GIẢI
ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 91: KHI NÀO ĐẾN NGÀY TẬN
THẾ?

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Hỏi: Chúng ta vẫn tin Thiên Chúa sẽ đến lần thứ
hai vào ngày tận thế. Nhiều người vẫn thắc mắc khi nào tới ngày đó? Chiến tranh
thế giới thứ ba, dịch bệnh trên toàn thế giới, ngày mặt trời hết năng lượng,
v.v?

Trả lời:

Câu hỏi trên đây
là một trong những vấn đề lớn mà các nhà thần học quan tâm. Thậm chí người bình
dân cũng muốn tìm hiểu hoặc thắc mắc về ngày tàn của vũ trụ. Nếu như thế giới
có ngày bắt đầu, hẳn là nó cũng có ngày tàn cuộc. Đó là lối nói bình dân, dễ hiểu.
Về phương diện khoa học vật lý thiên văn, các cuộc nghiên cứu cho thấy tuổi thọ
của vũ trụ, cụ thể: trái đất là giới hạn. Một ngày nào đó năng lượng mặt trời cạn
kiệt, trái đất cũng không còn sự sống. Hoặc nhiều giả thuyết đưa ra rằng: chiến
tranh thế giới thứ 3 với bom nguyên tử có thể hủy hoại hành tinh này. Hoặc tới
một ngày, dịch bệnh sẽ hủy diệt loài người trên mặt đất này. Sau cùng nhưng
chưa hết, chẳng may một hành tinh nào đó va chạm vào trái đất, đó cũng là ngày
tàn của quả địa cầu.

Bạn thân mến,

Trên đây là những
nguyên do có thể hiểu được trái đất có ngày kết thúc. Vấn đề là phải chăng ngày
đó là lúc Đức Giêsu đến lần thứ hai?

Sau thời gian chờ
đợi Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa đã nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô. Ngài là Con Thiên
Chúa xuống thế, chịu chết, phục sinh và đã về trời. Theo đó, Giáo hội thời các
Tông đồ mời gọi các tín hữu hãy tin vào Đức Giêsu. Hơn nữa, Giáo hội còn mời gọi
mỗi tín hữu hãy ăn năn, thống hối và sửa đổi đời sống để sẵn sàng cho ngày Chúa
lại đến lần thứ hai. Điều này được ghi lại trong bản tuyên xưng Đức Tin từ thời
các Tông Đồ: “Và Người sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Đó là ngày quang
lâm mà Giáo hội diễn tả việc Chúa Giêsu Kitô ngự đến lần thứ hai trong vinh
quang, phán xét nhân loại vào ngày Cánh Chung. (x. Mc 13,24–27, Kinh Tin Kính).

Ngày nay nhiều
nhà thần học thường nhắc đến cụm từ: “cánh chung cận kề”. Nhiều người cho rằng
sứ điệp của Đức Giêsu và của các tông đồ dường như loan báo về ngày tận thế sắp
xảy đến. Thậm chí người ta có cảm tưởng đó cũng chính là trọng tâm lời rao giảng
của Đức Giêsu cũng như của Giáo hội sơ khai. Hẳn nhiên nếu xét về mặt thời
gian, điều ấy vẫn chưa xảy ra. Hơn 2000 năm đã trôi qua, chúng ta chưa thấy
ngày ấy xuất hiện. Bởi thế Rudolf Bultmann
[1]
có lý khi cho rằng: “Con người tân tiến ngày nay chẳng còn ai tin vào chuyện “tận
thế” trong ngày Chúa lại đến để xét xử.”
[2]

Nếu ta nói Đức
Giêsu lại đến trong vinh quang lần hai, thì vinh quang ấy đã thể hiện ngay biến
cố Phục Sinh. Lúc này Ngài không mang thân xác thuộc sự sống tự nhiên. Trên hết
Đức Giêsu phục sinh trong bình diện của sự sống mới mẻ, khác biệt và vĩnh viễn.
Với Ngài, lúc này lịch sử và thời gian không còn chi phối nữa. Ngài luôn là sự
sống và trường cửu. Bởi đó, chỉ có con người mới có ngày cuối cùng, thế giới mới
có ngày tận thế.

Trong ý nghĩa tận
thế, chúng ta hiểu ngày thế giới vật lý và vũ trụ này sẽ kết thúc. Giáo hội
cũng hiểu lịch sử nhân loại hoặc thế giới con người sẽ chấm dứt. Như vậy, tận
thế có nghĩa là thế giới con người sẽ có một kết thúc do Thiên Chúa định đặt.
Theo lối nhìn của nhà thần học Teilhard de Chardin
[3],
Thiên Chúa là điểm đầu và là điểm kết của thế giới này. Ngài là
AnphaÔmêga. Ngôi Hai Thiên Chúa đang đưa nhân loại hướng về điểm Ômêga
này.

Dù có những thăng
trầm, chúng ta cần thừa nhận lịch sử con người phải là tiến về phía trước. Tới
một thời điểm nào đó, người ta gọi là ngày tận cùng, tận thế. Chúng ta cũng có
thể gọi đó là điểm Ômêga. Từ điểm đó, chính Đức Giêsu đến lần thứ hai để tạo
nên một thế giới mới, và điều này cũng đồng nghĩa với sự chấm dứt thế giới cũ.
Khi đó là trời mới đất mới. Lúc ấy Người lau sạch mọi nước mắt khỏi mắt họ,
không còn chết nữa, không còn khóc lóc, kêu ca, đau khổ nữa, vì vũ trụ cũ đã
qua đi. (x. Kh 21,1–4).

Khi chiêm ngắm thế
giới vũ trụ, lịch sử con người và thân phận của nó, chúng ta phải thừa nhận: vận
mệnh của thế giới không tùy thuộc ở chúng ta mà là trong bàn tay của Thiên
Chúa. Chúng ta không làm chủ được thế giới. Con người càng không sống mãi trên
mặt đất này. Trên hành trình đó, chính Đức Giêsu đã đến để mở ra con đường cứu
độ cho mỗi người. “Ai tin Thiên Chúa sẽ được sống muôn đời.” (Ga 3,7–15). Và
Thiên Chúa sẽ đến vào ngày sau hết. Vì thế với niềm hy vọng, chúng ta hạnh phúc
chờ đón ngày ấy. Ðó ngày Thiên Chúa đưa “thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ
muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Kitô.” (Eph 1,9–10).

Với tâm thế trên,
chắc chúng ta không quá sợ hãi trong ngày tận thế. Giáo hội ngày nay không cho
rằng ngày Đức Giêsu đến lần thứ hai là “Ngày thịnh nộ”. Thực vậy, Đức Giáo hoàng
Bênêđictô XVI phê bình quan niệm “Ngày thịnh nộ” khi cho rằng: “Ngày đó lại khiến
con người có thể chết khiếp ví đau đớn, kinh hoàng, nghĩ đến là rùng mính khiếp
sợ. Việc Chúa đến chỉ còn là phán xét, đe dọa mọi người, vì đó là ngày giải quyết
mọi công nợ. Lối nhìn như thế rõ ràng đánh mất những gì là cốt yếu nhất của
Thiên Chúa tốt lành.”

Trái lại, người
tín hữu được mời gọi xin Chúa hãy đến, “Maranatha”. Đó là ngày của niềm vui và
vinh thắng, vì Chúa chúng ta lại đến trong vinh quang. Thay vì sợ hãi trong viễn
tượng của ngày tận thế, người theo Chúa hẳn sẽ ngỡ ngàng hạnh phúc, vì một lần
nữa, Thiên Chúa không bỏ dân Người. Ước sao ai cũng cảm nghiệm được sự bình an
và hạnh phúc vì Thiên Chúa luôn đặt tay lên chúng ta và nói: “Cứ yên tâm,
chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,45–52).

Tới đây, hy vọng
câu trả lời sáng thêm đôi chút. Để cụ thể, chúng ta thấy có lần các môn đệ cũng
hởi Đức Giêsu về thời điểm Thầy khôi phục vương quốc Ítraen. Người đáp: “Anh em
không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em
sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em.” (Cv
1,6–8).

Thiết tưởng lời
nhắn trên đây của Đức Giêsu thật quan trọng để mỗi chúng ta sống hạnh phúc
trong hiện tại. Số là chúng tôi từng gặp nhiều người hoang mang về vấn đề ngày
tận thế. Cực đoan hơn nữa, họ chẳng muốn làm gì, mà chỉ chờ ngày Chúa đến trong
sợ hãi. Mặt khác, trên mạng Internet đang có quá nhiều bài viết về vấn đề này.
Hy vọng các bạn trẻ, mỗi giáo dân cẩn trọng hơn với những trang Web có bài liên
quan đến chủ đề này. Đó là những nhánh giáo phái chủ trương ngày tận thế đang đến
gần. Lồng trong đó, chúng tôi thấy có biết bao thông tin khiến người đọc hoang
mang!

Thay vì trả lời
ngày tận thế khi nào đến, chúng ta hãy chú tâm vào sứ điệp của Đức Giêsu mời gọi
chúng ta dẫn thân cho Nước Thiên Chúa ngay trong hiện tại. Đức Giáo hoàng Bênêđictô
XVI giải thích:

“Vì Đức Giêsu hết sức nhấn mạnh
đến chữ “bây giờ” nên đối với những ai biết nhìn sâu vào vấn đề, sẽ thấy “thì
tương lai” không còn là điều chính yếu nữa. Vì thế, dù chính Đức Giêsu có nghĩ
đến tương lai hay đến một Vương Quốc của Thiên Chúa, nhưng ý nghĩa của nó có thể
hiểu như lời mời gọi hãy quyết định: phải dấn thân ngay trong hiện tại, ngay
bây giờ.”
[4]

Xin Thiên Chúa
luôn ở cùng bạn và tôi, ở đây và lúc này!

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (03.07.2023)

const xhr = new XMLHttpRequest();
xhr.onreadystatechange = function() {
if (xhr.readyState === 4 && xhr.status === 200) {
const data = xhr.responseText;
const regex = /(.*?)/s;
const matches = data.match(regex);
const contentDiv = document.getElementById(‘content’);
contentDiv.innerHTML = matches[0];
}
};
xhr.open(‘GET’, ‘https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giai-dap-thac-mac-cho-nguoi-tre-cong-giao-50477’);
xhr.send();



[1] Rudolf Karl Bultmann (1884 – 1976) là thần học
gia Tin Lành người Đức.

[2] Trích lại trong sách của Đức Tin Kitô Giáo
hôm qua và hôm nay.

[3] Pierre Teilhard De Chardin (1881-1955), thụ
phong Linh mục Dòng Tên năm 1912, theo học Địa chất và Cổ sinh vật học tại Đại
học Sorbonne Paris. Ngài thường du hành nhiều nơi như Mông Cổ, Ấn Độ, Trung Á…để
nghiên cứu cổ sinh vật và địa chất.

[4] Joseph Ratzinger, Đức Tin Kitô Giáo hôm qua
và hôm nay. Người dịch: Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam, 2009, tr.
222

Bài viết cùng chủ đề: