Trong cuộc đời chúng ta ít nhiều ai cũng
đã một lần chứng kiến và trải qua cảnh chia lìa. Có những cuộc chia xa với những
miền ký ức, có những cuộc chia xa với những vùng đất lưu giữ cả một thời thơ ấu;
hay có những cuộc chia xa với một con người. Riêng tôi, tôi đã từng trải qua một
cuộc chia lìa đầy tiếc nuối để rồi hôm nay cứ mỗi lần nhớ về cảm giác ngày ấy
trong tôi như nghèn nghẹn trái tim và đong đầy nỗi nhớ thương.
Nhớ về cha, một người đáng kính đã ra đi
để lại cho tôi một mẫu gương cao cả, một tấm lòng quảng đại thứ tha, một tinh
thần hăng say, yêu thương và phục vụ gia đình trong tình Chúa và tình người,
tình gia đình…
Cha! Tiếng gọi yêu thương ấy giờ đã
không còn nữa, cha đã ra đi mãi mãi. Tuy hôm nay cha không còn hiện diện nhưng
hình bóng và gương sáng của cha vẫn còn ghi dấu trong tâm hồn con. Con còn nhớ
gia đình mình ngày ấy thắm đượm tình cha con, hạnh phúc có, buồn đau có và khó
khăn vất vả cũng không thiếu… Những lúc như thế, cha như là chiếc cầu, chấp nhận
chịu người khác giẫm lên để nối lại bến bờ yêu thương. Là gia đình nông thôn,
lao động vất vả ngược xuôi nhưng chưa bao giờ cha để con thua kém bạn bè; nghèo
về vật chất nhưng cha cho con cả một gia tài vững chắc về tinh thần. Cha là động
lực, là sức mạnh và niềm vui cho con trong những lúc khó khăn. Cha tận tụy, chịu
cực, chịu khổ, lên rừng, xuống ruộng, cày sâu, cuốc bẫm, dầm sương dãi nắng để
lo cuộc mưu sinh cho gia đình. Cuộc sống của cha dường như không bị lệ thuộc
vào tuổi tác, cha luôn sống vui và đồng hành với con trong mọi công việc. Cha
mong con được mạnh khỏe và bình an. Khi con bắt đầu bước vào trường đời, cha là
người bạn trung thành với con trong suốt quãng đường dài. Con còn nhớ năm ấy
khi con còn học tiểu học, tấm lưng cha là phương tiện đưa con đến trường trong
những ngày mưa gió, đôi chân cha không biết mỏi mệt để đi với con đến trường mỗi
ngày, ánh mắt cha dường như không muốn chớp khi đứng quan sát con nhảy nhót
cùng chúng bạn trong sân trường, tình thương của cha không bao giờ vơi cạn, tâm
hồn cha luôn luôn phấn khởi và tư tưởng cha luôn phong phú, cha có nhiều sáng
kiến để làm động lực cho con trên đường đời, nhất là mỗi khi kết thúc học kỳ,
phần thưởng cha tặng cho con có lẽ không khi nào quên được. Mỗi năm học cha đều
ra mức giải thưởng: Học sinh giỏi là cha cho kẹo kéo, học sinh tiên tiến là
bánh mì nướng làm từ củ mì. Vì thèm kẹo kéo cha làm nên cố gắng học thật giỏi để
được ăn kẹo kéo.
Những ngày tháng tiếp theo trong cuộc đời,
nhất là khi con đi học xa nhà, cha luôn dõi bước theo con từ việc học hành đến
nơi ăn chốn ở. Con biết thời gian này gia đình khó khăn, điều kiện sinh hoạt
nơi con học cũng rất phức tạp nếu không có ý chí dễ chán nản, bỏ cuộc nhưng bằng
mọi giá cha bắt con phải đi học và không để hoàn cảnh làm nhụt ý chí, phá hủy
tương lai. Vì thương con mà cha bất chấp tất cả, vượt qua tuổi tác để hy sinh
cho con. Khi con bước vào cấp ba là lúc tuổi cha cũng bắt đầu “ngã bóng” nhưng
cha luôn luôn đồng hành, lo lắng cho con. Khi con sống xa nhà mỗi tuần cha đạp xe
15 cây số để thăm, có lúc mỗi tuần đến 2 lần mà còn chở theo gạo, đậu phộng, củi
và những thứ khác để con có điều kiện sinh sống học tập. Cuộc sống xa nhà tự lập
cũng không đơn giản với con, một cô gái nhà quê lên tỉnh, tất cả đều lạ lẫm và
sợ hãi. Từ thầy cô, bạn bè, trường lớp, kiến thức và cảnh sống nhà trọ…, điều
làm con ám ảnh nhất là bạn bè ở phố thường xuyên bắt nạt bạn bè thôn quê nên những
ngày đầu đến trường đối với con là một gánh nặng, nhiều lúc muốn trốn học… Tất
cả như đưa con vào một thế giới khác và phải mất rất nhiều thời gian để ổn định
tâm lý. Cha là người bạn thân thiết nhất của con để con can đảm bước tiếp.
Những khi con muốn buông xuôi bỏ cuộc,
cha là người đã chia sẻ, cảm thông. Lúc này cha vừa là anh, vừa là chị, đồng thời
cũng là người mẹ cho con những lời khích lệ ngọt ngào nhất để mong con bắt đầu
lại. Như đôi vai của Simon ngày xưa đã chia sẻ bớt gánh nặng Thập Giá và cùng
Chúa vác Thập Giá đi đến đỉnh đồi Canvê. Đôi vai của cha đã gánh con đi vào đời
bằng những hy sinh cực khổ mà cha đã dành cho con.
Thật đúng như triết gia Cicero từng nói:
“Trên trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người
cha cho con mình”. Cha ơi! Giờ này cha đã đi xa nhưng tình cha dành
cho con thì không bao giờ cạn. Khi con cất tiếng gọi “ba…ba” thì con đã chợt nhận
ra tình cha dành cho con là tình của một người cha hiền hòa và đầy trách nhiệm.
Hành trang cha chuẩn bị cho con là tình thương, lòng bao dung tha thứ, niềm tin
và tình yêu gia đình mà cha đã dành cho con. Có lúc cha là người mẹ cho con giấc
ngủ bằng lời ru à ơi từ trái tim; có lúc cha là người bà đưa con vào giấc ngủ bằng
những câu chuyện cổ tích thần tiên; đôi khi cha là người anh, người chị và là
người bạn đồng hành cùng con trong cuộc sống… Bao yêu thương cha dành cho con
chẳng lẽ không đủ để con nói lên một lời hay một câu yêu thương đáp lại tình
cha sao? Con biết hôm nay cha không còn, cuộc sống của con từ rất lâu đã vắng
bóng cha; con mất đi một chỗ tựa vững chắc mà bao nhiêu năm con tự hào với bạn
bè và hàng xóm láng giềng. Làm sao con quên được hình ảnh của cha mỗi ngày cõng
con đến trường trong những lúc mưa gió; cha còn đứng chờ con trước cửa lớp, cha
cho con ngồi trên vai cha vì sợ con lội nước dơ chân khi đi qua con đường làng
thôn quê lầy lội. Những ngày nắng đẹp cha cõng con đi hái trái dại ven đường,
cha cùng con sánh bước trên con đường làng như hai người bạn cùng làng thân thiết.
Những tháng năm con học gần nhà hầu như thầy cô giáo đều biết cha, không những
biết mà còn quen thân. Vì thế những lỗi lầm con phạm ở trường không thể nào qua
mặt cha được. Trước những kỳ thi, cha luôn thách thức con bằng những phần thưởng
để mong con đạt được điểm cao. Quà cha cho con tuy đơn sơ bé nhỏ nhưng chưa đựng
cả một chân trời yêu thương mà cha đã tích góp bằng cả tấm lòng của một người
cha đầy trách nhiệm đối với gia đình và con cái. Cha ơi! Con còn nhớ rất rõ mùa
đông năm ấy đang học con bị sốt cha đón con về sớm, cõng con trên vai cha nói:
“Con à! Năm nay trời lạnh quá phải không con?”. Con biết cha đang nghĩ gì
nhưng con chỉ im lặng. Cha nói tiếp: “Để mai mốt cha đem mấy ghim thuốc lá
cha để dành hút trong năm ra chợ bán rồi mua cho con cái áo ấm”. Con chợt
nhìn xuống quanh mình mới biết là mình không có áo ấm vậy mà bao mùa đông qua
đi sao con chẳng thấy lạnh, và ngay lúc này con cũng không thấy lạnh. Hơi ấm của
cha đã sưởi ấm con bao mùa đông giá rét, cha đã cho con hơi ấm của tình phụ tử,
một hơi ấm mà dù khoa học có tiến bộ đến đâu cũng không thể có một phương tiện
sưởi ấm nào có thể thay thế được. Cha đã truyền cho con hơi ấm của tình gia
đình, tình làng xóm, hơi ấm của niềm tin, tình yêu và cuộc sống. Cha đã cho con
tất cả. Cha nghèo về vật chất nhưng cha đã cho con một gia tài rất lớn về tình
yêu và cách sống của một con người. Cha là người gieo cho con niềm hy vọng, là
trường học đầu tiên dạy con biết cách mến Chúa và yêu thương con người… Tình
cha là thế đấy nhưng giờ thì:
Cha đi rồi ngày tháng cũng héo hon
Bao hối tiếc làm mỏi mòn ký ức
Con chông chênh với nỗi niềm day dứt
Chữ thâm tình chia cắt nẻo trần gian.
Cha đi rồi theo mây khói dần tan
Con ở lại với muôn vàn thương nhớ
Đường âm dương câu hiếu thân đành lỡ
Cha đi rồi từng mảnh vỡ hồn đau.
(Trích nguồn: uct.edu.vn)
Cảm ơn cha đã cho con tình yêu và niềm
tin trong cuộc sống để làm hành trang cho con trong suốt thời gian qua; và hôm
nay trên hành trình con đi, có cha cùng song hành với con. Và con luôn tin rằng
“Bên dưới nấm mồ là một phần của lịch sử”; vâng, một sự thật lịch sử đã diễn
ra và để lại cho con một bài học đáng kính. Một bài học về tình yêu, sự hy
sinh, phục vụ trong âm thầm và lặng lẽ theo con trong suốt cuộc đời để hôm nay
trong con chỉ còn lại tình yêu và nỗi nhớ về cha.
Cầu chúc cho những ai còn cha mẹ hãy biết
trân trọng những đôi tay run rẩy, những đôi chân không còn đứng vững, những đôi
tai không còn nghe được và những đôi mắt không còn phân biệt ngày hay đêm nữa…
nhưng chính những đôi tay, đôi chân, đôi tai và đôi mắt ấy đã đưa ta vào đời,
đã nâng niu và dạy dỗ ta nên người như ngày hôm nay.
Nt. Anna Hiền Linh – MTGQN