu ngạo là bất tuân mệnh lệnh quan trọng nhất của Thiên Chúa là yêu mến Ngài trên hết mọi sự, và yêu những người lân cận như chính mình. Thiên Chúa luôn là Người Cha trung tín của chúng ta, khi Ngài thánh hóa tâm hồn chúng ta, cũng như khi Ngài kỷ luật chúng ta, như bất cứ người Cha nhân lành nào. Isaia 13:11 nói: “Ta sẽ phạt thế giới vì sự gian tà, phạt kẻ dữ vì tội lỗi của chúng. Ta sẽ chấm dứt sự kiêu căng của phường ngạo mạn, vẻ tự đắc của quân cường bạo, Ta sẽ hạ xuống.” Chúng ta thường không xác định được những khuynh hướng này ở bản thân, nhưng chúng ta rất giỏi trong việc phát hiện chúng trong cuộc sống của người khác. Chúng ta phải cẩn thận, vì khi chúng ta có thể nhìn thấy điều đó ở người khác, nó thường phản ánh một phần nào sự kiêu ngạo của chúng ta.

Isaia 2:11-12, 18 cảnh báo loài người kiêu ngạo bị hạ xuống trước sự phán xét vào ngày của Chúa, nói rằng: 

Người phàm tự kiêu sẽ cúi mặt nhìn xuống,

con người ngạo nghễ rồi sẽ bị khuất phục;

trong ngày đó, chỉ một mình Chúa được suy tôn.

Vì Chúa các đạo binh đã dành sẵn một ngày

để trị tất cả những gì kiêu căng ngạo nghễ,

trị tất cả những gì tự cao tự đại: chúng sẽ bị hạ xuống

Các tà thần sẽ đồng loạt biến đi.”

Đây là mối nguy hiểm thực sự đối với sự kiêu ngạo. Nó tìm cách đặt các thần tượng, bất cứ thứ gì chúng ta coi trọng hơn Thiên Chúa, lên ngai vàng của trái tim chúng ta. Tất cả những thứ hữu hình, những thành tựu thế gian, sự lệ thuộc không lành mạnh vào sự ngưỡng mộ của người khác sẽ bị tước bỏ… và chúng ta sẽ phải khiêm hạ đứng trước Thiên Chúa, vì khi ấy chắc chắn sẽ còn lại chỉ mình Ngài, là tất cả những gì chúng ta cần.

Sự kiêu ngạo đưa chúng ta vào một cuộc săn tìm tiếng khen phàm nhân như săn đuổi một con thú hoang dã và không bao giờ kết thúc, đánh cắp sự bình an mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta qua cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Kitô hữu có thể nhận ra thói kiêu ngạo trong cuộc sống của mình và loại bỏ nó.

Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Chúa Kitô Giêsu” (Philípphê 4: 4-7) . 

Chúng ta biết căn bệnh này, nhưng chúng ta không nhận ra các triệu chứng. Chúng ta cần phải được cảnh báo về những dấu hiệu kiêu ngạo mà các nhà tâm lý học chỉ ra: 

·       Luôn khẳng định mình đúng, thực ra sợ cái sai lộ ra.

·       Luôn xem mình là trung tâm, thực ra sợ bị người khác không chú ý đến.

·       Luôn coi thường người khác, thực ra sợ người khác vượt trội hơn mình.

·       Không lắng nghe lời người khác, thực ra sợ lời người khác có lý hơn. 

·       Không muốn nhận lỗi và thay đổi, thực ra sợ nhận lỗi sai về mình. 

·       Luôn nói về cái tôi cao ngút ngàn, thực ra sợ sự tầm thường của mình.

Do đó họ tỏ ra quyền hành, nhưng luôn lo sợ, nhiều khi nổi loạn, không biết cầu nguyện chân thật, đạo đức giả. 

Và đó là lý do tại sao chúng ta cần cái nhìn thấu suốt của vị Thầy thuốc vĩ đại giúp chúng ta thấy các triệu chứng của căn bệnh đó và giải phóng chúng ta khỏi sự kìm kẹp của nó.

Đức tin, một ân ban từ Thiên Chúa, giúp loại bỏ lòng kiêu hãnh.

Tự bản chất, đức tin không tập trung vào chính chúng ta nhưng giúp chúng ta nhìn xa khỏi bản thân mình. Chúng ta có thể nhận ra sự kiêu ngạo bằng cách duy trì kết hiệp với Chúa Kitô. Qua việc cầu nguyện và học hỏi lời Chúa, Chúa Thánh Thần sẽ cảnh tỉnh và cho chúng ta thấy rõ những xiềng xích tội lỗi trong đời sống của chúng ta, và hướng dẫn chúng ta từng bước trong ơn thánh để giải thoát chúng ta. Nhưng chúng ta phải có tai để nghe, và tinh thần dám nghĩ dám làm để đi theo sự dẫn dắt của Ngài.

·       Cầu nguyện. Hãy cầu xin Thiên Chúa bày tỏ và loại bỏ sự kiêu ngạo trong trái tim, tâm trí và cuộc sống của chúng ta.

·       Đọc Lời Chúa. Để nghe được tiếng Chúa, chúng ta phải lắng nghe. Điều này diễn ra qua việc đọc lời của Ngài.

·       Thực thi những gì Lời Chúa nói. Sự vâng nghe mở ra phúc lành cho cuộc sống của chúng ta. Lòng biết ơn và sự quảng đại khiến cho thói kiêu ngạo đi vào đường cùng.

·       Tìm kiếm kết hiệp với Thiên Chúa. Thiên Chúa trung thành gắn kết Lời Ngài với cuộc sống của chúng ta hàng ngày để chuẩn bị và thánh hóa tâm hồn chúng ta. Ngài sắp đặt mọi người trong cuộc sống của chúng ta một cách có mục đích.

·       Hãy sám hối thường xuyên. Sám hối thường xuyên có thể xây dựng thói quen mạnh mẽ và cách sống lành mạnh. Đức tin là một kỷ luật hàng ngày. Để ngăn chặn thói kiêu ngạo trong cuộc sống của mình, chúng ta phải liên tục thú nhận và ăn năn tội lỗi của mình.

Chữa lành thói tự kiêu bằng cách cầu xin ơn khiêm nhường: hết lòng cầu xin.

Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Ngài sẽ cất nhắc anh em lên.” (Giacôbê 4:10 ).

Khiêm nhường là liều thuốc giải độc cho lòng kiêu ngạo. Thánh Giacôbê khuyên nhủ: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Giacôbê 1:22 ). Khi chúng ta bước theo Chúa Kitô là chúng ta bước đi trên một con đường khiêm tốn. Cuộc đời của Ngài là tấm gương của chúng ta. Chúa Giêsu đã chọn sự khiêm nhường: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Gioan 1: 14).

Làm thế nào chúng ta có thể giam giữ những suy nghĩ kiêu ngạo của mình và hướng chúng vào sự vâng lời khiêm hạ? Thánh Phaolô cho chúng ta một công cụ quan trọng trong Philípphê 4: 8: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.” Giữ lấy đức tin làm trọng tâm. Giữ tâm hồn chúng ta tập trung vào Chúa Kitô là điều tối quan trọng để chiến thắng trong cuộc chiến chống lại thói kiêu ngạo (biblestudytools.com).

Phêrô Phạm Văn Trung biên tập.