GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 32: LẬP GIA ĐÌNH THEO LUẬT CÔNG GIÁO
Thiên Di CND – CSA
Câu hỏi: Làm thế nào
để người trẻ có thể hiểu biết và trưởng thành khi quyết định lập gia đình theo
luật Công giáo?
Trả lời:
Từ xa xưa, trong truyền thống văn hóa Việt Nam, gia đình có
một chỗ đứng vô cùng quan trọng trong việc xây dựng sự hưng thịnh của quốc gia “gia đình là tế bào của xã hội”. Và cũng
nhờ gia đình, mỗi cá nhân có thể phát triển toàn diện (nhân – nghĩa – lễ – trí
– tín). Vì vậy, khi một thành viên trong gia đình kết hôn thì đó là một việc hệ
trọng của cả dòng họ.
Hôn nhân là việc linh
thiêng; do đó trước khi về chung sống với nhau, cô dâu chú rể được gia tộc hai
bên tổ chức nghi lễ một cách công khai và long trọng. Đôi tân hôn được trời đất,
ông bà tổ tiên, gia đình quan khách… chứng dám và chúc phúc. Những lời cầu chúc “trăm năm hạnh phúc”, “sống hạnh phúc đến đầu
bạc răng long, con đàn cháu đống”… được tặng riêng cho đôi uyên ương.
Với người Công giáo, Hôn nhân Công giáo mang những giá trị đặc
biệt giúp người Kitô hữu xây dựng một gia đình viên mãn ngay tại trần gian.
Trong giới hạn của bài viết, xin chia sẻ với các bạn những tóm lược chính yếu về
ý nghĩa hôn nhân Công giáo.
Vậy hôn nhân là gì?
Hôn nhân hay còn gọi
là hôn nhân tự nhiên là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ.
Hôn nhân được ký kết tự nguyện, tự do và ý thức trách nhiệm dựa trên tình yêu của
hai người. Họ trở thành một gia đình, cùng nhau xây dựng hạnh phúc, nâng đỡ
nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong trách nhiệm làm
cha làm mẹ.
Còn với Giáo hội Công giáo, người nam người nữ kết hôn với
nhau đều là người Kitô hữu (cả hai đã được rửa tội). Họ ưng thuận kết ước cùng
nhau thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh. Khi đó, hôn nhân trở
thành Bí tích. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Hôn
nhân là bí tích tình yêu… Khi vợ chồng nên một trong hôn nhân, cả hai
không còn là hình ảnh dưới trần nữa, mà là hình ảnh của Chúa trên
trời.”
Vì sao hôn nhân Công
giáo là một bí tích?
Chúng ta đã biết Bí tích là dấu chỉ bên ngoài do Chúa Giêsu
thiết lập và truyền lại cho Hội Thánh cử hành, để diễn tả và thông ban cho
chúng ta ân sủng bên trong là sự sống thần linh. Với bí tích hôn nhân, dấu
thánh bên ngoài là sự ưng thuận thành hôn giữa hai người và công khai việc ưng
thuận trước vị đại diện Giáo Hội (Linh mục) và các người chứng. Còn ơn bên trong cho đôi hôn nhân bao gồm ơn tự
nhiên và ơn siêu nhiên để họ chu toàn bổn phận làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ
trong gia đình. Công đồng Vaticano II nêu rõ:
“Vợ chồng Kitô hữu được
củng cố và như được thánh hiến bằng một Bí tích để chu toàn xứng đáng các bổn
phận trong bậc sống của họ. Nhờ sức mạnh của Bí tích này, họ được thấm nhuần Đức
Tin, Đức Cậy, Đức Mến và ngày càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của
họ và Thánh hóa lẫn nhau; bởi đó, họ cùng nhau tôn vinh Chúa.” (MV.48b)
Đời sống hôn nhân giúp cả hai cùng nên Thánh trong tình
nghĩa vợ chồng.
Vậy Chúa Giêsu lập bí
tích hôn phối khi nào?
Trong Kinh Thánh, sách Sáng thế tường thuật về việc kết hiệp
vợ chồng của con người:
“Thiên Chúa lấy bụi từ
đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.
Thiên Chúa phán: “con người ở một mình không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá
tương xứng với nó… Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và
con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra và lắp thịt
thế vào, làm thành một người đàn bà và dẫn đến con người. Con người nói: “đây
là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được
rút từ đàn ông mà ra.” Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,
và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2,18.21–24)
Qua trình thuật trên cho thấy hôn nhân đã xuất hiện ngay từ
khởi đầu của công trình sáng tạo. Đời sống hôn nhân của loài người là ý định của
Thiên Chúa. Ngài tạo dựng con người có nam, có nữ và đã tác hợp họ thành vợ chồng,
họ trở nên “một xương một thịt” gắn kết
trong tình nghĩa phu thê. Nguồn gốc của hôn nhân chính là Thiên Chúa, Ngài là Đấng
tác tạo hôn nhân và đã khắc ghi ơn gọi hôn nhân vào trong bản tính của con người
khi tạo dựng con người có nam có nữ.
Nhưng chính Chúa Giêsu đã nâng hôn nhân lên Bí tích.
Giáo Hội hiểu sự hiện diện của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana như một
sự chúc phúc của Thiên Chúa cho đời sống hôn nhân (Ga 2,1–11). Đồng thời, việc
Ngài làm phép lạ hóa nước lã thành rượu ngon giúp đôi tân hôn và mọi
người dự tiệc cưới có niềm vui trọn vẹn là một chứng thực của Ngài
đối với giá trị hôn nhân. Mặt khác, nhìn nhận sự hiện diện thường xuyên của
Ngài trong đời sống gia đình.
“Hội Thánh coi việc hiện
diện của Đức Kitô trong tiệc cưới Cana có một tầm quan trọng đặc biệt. Hội
Thánh nhìn sự kiện này như Lời Chúa xác nhận hôn nhân là việc tốt và công bố
hôn nhân từ đây là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Kitô.” (Sách
GLHTCG, số 1613).
Đặc tính của Hôn nhân
Công giáo là gì?
Khi đôi bạn trở nên vợ chồng, đời sống gia đình liên kết họ
trong cả con người và hành động mỗi ngày một sâu sắc trong “tình nghĩa vợ chồng”. Sự liên kết mật thiết này là một sự tự hiến
của cả hai người cho nhau. Vì lợi ích của gia đình và con cái nên “buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín
và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly”, nên đặc tính của hôn nhân công giáo là:
– Đặc tính đơn hôn:
Đơn hôn là hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Hôn nhân Công giáo là
duy nhất, trung tín, không chia sẻ, cả hai chỉ thuộc về nhau cả tâm hồn lẫn thể
xác “nhất phu nhất phụ”. Đặc tính đơn
hôn loại trừ hình thức đa thê.
– Đặc tính bất khả
phân ly: Bất khả phân ly là hôn nhân ràng buộc hai người cho đến chết. Khi
người nam, người nữ đã kết hôn thành sự và hợp pháp, họ phải chung thủy với
nhau trọn đời. Không ai có thể tháo cởi dây hôn nhân đó cho dù vợ chồng họ đồng
tình, dù quyền lực tôn giáo hay dân sự tán thành. Đặc tính vĩnh viễn này loại
trừ sự ly dị, “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly.” (Mt 19,6b)
Hai đặc tính đơn hôn, bất phân ly trong hôn nhân xuất phát từ
ý định của Thiên Chúa “…Bởi thế, người
đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”
(St 2,24). Trong Tin Mừng Matthêu khi trả lời với các nhà Biệt phái về việc
ly dị, Đức Giêsu quả quyết: “Tại các ông
chai đá cứng lòng, nên ông Môsê cho phép rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế
đâu.” (Mt 19, 9).
Về mặt xã hội chúng ta có thể nhận định rằng, hôn nhân tự
nhiên đòi buộc phải đơn hôn và vĩnh viễn, để mục đích của đôi bạn trong đời sống
gia đình là trọn đời yêu thương nhau, sinh sản và giáo dục con cái mới thành
viên mãn. Đôi bạn chung sống cùng nâng đỡ nhau, sự chung thủy sẽ làm gia đình
thêm gắn bó yêu thương. Nếu một trong hai người chia sẻ tình cảm với một người
thứ ba, thì gia đình này sẽ phát sinh những trục trặc khó lường được hậu quả. Mặt
khác, những đứa con được sinh ra là do sự kết hợp thân mật vợ chồng. Nếu vợ chồng
bất tín, thì nguồn gốc những đứa con sẽ bị nghi ngờ. Lúc đó, vợ chồng có thể an tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ những
đứa con sinh ra trong bất tín chăng?
Đặc biệt hôn nhân Công giáo được chính Thiên Chúa thổi vào
đó một phẩm giá cao quý, trong thư Êphêxô Thánh Phaolô viết: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ mình, như
chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.” (Ep 5,25)
Chính sự mô phỏng này ban cho hôn nhân Công giáo phẩm giá cao quý nhất: tình
yêu vợ chồng sánh ví như tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, vì người kia mà
có thể hiến mạng sống mình. Một tình yêu không chia sẻ và trọn đời bền vững. Vì
vậy, Hôn nhân Công giáo phải đơn hôn và bất khả phân ly do phẩm giá cao quý của
Bí tích Hôn phối mang lại.
Mục đích của hôn nhân
công giáo là gì?
Ngay từ buổi ban đầu tạo dựng con người, Thiên Chúa đã muốn
con người cộng tác vào công trình sáng tạo của Ngài. Ngài cho con người làm chủ
muôn loài muôn vật và mời gọi con người: “Hãy
sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất…” (St
2,28a). Ý định của Thiên Chúa là vợ chồng trọn đời yêu thương nhau và sinh sản
đầy mặt đất. Và đó cũng là mục đích của hôn nhân Công giáo.
Trọn đời yêu thương nhau:
Đôi bạn đến với nhau do tình yêu thức đẩy, họ muốn nên một với
nhau để tình yêu đó ngày càng triển nở và thăng hoa. Kinh Thánh diễn tả khi
Ađam trong vườn địa đàng. Ông có tất cả vạn vật chung quanh nhưng ông vẫn thấy
thiếu, thấy trống vắng: “Ông không tìm được
trợ tá thích hợp” và Chính Thiên Chúa đã cho Ađam một trợ tá là bà Evà để lấp
đầy sự thiếu thốn của ông. Ông sung sướng thốt lên: “Đây là xương bởi xương
tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút ra từ đàn
ông” (St 2,23). Ađam cảm thấy hài lòng về nàng vì ông đã tìm được người tương
trợ cho mình.
Trong hôn nhân, người nam, người nữ đến với nhau để bù đắp
cái thiếu của nhau và tương trợ nhau trong đời sống gia đình và cuộc sống (xét
cả về tâm sinh lý, xã hội, năng lực…). Khi kết ước nên một, đôi bạn phải nhìn
nhận rằng, người chồng, người vợ của mình có những sở trường riêng, nhưng trong
thân phận con người ai cũng có những sở đoản, giới hạn… Mỗi người cần phải biết
giới hạn của mình và của người kia. Cuộc sống gia đình là một sự bổ túc qua lại,
cùng nhau xây dựng, nâng đỡ, sẻ chia và cảm thông cho nhau…Trong hôn nhân, đôi
bạn cần phải nhìn nhận giá trị của nhau như vậy cả hai mới quý trọng nhau, yêu
thương nhau và để cuộc sống vợ chồng trở nên “mình với ta tuy hai là một”.
Những đứa con – hoa trái của tình yêu.
Công đồng Vatican II nhấn mạnh: “Con cái là ân huệ cao quý của
hôn nhân, và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc cho cha mẹ.” (MV. 50).
Đôi bạn trong hôn nhân nên một với nhau cả tâm hồn và thân xác. Tình yêu trao
hiến của họ được truyền sinh và có được hoa quả tốt đẹp là những đứa con. Chính
Thiên Chúa đã chúc phúc và ra lệnh: “Hãy sinh sản đầy mặt đất”. Thiên Chúa trao
cho vợ chồng vinh dự được cộng tác vào công trình tạo dựng của Ngài, sinh sôi nảy
nở và giáo dục chúng theo luật Thiên Chúa. Tình yêu của đôi bạn làm nảy sinh sự
sống và làm cho công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa tiếp tục được tồn tại.
Trong cuộc sống gia đình, cha mẹ trở thành những người đại
diện của Thiên Chúa nuôi dạy và chăm sóc sự sống của Thiên Chúa là những đứa
con. Cha mẹ giáo dục con cái giúp chúng phát triển toàn diện con người. Đây
cũng là quyền lợi và bổn phận của cha mẹ mà không ai có thể thay thế được. Là
người Công giáo, khi thi hành việc giáo dục nuôi dạy con cái theo luật Chúa,
cha mẹ đang cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa và họ trở thành người diễn đạt
tình yêu của Người.
Bạn trẻ thân mến,
Trước khi kết hôn nhân, chúng ta thường có thời gian tìm hiểu
nhau – điều này rất quan trọng vì “tôi sẽ sống với cô ta, anh ta cả cuộc đời
mà!” Khi đã được gia đình hai bên hậu thuẫn, các bạn sẽ đi đến kết hôn. Với người
Công giáo, các bạn sẽ trải qua một khóa học Giáo lý hôn nhân theo luật Công
giáo. Trong khóa học này có rất nhiều bài học khác nhau như: tìm hiểu Hôn nhân
Công giáo, đời sống gia đình, giáo dục con cái, tìm hiểu tâm lý vợ chồng, luân
lý tính dục, lương tâm Công giáo và vấn đề điều hòa sinh sản, Giáo lý căn bản…
Những hiểu biết về những vấn đề này rất quan trọng để xây dựng một gia đình hạnh
phúc. Nhưng trên thực tế thăm dò, một bộ phận người trẻ coi việc học Giáo lý
hôn nhân như là một “thủ tục hành chính”, hay một cái trạm kiểm duyệt để được kết
hôn, có bằng Giáo lý hôn nhân là xong.
Chúng ta thử so sánh vui, để có một tấm bằng PTTH thường
chúng ta trải qua 12 năm chăm chỉ đèn sách; để trở thành một bác sĩ có chuyên
môn, một sinh viên y khoa trải qua ít nhất 7 năm học miệt mài nghiên cứu và thực
tập khắp các bệnh viện. Thế nhưng để trở thành một người vợ, một người chồng, để
làm cha làm mẹ trong suốt cuộc đời mình, chúng ta lại trải qua rất ít thời gian
để tìm hiểu và học hỏi.
Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc sống
hôn nhân ngày hôm nay thiếu lửa, thiếu sự chung thủy… và rơi vào bế tắc. Vợ chồng
rất dễ đưa nhau ra tòa chấm dứt hôn nhân chỉ vì những lý do cỏn con. Hơn nữa,
hoa quả của tình yêu là con cái, là tặng phẩm của Thiên Chúa giành cho vợ chồng,
thì lại có những người đành tâm giết bỏ con mình từ trong trứng nước… Hay đời sống
tính dục vợ chồng là một món quà đẹp của hôn nhân thì được người trẻ “làm phép
thử” trước khi kết hôn và hậu quả là một sự khinh miệt giành cho nhau, rồi “đường
ai nấy đi”…
Là một người trẻ Công giáo, các bạn đang là hiện tại và
tương lai của Giáo hội. Thiên Chúa trao vào tay các bạn sự sống và sức sống của
Thiên Chúa. Gia đình, con cái và tương quan vợ chồng của các bạn thế nào là phụ
thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết và trưởng thành của bạn trước khi kết hôn, và
thực hành sống trong đời sống gia đình. Những kinh nghiệm của thế hệ đi trước
(từ Gia đình, từ Giáo Hội và Xã hội) là rất cần thiết giúp chúng ta có một hành
trang vững chắc xây dựng một gia đình hạnh phúc và tròn đầy.
Có thể nói, hôn nhân Công giáo là luật bảo vệ hạnh phúc gia
đình của các bạn. Tôi hi vọng bạn đừng chần chừ với khóa học Giáo lý Hôn nhân
và sẵn sàng lập gia đình theo luật Công giáo. Bởi sức sống của gia đình bạn của
Giáo hội chúng ta và của xã hội này đang nằm trong tay các bạn.
Thân ái!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Đọc thêm:
const xhr = new XMLHttpRequest();
xhr.onreadystatechange = function() {
if (xhr.readyState === 4 && xhr.status === 200) {
const data = xhr.responseText;
const regex = /(.*?)/s;
const matches = data.match(regex);
const contentDiv = document.getElementById(‘content’);
contentDiv.innerHTML = matches[0];
}
};
xhr.open(‘GET’, ‘https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giai-dap-thac-mac-cho-nguoi-tre-cong-giao-50477’);
xhr.send();