|
Cũng có những vết thương nơi tâm hồn, khi phải chịu những hậu quả của những rạn nứt trong các mối tương quan với tha nhân khi bị loại trừ, bỏ rơi vì sự phân chia giai cấp trong xã hội…Mỗi vết thương mang đến cho con người sự sợ hãi, đau khổ và tuyệt vọng. Điều này làm cho con người mất đi niềm hy vọng vào cuộc sống và luôn tìm mọi phương thế để né tránh đau khổ.
Quả vậy, nhân loại đang bước vào thiên niên kỷ thứ ba với bao tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, điều này là nét khởi sắc mới làm cho đời sống của con người trở nên tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, với sự phát triển vượt bậc đó con người luôn phát minh ra những phương tiện hay tự tạo cho mình một thế giới riêng để loại trừ đau khổ ra khỏi cuộc sống. Tuy nhiên, con người vẫn không né tránh được đau khổ, nó vẫn luôn len lỏi và hiện hữu trong kiếp nhân sinh. Vậy đau khổ là gì, và con người phải sống như thế nào với đau khổ để được hạnh phúc?
Cuộc sống muôn hình muôn dạng thế nào thì đau khổ cũng muôn dáng muôn vẻ như vậy. Đau khổ được hiểu theo hai nghĩa sau:
“Nghĩa rộng, đau khổ có thể là một kinh nghiệm về sự khó chịu và ác cảm liên quan đến nhận thức về tác hại hoặc đe dọa gây hại ở một cá nhân. Đau khổ là yếu tố cơ bản tạo nên tính tiêu cực của các hiện tượng tình cảm.
Từ đau khổ đôi khi được sử dụng theo nghĩa hẹp của nỗi đau thể xác, nhưng thường thì nó chỉ nỗi đau tâm lý, hoặc thường xuyên hơn là nói đến nỗi đau theo nghĩa rộng, nghĩa là bất kỳ cảm giác, cảm xúc hoặc cảm giác khó chịu nào. Từ đau thường nói đến nỗi đau thể xác, nhưng nó cũng là một từ đồng nghĩa phổ biến của đau khổ.” (Theo Wikipedia)
Với hai nghĩa trên, đau khổ được xem như là một phần tất yếu không thể thiếu trong hành trình làm người của mỗi người. Nó luôn đem đến cho con người những nỗi đau, sự mất mát và cảm giác lo sợ khi đối diện với đau khổ.
Đại dịch Covid là một minh chứng rõ nhất về đau khổ mà con người phải đối diện. Hơn 2 năm, kể từ ngày Covid in hằn trong dòng chảy lịch sử của nhân loại. Điều đó đã khiến bao triệu sinh mạng phải ra đi, vô số người phải gánh chịu những hậu quả nặng nề mà nó mang đến: Thất nghiệp, đói nghèo, chia rẽ và loại bỏ. Đó là một minh chứng rõ nhất về đau khổ mà con người phải đối diện. Bên cạnh đó, vẫn có những đau khổ luôn dai dẳng trong kiếp nhân sinh: nhiều trẻ em chưa được đến trường, chưa nhận được sự quan tâm của cha mẹ và xã hội; biết bao người nghèo phải chết vì đói, vì khát, vì sự bỏ rơi và xa lánh của con người; và vẫn còn đó những người vô gia cư không nhà, không cửa đang nằm la liệt trên ngã ba, ngã tư của đường phố. Hơn bao giờ hết, những vết thương đó như một hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người chúng ta phải canh tân sự hiện diện của mình và mời gọi hãy trở nên chứng nhân của tình yêu để băng bó và ôm lấy những chi thể bé nhỏ đó vào trong sự phát triển của xã hội.
Nguồn ca dao, tục ngữ Việt Nam không thiếu những chân lý sống cao đẹp và yêu thương nhau như: “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”. Với những châm ngôn sống đó, tình yêu luôn là tâm điểm của mọi sinh hoạt trong đời sống của con người. Chính tình yêu là động lực thúc đẩy mỗi người can đảm dấn thân để tiến bước tới nguồn hạnh phúc và bình an đích thực. Hơn nữa, tình yêu là liều thuốc dung hòa và chữa lành những vết thương đang âm ỉ rỉ máu nơi tâm hồn những chi thể bé nhỏ và đau khổ.
Thật vậy, tình yêu là thần dược chữa lành và hàn gắn mọi thương tích trong cuộc sống. Chính tình yêu là chất liệu đan dệt nên cuộc sống, làm cho cuộc sống trở nên trọn hảo hơn. Như ai đó đã nói rằng: “Thế giới mà không có tình yêu như sa mạc hoang vu và cằn cỗi”. Quả đúng như vậy, tình yêu luôn được xem như linh hồn của thế giới, nó tạo nên nhịp điệu, hơi thở để duy trì và phát triển sự sống con người. Thế giới không có tình yêu thì con người sẽ trở nên vô tâm, vô cảm trong các mối tương quan với xã hội và thiên nhiên. Hận thù, chia rẽ, chiến tranh…sẽ là những hậu quả của việc thiếu vắng tình yêu trong cuộc sống. Nhưng khi tình yêu được hiện hữu và trổi sinh trong đời sống nhân loại thì con người sẽ chia sẻ, đùm bọc và nâng đỡ nhau trong cuộc sống.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong bài hát (Để gió cuốn đi) rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để yêu thương”. Với những lời hát đó, cố nhạc sĩ đã phần nào lột tả được điều căn bản và cốt yếu để con người được sống hạnh phúc đó là yêu thương nhau. Khi con người biết sống và cho đi tình yêu chính là lúc con người đang chu toàn trách nhiệm hiện hữu của mình trong việc xây dựng và kiến tạo sự bình an trong đời sống gia đình nhân loại. Tuy nhiên, tình yêu đó phải được xuất phát từ một trái tim thiện chí và chân thành, chứ không phải thứ tình yêu hời hợt mang dáng vẻ bên ngoài. Chính nhờ tình yêu chân thành đó, mỗi người can đảm mở rộng trái tim để chia sẻ, đồng cảm và chữa lành những người anh, người chị đang phải đau khổ, quằn quại trong cơn đau của thể xác và tinh thần.
Dưới nhãn quan của Kitô giáo, tình yêu là cốt tủy xây dựng nên đời sống và căn tính của Giáo hội. Chính Chúa Giêsu đã đi con đường tình yêu để đến với gia đình nhân loại. Điều này Thánh Phaolô đã minh định rằng: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Quả vậy, vì yêu con người đang phải chìm sâu trong tội lỗi và đau khổ, Chúa Giê-su đã trút bỏ mọi vinh quang của Ngài để nhập thể xuống thế làm người sống, ở lại và chịu chết làm giá cứu độ cho nhân loại. Người đã đồng hóa mình với những con người nghèo khổ, bé nhỏ và bị bỏ rơi; Người đã chạnh lòng thương, khóc than và chữa lành những ai đau khổ và bệnh tật; Người cũng đã vui vẻ chấp nhận đau khổ và thánh giá mà Chúa Cha trao phó để đem ơn cứu độ cho con người. Như vậy, Chúa Giêsu đã đi đường tình yêu để đến sống, trao ban và lan tỏa tình yêu đó đến cho gia đình nhân loại.
Hơn thế nữa, Đức Giêsu đến không phải để loại trừ đau khổ nhưng Ngài đến mang lấy đau khổ để đồng cảm, chữa lành và dùng đau khổ đó nhưng phương thế để giúp mỗi người tiệm cận với Ngài hơn trên hành trình về quê Trời. Như lời ngôn sứ Isaia đã phác họa Đức Kitô Vị Tôi Trung đau khổ rằng: “Người đã mang lấy các tật nguyền của Ta và gánh lấy các bệnh hoạn của Ta” (Mt 8, 17). Quả vậy, suốt hành trình sống của Đức Kitô, Ngài luôn luôn hiện diện trong những đau khổ của kiếp nhân sinh. Điều đó như muốn nói lên đau khổ là một phần tất yêu của kiếp nhân sinh và chính đau khổ cũng là một phần không thể thiếu trong hành trình tiến về quê Trời của mỗi người. Như ai đó đã nói rằng: “Sự cao quý của Kitô giáo là không tìm phương thuốc siêu nhiên để chống lại đau khổ, nhưng để sử dụng đau khổ”. Chính đau khổ làm cho đức tin của con người được tinh luyện và đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong những thương tích của Ngài.
Vậy đâu là phương thức giúp con người vượt qua đau khổ?
Không gì khác đó là Tình yêu. Thánh Augustinô đã nói rằng: “Ai đã yêu thì không đau khổ, giả sử nếu có đau khổ thì yêu luôn cả nó”. Chính kinh qua những đau khổ của cuộc sống mà thánh nhân đã đút rút ra được phương thế để đón nhận và biến đau khổ thành niềm vui của đời mình. Bởi tình yêu hóa giải đi mọi hận thù chia rẽ, tình yêu cũng làm cho đau khổ trở nên một mầu nhiệm cao vời, và cũng chính tình yêu làm cho mỗi người đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Thánh Phaolô đã quả quyết rằng: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8, 35). Với niềm xác tín mạnh mẽ vào tình yêu của Đức Kitô, thánh nhân đã mang lấy những đau khổ ở đời này để như phương thế giúp ngài vững bước trên hành trình tiến về quê Trời, như lời thánh nhân đã nói: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Timôthê 4, 7).
Đau khổ được nuôi dưỡng bằng tình yêu và niềm hy vọng. Chính tình yêu làm cho mỗi người can đảm đối diện với mọi đau khổ, và niềm hy vọng giúp mỗi người xác tín vào giá trị cao cả mà đau khổ mang đến. Quả vậy, mọi sự xảy đến với con người không phải là ngẫu nhiên nhưng tất cả đều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế, mỗi người phải đón nhận tất cả những đau khổ trong cuộc đời với niềm vui và sự xác tín mạnh mẽ vào tình yêu của Thiên Chúa. Chính nhờ những sự đau khổ đó là ngọn lửa tinh luyện đức tin của mỗi người trên con đường tiến về nhà Cha.
Mọn Hèn