Con hổ là loài vật dũng mãnh, oai phong,
nó có trọng lượng khoảng 300 kg, lông vằn, răng khỏe, nanh sắc, chạy nhanh, được
coi là chúa sơn lâm nên các Vua chúa thường dùng để tô diểm cho hình ảnh của
mình như nói nơi ở của vua là hổ trướng, vị tướng tài giỏi can đảm gọi là hổ tướng.
Người cha sinh ra đứa con khỏe mạnh tài năng thì nói “hổ phụ sinh hổ tử”
Người đời thường quan niệm ai sinh năm Dần
do ảnh hưởng của Hổ nên Nam thì tính tình phóng khoáng, nhiệt huyết, đa tình; Nữ
thì có duyên, lanh lợi, đầu óc sáng tạo, nhưng phái nam có tâm lí sợ cọp, nên nữ
sinh năm Dần khó lấy chồng, tuy thế dù có khi muộn màng nhưng tôi thấy ở các xứ
đạo chị em sinh năm Dần đâu cũng vào đó
cả. Người ta cũng cho rằng nam nữ sinh tuổi Hợi không hợp với người sinh tuổi Dần
vì hổ sẽ vồ lợn. Nhưng đó chỉ là suy đoán vô căn cứ
Chính vì con hổ có đặc tính là dũng
mãnh, nên xã hội con người hay khoác cho mình vẻ bề ngoài anh hùng nhưng thực
chất bên trong lại là nhát đảm yếu kém vì thế mà có những câu tục ngữ như
“Cáo mượn oai hùm”, “Dựa hơi hùm, vểnh râu cáo”. “Hổ vằn
ngoài da, Người vằn trong bụng”, Hổ đội lốt thầy tu” “Miệng hùm,
gan sứa…” Chúa dạy chúng ta phải sống trung thực không được giả hình: Có
thì nói có, không thì nói không; khi ăn chay thì đừng làm ra bộ mặt rầu rĩ để
thiên hạ biết mình ăn chay, nhưng hãy rửa mặt, xức dầu thơm trên đầu để không
khoe khoang chay tịnh của mình nhưng chỉ tỏ cho Thiên Chúa biết
“Ki cóp cho cọp nó tha”: người
keo kiệt tích trữ không biết chia sẻ cho những người nghèo khổ thì tiền của
mình rồi cũng sẽ mất, hay về tay người khác như Chúa Giêsu nói với người phú hộ
tích trữ của cải mà không làm giầu trước mặt Thiên Chúa bằng sự chia sẻ như
sau: “Đêm nay Người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích
trữ sẽ để lại cho ai”
“Không vào hang hùm làm sao bắt được
cọp” Để thành công trong công việc nhất là việc lớn đòi ta phải can đảm hi
sinh chấp nhận thử thách. Chúa Giêsu cũng kêu gọi chúng ta: “Ai muốn theo
Ta hãy từ bỏ mình vác Thập giá mình mà theo Ta”
‘Hổ dữ không ăn thịt con’. Con Hổ cũng
có tình mẫu tử, nuôi con, cho con bú, liếm lông cho con, liều chết bảo vệ con.
Phải chăng đó cũng là lời nhắc nhở các
bà mẹ đùng có phá thai, giết con mình từ trong bụng mẹ
“Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”.
Ông Nguyễn công Trứ có câu thơ :
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Chúa cho chúng ta sống cuộc sống ở trần gian
phải dùng thời gian Chúa cho để làm việc lành phúc đức, phát huy nén bạc Chúa gởi
“Cọp dữ không chống lại được sói bầy”:
Đoàn kết tạo nên sức mạnh. Các tín hữu Chúa đoàn kết trong đức tin nơi xứ đạo
thì đủ sức chống lại ma quỉ thế gian và còn làm cho Nước Chúa trị đến
Trong bài thơ “Hổ nhớ rừng”,
thi sĩ Thế Lữ kết bằng câu thơ: “Than ôi thời oanh liệt nay còn đâu!”
Những người có chức vị thời còn phong độ, nay về hưu, về già có tâm lí nhớ tiếc
thời kì oanh liệt của mình. Có lẽ các linh mục về hưu cũng có tâm lí như vậy.
Nhưng phải chấp nhận hạn chế do tuổi tác và qui luật của cuộc sống đồng thời
vui sống tuổi già năm tháng Chúa cho còn lại của đời mình
Loài hổ mỗi ngày một giảm vì con người
săn bắt và môi trường sống của nó bị thu hẹp lại, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng!
Đức Giáo Hoàng Fanxicô trong thông điệp Laudto Si khuyến khích chúng ta gìn giữ
môi trường, cân bằng sinh thái. Vậy chúng ta hãy bảo vệ gìn giữ loại hổ quí hiếm
đừng có săn bắt hổ về để lấy da, hoặc lấy xương nấu cao hổ cốt khiến loài hổ
ngày một giảm thêm. Theo thống kê, Việt Nam chỉ còn khoảng từ 100 – 200 con hổ
nhưng những người bi quan nói rằng thực tế không có được con số như vậy đâu!
Theo lời Thánh vịnh 91,13, Chúa ban cho
chúng ta sức mạnh:
“Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng, rắn
độc,
Đạp nát đầu sư tử, khủng long”
Cũng như Chúa Giêsu hứa cho những vị thừa
sai rao giảng Tin mừng cũng được sức mạnh tương tự như vậy (xem Mc 16,18) và sức
mạnh của người tin Chúa chủ yếu là để chiến thắng thế gian ma quỉ và chinh phục
các linh hồn về cho Chúa
lm GB Phạm Hồng Thái