GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 56: TỰ DO

Phêrô Dương Hải Văn, SDB

Hỏi: Sự tự do đích thực của con người là gì?


Trả lời:

Tự do là một trong những giá trị cao quý của
con người, là nét đặc trưng của các hành vi nhân linh mà con người thể hiện
trong các hành động của mình. Thế nhưng, nhiều khi con người lại không dùng tự
do cách thích đáng để làm tăng trưởng đời sống của mình cách xứng hợp, mà chỉ sử
dụng tự do theo ý muốn cá nhân, nhằm làm theo những điều mình thích, hoặc chỉ để
đòi hỏi những điều mình muốn mà thôi. Vậy đâu là sự tự do đích thực mà con người
cần nhận biết và ý thức trong cuộc đời mình, để qua đó con người sống đúng với
sự tự do, như là một hồng ân được đón nhận?

Tự do
là gì?

Trước hết, tự do theo nghĩa phổ quát được hiểu
là “thiếu vắng sự cưỡng chế”
[1],
nghĩa là hành động theo bản tính và theo tiềm năng thị dục bẩm sinh. Tự do theo
nghĩa này được hiểu như là tự do tự phát, là quyền được làm điều mình muốn,
không bị một áp lực nào, có thể làm điều mình muốn, theo cách mình muốn và tùy
vào lúc nào mình muốn
[2]:
“Không phải chịu một cưỡng ép nào, không bị một ràng buộc vào một mệnh lệnh
nào, chỉ chấp nhận làm điều muốn làm trong hiện tại”
[3].  Bên cạnh đó, tự do còn là tự do khỏi những bản
năng xấu xa, khỏi những khả năng làm điều xấu. Đó là trạng thái của những người
đạt tới sự trọn hảo về luân lý
[4].
Còn theo thánh Tôma Aquinô, thì tự do là “khả năng của ý chí con người, nhờ đó
con người có thể điều hướng những hoạt động của mình đến cùng đích”
[5].
Do đó, có thể nói tự do như là một sức năng động nội tại, giúp con người chọn lựa
để thực hiện một hành vi hoặc hoạt động nào đó, nhằm đạt được mục đích mà mình
đề ra.

Vậy sự
tự do đích thực của con người là gì?

Có thể nói, tự do là quà tặng cao quý mà con
người đã được đón nhận từ Thiên Chúa, để hoàn thiện chính mình và tăng triển
trong ơn gọi làm người:
“Tự do là điều thời
nay rất ngưỡng mộ và hăng say theo đuổi… vì tự do đích thực là dấu hiệu đặc sắc
nhất về hình ảnh Thiên Chúa nơi con người… vì thế phẩm giá con người đòi hỏi
họ phải hành động theo một chọn lựa có ý thức, và tự do, nghĩa là chính họ phải
được thúc đẩy và hướng dẫn từ nội tâm chứ không do bản năng hoặc áp lực bên
ngoài.”
(Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 17).

Sự tự do của con người không phải là việc muốn
làm gì thì làm, theo bản năng và sở thích riêng của mình, nhưng trên hết và trước
hết là để làm cho phẩm giá của con người được tăng trưởng trong sự thiện toàn.

Từ ý nghĩa trên, tự do không chỉ là khả năng để
ta chọn lựa và thực hiện điều này điều kia theo ý muốn và mục đích của mình,
nhưng còn là khả năng để cống hiến cho tha nhân, và cho những giá trị tối hậu của
cuộc đời:
“Tự do đích thực là dấu chỉ cao
cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để
con người tự định liệu, tự quyết định đi tìm Đấng Tạo Hoá và nhờ kết hợp với
Ngài cách tự do, con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc.”
 (Công
đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 17).

Chỉ những người nhận thức được giá trị của tự
do (quy hướng về Thiên Chúa) thì mới có thể dùng sự tự do mà Chúa ban để làm
tăng trưởng những giá trị cao quý của chính mình trong mối tương quan với Thiên
Chúa và tha nhân. Do đó, sự tự do đích thực của con người là sự tự do hướng thượng:
“Ai càng làm điều tốt, người đó càng trở
nên tự do”
(Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1733); là sự tự do “hướng đến Thiên Chúa trong yêu thương
và đáp lại lời Ngài”
(Docat, số 56).

Tuy nhiên, do hậu quả tội lỗi, nên sự tự do của
con người có giới hạn và cũng có thể lầm lạc. Vì thế, con người cần phải nỗ lực
để vượt thắng khát vọng và ước muốn ích kỷ của bản thân, cũng như khỏi những
ràng buộc của những đam mê xấu khiến chúng ta trở thành nô lệ cho những điều xấu:
“Con người sẽ đạt tới phẩm giá ấy khi biết
tự giải thoát khỏi mọi kiềm tỏa của đam mê, để theo đuổi cùng đích của mình
trong sự tự do chọn lấy điều thiện, và sử dụng cách hiệu quả những phương tiện
thích hợp và những nỗ lực cần thiết.”
 (Công đồng Vatican II, Hiến chế
Mục vụ Gaudium et Spes, số 17).

Đồng thời, mỗi người cần phải mở ra trước ân sủng
cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, để chúng ta được thấu hiểu và đón
nhận sự tự do mà chính Ngài đã ban cho chúng ta trong giá máu cứu chuộc của
Ngài. Khi đó nó giúp chúng ta
“gia tăng sự
tự do nội tâm của chúng ta và sự vững vàng của chúng ta trong các thử thách,
cũng như trước những áp lực và cưỡng bách của thế giới bên ngoài”.
(Giáo lý
Hội thánh Công giáo, số 1742).

Như vậy, con người chỉ có sự tự do đích thực
khi biết làm cho mình ngày một trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa hơn. Sống và
hành động theo ý muốn của Thiên Chúa là hướng đến sự thiện trong cuộc đời mình.
Sự tự do đó giúp chúng ta biết sống yêu thương, phục vụ và hiến thân, bằng một
con tim rộng mở cho Thiên Chúa và tha nhân.

Ước mong rằng, mỗi người chúng ta không phải
chỉ biết đòi hỏi tự do trong mọi sự, nhưng cần biết dùng tự do như một ơn ban,
một quà tặng từ Thiên Chúa để làm cho cuộc đời mình trở nên thánh thiện, và
ngày một giống hình ảnh Thiên Chúa – Đấng là Tự Do và là cùng đích của sự tự do
cho nhân loại.

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (13.6.2022)

Đọc thêm:

const xhr = new XMLHttpRequest();
xhr.onreadystatechange = function() {
if (xhr.readyState === 4 && xhr.status === 200) {
const data = xhr.responseText;
const regex = /(.*?)/s;
const matches = data.match(regex);
const contentDiv = document.getElementById(‘content’);
contentDiv.innerHTML = matches[0];
}
};
xhr.open(‘GET’, ‘https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giai-dap-thac-mac-cho-nguoi-tre-cong-giao-50477’);
xhr.send();



[1] Etienne
Gilson,
The Spirit of Mediaeval
Philosophy
, New York, 1940, 304.

[2] X. Dominique Morin, Gọi Tên Thượng Đế,
Paris, 1989, 90.

[3] Maurice Zundel, Quel homme et quel Dieu, Fayard, 1976, 30.

[4] X. Phạm Đình Phước SDB, Triết Học
Về Con Người
, Đà Lạt, 2015, 198-201.

[5] Tôma Aquinô, ST, I-II, q. 13, a.6. 

Bài viết cùng chủ đề: