NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA TÌNH YÊU HÔN NHÂN BỀN VỮNG

Aug. Trần Cao Khải

WHĐ (26.9.2021)Có
lẽ phần đông các bạn trẻ Công giáo không lạ gì với bài thánh ca hôn phối có tựa
đề “
Xin Định Nghĩa Tình Yêu”, của tác
giả LM Cao Huy Hoàng. Lời của bài hát như sau:
[1]

Yêu là chết đi, là
đóng đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu.

Yêu không là ngó nhau
nhưng là ngước cao cùng nhìn về bến mai sau.
Yêu xin đừng dối gian,
xin đừng trái ngang, dù lắm lo toan, xin đừng ly tan.
Yêu ta cùng ước giao,
dẫu ngàn khổ đau, một lần xin hứa trọn đời thủy chung.

ĐK: Hãy yêu như Giêsu, chết đi cho dương gian, đóng đinh cho
người mình yêu mến. Hãy yêu trong an vui, thủy chung trong đau thương, sống
trong cuộc đời đầy mến yêu.

Khi ngày tháng qua vẫn
thiết tha, dù lắm xót xa, duyên tình bao la.

Khi trong đời đắng
cay, vẫn niềm mến say và niềm hạnh phúc ngất ngây.
Xin cho tình sáng lên,
cho đời nắng lên, ngày tháng thắm lên khi đời buồn tênh.
Nhưng khi đời tối đen,
khi ngày tối đen, một lần xin hứa trọn đời thủy chung.

Bài hát trên đã gợi ý cho chúng ta suy nghĩ về tình yêu
trong hôn nhân Ki-tô hữu. Quả thực tình yêu đôi lứa không chỉ là màu sắc rực rỡ
như cánh hoa hồng, hay lung linh như hạt kim cương… Trái lại nó nhắc nhở chúng
ta rằng để duy trì mãi vẻ đẹp của tình yêu, đôi bạn trong cuộc sống lứa đôi phải
chấp nhận “trái đắng” của hôn nhân, nghĩa là phải biết hy sinh, chung thủy, có
chí hướng, có trách nhiệm, có thử thách, có khó khăn. Đôi bạn được mời gọi hãy
yêu như Giê-su, nghĩa là hãy yêu như Chúa đã yêu.

Đức Giê-su đã tuyên bố: “Không
có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn
hữu của mình
” (Ga 15, 13). Chúa đã dạy chúng ta hiểu thế nào là tình yêu
Agape và phải thực hành tình yêu ấy ra sao trong đời sống hôn nhân gia đình.
Tình yêu ấy là hi sinh tính mạng, là yêu đến cùng (x. Ga 13,1). Chính Ngài đã
làm gương cho chúng ta trước. Vì yêu và vì hạnh phúc của chúng ta, Ngài đã hi
sinh đến chết (x. Ga 10, 17 ; Pl 2, 8). Đó là mẫu mực của tình yêu đích thực,
tình yêu có sức mạnh cứu chuộc, thăng hoa và biến đổi. Vậy khi cam kết giao ước
hôn nhân, đôi bạn sẽ dõi theo tình yêu của Chúa Ki-tô mà sẵn sàng chấp nhận một
tình thương của người hi sinh mạng sống mình cho bạn.

Trong cuộc gặp gỡ vào chiều ngày 14-9-2021 vừa qua với giới
trẻ tại sân vận động Lokomotiva ở Košice nhân chuyến tông du tại đất nước
Slovakia, ĐTC Phan-xi-cô đã có bài huấn dụ tập trung vào việc trả lời các câu hỏi
mà các bạn trẻ đưa ra, với nội dung chủ yếu liên quan đến vấn đề tình yêu lứa
đôi. Mở đầu ngài nói:

Cha bắt đầu với câu
hỏi của các con về tình yêu lứa đôi. Tình yêu là giấc mơ lớn nhất của tất cả
chúng ta trong cuộc sống, nhưng đây không phải là giấc mơ rẻ tiền. Giống như tất
cả những điều tuyệt vời trong cuộc sống,
tình
yêu rất đẹp, nhưng không dễ dàng
. Tình yêu là giấc mơ, nhưng để giải thích
nó thì không dễ chút nào. Cha lấy lại một câu của các con. Các con đã nói rằng:
“Chúng con đã bắt đầu cảm nhận món quà này với đôi mắt hoàn toàn mới”. Các con
nói đúng: chúng ta cần phải có đôi mắt mới, đôi mắt không bị vẻ bề ngoài đánh lừa.
Các con thân mến,
chúng ta đừng tầm thường
hóa tình yêu
, bởi vì tình yêu không chỉ đơn giản là một cảm xúc hay cảm
giác, mặc dù nó có thể bắt đầu theo cách đó. Tình yêu không phải là có tất cả mọi
thứ và ngay lập tức, nó không đáp ứng luận lý sử dụng và vứt
bỏ.
Tình yêu là sự chung thủy, là món
quà và trách nhiệm
.”

Tiếp theo bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã nhận xét rằng: “Nếu các con nhớ lại một số câu chuyện tuyệt
vời mà các con đã từng đọc trong tiểu thuyết, hoặc xem trong những bộ phim khó
quên hoặc nghe kể một số câu chuyện cảm động, thì các con sẽ thấy rằng luôn có
hai điều đi cùng nhau: một là tình yêu, hai là phiêu lưu, tính anh hùng. Để làm
cho cuộc sống của chúng ta trở nên tuyệt vời, chúng ta cần tình yêu và sự anh
hùng.
Nếu chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu
trên Thánh giá, chúng ta sẽ thấy cả tình yêu vô biên và lòng can đảm của Người
trong việc trao ban cuộc sống đến cùng, không đo lường được
. Trước mắt
chúng ta là chân phước Anna Kolesárová, một nữ anh hùng của tình yêu. Ngài nói
với chúng ta hãy nhắm đến những mục tiêu cao. Xin các con đừng để những tháng
ngày của các con trôi qua như tiểu thuyết truyền hình nhiều tập
.”

Quả vậy, “Tình yêu không phải chỉ là một cảm xúc rạo rực của
thân xác; Cũng không phải là một lối yêu nhẹ dạ, hời hợt, lãng mạn hay chỉ chơi
qua đường; Tình yêu không phải chỉ ở thỏa mãn của đam mê, si tình, bất chấp đạo
nghĩa; Tình yêu không phải chỉ là tình dục, hưởng thụ như một dụng cụ… Con
người đã lạm dụng tính dục – nhân danh tình yêu ngay cả khi không yêu thương
chút nào.”
[2] Trái lại, tình yêu trong hôn nhân rất đa dạng và nhiều
ý nghĩa, đó là sự chia sẻ, trao ban, quên mình, có trách nhiệm, chung thủy, hiệp
nhất, tin tưởng, tôn trọng nhau, dâng hiến, vui thú, sinh con, cùng nhìn một hướng
vv.

Sau đây, chúng ta sẽ liệt kê và phân tích một số đặc điểm cơ
bản của tình yêu trong một cuộc hôn nhân được coi là bền vững và thành công. Ta
sẽ bàn về bảy đặc điểm sau: Tình yêu tự nguyện, tình yêu thấu cảm, tình yêu đồng
thuận, tình yêu tha thứ, tình yêu trách nhiệm, tình yêu tin tưởng và tình yêu
chung thủy.

1.- Tình yêu tự nguyện

Chúng ta đều biết rằng, sự ưng thuận tự do là điều kiện tất
yếu của hôn nhân Ki-tô hữu. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy rằng:

Hôn ước được ký kết
giữa người nam và người nữ, cả hai đã được rửa tội và tự do để kết hôn, và họ tự
nguyện bày tỏ sự ưng thuận của mình. “Tự do” nghĩa là: – không bị ép buộc; –
không bị ngăn trở theo luật tự nhiên hay giáo luật.
(số 1625)

Hội Thánh coi việc
trao đổi sự ưng thuận giữa hai người phối ngẫu như là yếu tố cần thiết “làm nên
hôn nhân.” Nếu thiếu sự ưng thuận, thì không có hôn nhân.
(số 1626)

Sự ưng thuận là một
“hành vi nhân linh, qua đó hai người phối ngẫu trao thân cho nhau và đón nhận
nhau”: “Anh nhận em làm vợ anh…”; “Em nhận anh làm chồng em…” Sự ưng
thuận này kết hợp hai người phối ngẫu với nhau, đạt đến sự hoàn hợp
(consummationem) khi hai người “trở nên một xác thịt.
” (số 1627)

Sự ưng thuận phải là
một hành vi ý chí của mỗi người phối ngẫu, tự do không bị tác động vì bạo lực
hay vì sợ hãi nghiêm trọng từ bên ngoài. Không có thế lực nhân loại nào có
thể thay thế sự ưng thuận đó. Nếu thiếu sự tự do này, thì hôn nhân không
thành sự.
” (số 1628)

Dựa vào kinh nghiệm thực tế, ta thấy rằng các cuộc hôn nhân
không xây dựng trên tình yêu tự nguyện sẽ không thể bền vững và hạnh phúc được.
Có thể gọi các cuộc hôn nhân này là “hôn nhân giả”, sai mục đích và không chân
thực. Chẳng hạn, hôn nhân vì tiền, vì lợi, vì danh, vì một ý đồ cá nhân hay vì
ham mê xác thịt. Cũng có loại hôn nhân vì áp lực gia đình, vì lỡ “ăn cơm trước
kẻng”, vì chiều theo sự xúi giục của người khác, vì ngoại hình, vì sắc đẹp, vì
muốn tìm một nửa để thoát khỏi cô đơn, buồn chán vv… Nói tóm lại, có muôn ngàn
lý do khiến người ta mất tự do và sự thoải mái chọn lựa cuộc hôn nhân của mình.

Các chuyên gia về hôn nhân gia đình đều cho rằng tình yêu tự
nguyện sẽ là chiếc khóa kỳ diệu giúp cho đôi bạn gắn bó và trung thành với nhau
suốt đời. Họ tự nguyện yêu nhau, tự nguyện kết hôn với nhau, tự nguyện sống
chung trong một mái ấm, tự nguyện xây dựng cuộc hôn nhân hạnh phúc, tự nguyện
chia sẻ trách nhiệm gia đình, tự nguyện chăm sóc và bảo vệ nhau suốt đời vv.
Chính tình yêu tự nguyện sẽ luôn là yếu tố hàng đầu giúp cho đời sống lứa đôi hạnh
phúc lâu dài.

2.- Tình yêu thấu cảm

Muốn cho cuộc hôn nhân bền vững, đôi bạn phải thể hiện tình
yêu không phải bằng những cảm xúc hời hợt, nông cạn bên ngoài, trái lại phải mở
rộng con tim, khối óc, sức lực cũng như mọi khả năng mình để có thể yêu bạn đời
một cách trọn vẹn, yêu “hết lòng, hết sức, hết trí khôn”. Tình yêu như vậy khiến
chúng ta liên tưởng tới điều mà các nhà tâm lý học gọi là tình yêu thấu cảm.
Người ta đã định nghĩa ngắn về thấu cảm như sau: “Thấu cảm là khả năng hiểu được
cảm xúc mà một ai đó đang trải qua. Nói một cách ngắn gọn, nó giúp đặt ta vào vị
thế của người khác và cảm thấy những gì mà người kia đang trải qua”.
[3]

Trong một bài báo có tựa đề “Tăng cường sự thấu cảm trong hôn nhân”, tác giả đã viết như sau:
“Thấu cảm là yếu tố cần thiết cho mọi mối quan hệ tích cực, đặc biệt là trong đời
sống hôn nhân. Khi thấu cảm, vợ chồng sẽ hòa hợp, ít xảy ra mâu thuẫn và có thể
giữ bình tĩnh tốt hơn trong lúc tranh cãi. Thấu cảm có thể diễn tả theo nhiều
cách. Đó là khả năng hấp thu những trải nghiệm và cảm xúc của bạn đời vào tâm trí
và cơ thể của bạn. Về cơ bản, bạn biết đặt bản thân vào vị trí bạn đời và cảm
nhận cô/anh ấy đang nghĩ gì…”
[4]

Như vậy, ta thấy rằng tình yêu thấu cảm trong hôn nhân sẽ
giúp đôi bạn hiểu nhau một cách sâu xa tận đáy lòng, giúp mỗi người biết đặt
mình vào vị trí của bạn đời để nhìn và hiểu sự việc theo cách của họ để có sự đồng
cảm và nâng đỡ. Người ta cho rằng, nếu một người trong cuộc hôn nhân từ chối
nhìn nhận mọi thứ từ góc độ của người kia, họ có thể sẽ gặp phải những “vấn đề
rắc rối” trong hôn nhân. Không có hai người nào có cùng suy nghĩ hoàn toàn giống
nhau, và không có hai người có cùng những trải nghiệm như nhau. Cả hai người
trong một mối quan hệ đều mang lại những ý tưởng, kinh nghiệm sống và cuộc đấu
tranh của riêng họ.
Nếu không dành thời
gian để cố gắng liên hệ với cảm xúc và quan điểm của nhau, những người trong mối
quan hệ hôn nhân có thể sẽ cảm thấy không được yêu thương và không được quan
tâm.

3.- Tình yêu đồng thuận

Ông bà ta thường nói “Thuận
vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn
”. Điều đó cho thấy rằng trong hôn nhân,
tình yêu đồng thuận có một sức mạnh kỳ diệu giúp đôi bạn giải quyết tốt đẹp nhiều
vấn đề hệ trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng trong hôn nhân
tìm được tiếng nói chung không phải là chuyện dễ dàng, bởi vì đơn giản là đôi bạn
là hai cá nhân khác biệt nhau mọi đàng, bá nhân bá tánh mà! Kinh nghiệm cho thấy,
yêu nhau đã khó, cưới nhau lại càng khó hơn, nhất là sống chung lâu dài với
nhau một cách êm ấm lại càng khó hơn gấp bội lần. Một danh nhân đã nói: “
Đám cưới nào cũng hạnh phúc cả, chỉ có cuộc
sống chung sau đó là có nhiều rắc rối
” (Raymond Hull).

Nhiều đôi bạn khi ra tòa xin ly hôn thường nêu lý do là họ
không hợp nhau. Con số này chiếm tỷ lệ khá lớn. Lý do chính yếu khiến vợ chồng
không hòa hợp được với nhau đó là vì giữa họ thiếu tình yêu đồng thuận. Tình
yêu đó dù không hóa giải mọi khác biệt giữa đôi bạn nhưng có thể giúp họ vượt
qua tính ích kỷ, vượt qua bệnh tự ái, vượt qua những suy nghĩ và thái độ chủ
quan để tìm ra tiếng nói chung thấu tình đạt lý nhất. Như người xưa thường nói
Yêu nhau trăm sự chẳng nề / Một trăm chỗ
lệch cũng kê cho bằng
”. Tình yêu chân chính và trưởng thành sẽ giúp đôi bạn
vượt qua những khác biệt của nhau để có tiếng nói chung, giúp nhau giải quyết tốt
những việc quan trọng trong gia đình.

Để phát huy tình yêu đồng thuận giữa hai vợ chồng, không thể
không kể đến hai yếu tố sau: Đó là sự tôn trọng và lắng nghe nhau. Tác giả cuốn
Những quy tắc trong đời sống vợ chồng”,
khi bàn về vấn đề lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau để cùng tìm ra tiếng nói
chung, đã viết như sau: “Trong cuộc sống hôn nhân, không thể tránh khỏi xảy ra
xung đột trong quan điểm, suy nghĩ. Để giải quyết xung đột này và cùng đi đến
giải pháp chung hợp lý cho cả hai không khó, nó chỉ đòi hỏi sự thông cảm, tế nhị
và ý thức từ hai phía. Có thể bạn là người rất có cá tính, có lập trường, có
quan điểm riêng và bạn có những lập luận chặt chẽ, hợp lý để bảo vệ quan điểm,
ý kiến của mình. Điều đó không sai, không phải là không tốt. Nhưng trong đời sống
vợ chồng, bạn cần linh động và nên nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh, thậm chí là
đặt mình vào vị trí của bạn đời để nhìn vấn đề sao cho hợp lý nhất”.
[5]

4.- Tình yêu tha thứ

Có thể nói, tất cả những ai đã trải qua đời sống hôn nhân
gia đình đều có chung một nhận định này là,
tha
thứ
là một việc làm khó khăn nhất mà họ phải thực thi khi xảy ra bất đồng
giữa hai vợ chồng. Chính vì mức độ khó khăn đặc biệt đó mà nhiều cặp đôi đã phải
ly thân hoặc ly hôn. Nguyên nhân chủ yếu là vì họ không thể tha thứ cho bạn đời
sau cãi vã mâu thuẫn. Nhiều người đã không ngần ngại nói rằng càng yêu, càng gắn
bó với nhau thì khó tha thứ cho nhau.

Thực vậy, tha thứ luôn là thử thách khó khăn nhất của hôn
nhân. Tha thứ được mô tả là hình thức tối thượng của tình yêu, bởi nó kiểm tra
độ sâu sắc, sức mạnh tình cảm của một cặp đôi. Sự tha thứ được ví như một nghệ
thuật có thể khiến ai đó phải mất cả đời để có thể thành thạo, một điều mà con
người không ngừng học hỏi trong cả cuộc đời mình. Nữ tiến sĩ Nathalie Sommer, một
chuyên gia về quan hệ hôn nhân của Đại học Yale, Mỹ, nhận định rằng tha thứ là
một trong những khía cạnh quan trọng và khó khăn nhất của một mối quan hệ. Tuy
nhiên, nếu chúng ta muốn có một mối quan hệ thực sự sâu sắc, mỗi người buộc phải
học cách tha thứ.
[6] Tha thứ trong cuộc sống vợ chồng luôn là một thách đố
khiến chúng ta phải luôn tỉnh táo, thông minh và đầy bản lãnh để học tập và thực
hành nghệ thuật này mỗi khi xảy ra xung đột mâu thuẫn.

Đối với Ki-tô hữu, tha thứ là lệnh truyền của Chúa. Nếu
chúng ta biết tha thứ cho nhau, thì đó là chúng ta đang thực hành điều mà Chúa
mong đợi nơi mỗi gia đình, nơi mỗi đôi vợ chồng. Chúng ta tha thứ để được-thứ-tha.
Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ tín hữu như sau: “
Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu
thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và
nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều
gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy,
anh em phải tha thứ cho nhau
” (Cl 3, 12-13).

Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn về những bổn
phận của gia đình Kitô hữu đã khuyên nhủ chúng ta như sau: “
Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp
gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông
này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để
thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau, và hòa giải với nhau. Không có gia đình
nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột
đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm
tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà xuất phát muôn vàn hình thức chia rẽ
khác nhau trong đời sống gia đình
” (số 21).

Thánh Phao-lô luôn khuyên nhủ chúng ta sống bí tích và mầu
nhiệm hôn nhân dựa trên mẫu mực tình yêu và mối tương quan gắn bó giữa Chúa
Ki-tô và Hội thánh. Đức Ki-tô đã yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì Hội
thánh, đã chăm sóc, nuôi dưỡng Hội thánh, đã hy sinh cứu chuộc Hội thánh thế
nào thì vợ chồng cũng phải sống và đối xử với nhau như vậy. Một cách cụ thể,
thiết thực hơn, tình yêu trong hôn nhân Ki-tô hữu cũng phải phỏng theo lòng mến
Ki-tô giáo, là điều mà thánh Phao-lô đã nhắc nhở trong thư 1Cor: “
Lòng mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen
tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,
không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui
khi thấy điều chân thật. Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất
cả…
” (x. 1Cor 13, 4-7)

5.- Tình yêu trách
nhiệm

Ông bà ta thường nói lập gia đình, kết hôn, lấy vợ lấy chồng
là đi “gánh vác”. Điều đó có nghĩa là khi bước vào đời sống hôn nhân, đôi bạn
trở nên hai người bạn đời, bạn đường của nhau, cùng liên kết trong một cuộc sống,
cùng chia sẻ một số phận và đồng trách nhiệm với nhau về mọi vấn đề trong gia
đình. Tinh thần trách nhiệm đòi hỏi cả hai người phải nỗ lực hy sinh cái “Tôi”
để lo cho cái “Chúng ta”. Như một danh nhân đã khẳng định: “
Hôn nhân chia nửa quyền lợi và gấp đôi nghĩa
vụ
(Arthur Schopenhauer). Nhận định
này rất đúng, vì khi kết hôn đôi bạn phải hy sinh những lợi ích riêng tư cá
nhân để chu toàn bổn phận làm vợ làm chồng, bổn phận làm cha làm mẹ trong gia
đình. Tinh thần trách nhiệm trong hôn nhân nhắc chúng ta đến hai việc, đó là sự
quan tâm chăm sóc giữa hai bạn đời với nhau, hai là sự cộng tác tích cực của
hai vợ chồng trong việc thực hiện bổn phận gia đình.

Sự chăm sóc và quan
tâm đến nhau
. Đây là dấu chỉ về một tình yêu đích thực, trưởng thành và
tinh tế, như có người đã nói: “
Ai thích
hoa thì tìm cách ngắt hoa. Nhưng người yêu hoa thì tìm cách chăm sóc hoa
”.
Bản thân vợ chồng phải được chăm sóc, vun xới từng giờ, từng phút, từ chuyện nhỏ
đến chuyện lớn, những lúc vui sướng cũng như lúc gian nan. Sự chăm sóc đôi khi
đơn giản, nhỏ bé nhưng lại có vai trò to lớn trong cuộc sống vợ chồng. Sự quan
tâm không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn qua những cử chỉ, hành động thiết thực,
cụ thể. Chẳng hạn, hãy thường xuyên nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau tâm sự,
khen ngợi nhau khi cần thiết, chia vui sẻ buồn với nhau, nghĩ đến nhau những dịp
đặc biệt như sinh nhật, bổn mạng, ngày kết hôn… Quả thực, sự quan tâm đến nhau
được coi như chất keo giúp gắn kết hai bạn đời bền chặt mãi mãi.

Đồng cam cộng khổ,
cùng chia sẻ trách nhiệm chung trong gia đình
. Ngày nay, nhiều bạn trẻ tỏ
ra thất vọng rất lớn về bạn đời của mình chỉ vì người ấy không quan tâm đến những
việc chung của gia đình. Nhiều bà vợ than phiền các ông chồng lười biếng và ỷ lại
vào sự đảm đang của vợ mà bỏ bê việc gia đình. Điều đó khiến người vợ mệt mỏi
và thất vọng vì gia đình là của chung, hôn nhân là do hai người cùng kiến tạo
và niềm hạnh phúc là do hai người cùng chia sẻ. Trên thực tế, ta thường nghe vợ
than chồng mê game mà bỏ bê gia đình. Trong khi ấy, chồng phàn nàn vợ ghiền mạng
xã hội hơn là chồng con. Điều đó dễ dẫn đến cảnh xào xáo bất an trong gia đình.

Trong cuốn “Những quy
tắc trong đời sống vợ chồng
”, tác giả đã đưa ra 3 cái “cùng” đối với đôi vợ
chồng, đó là: Cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau chăm sóc con cái, cùng nhau quyết
định mọi việc trong gia đình. Tác giả đã phân tích như sau:

“Thật sai lầm khi người vợ ôm đồm hết mọi thứ và để người chồng
đi làm về ‘ngồi chơi xơi nước’. Thứ nhất, vợ tập cho chồng thói quen ỷ lại, lười
biếng và thiếu trách nhiệm. Thứ hai, vợ đang tự biến mình thành người giúp việc
trong nhà, chứ không còn là vợ. Cuối cùng về lâu dài, việc này ảnh hưởng không
nhỏ đến tình cảm của vợ chồng đôi bạn. Hôn nhân là sự hợp tác, chia sẻ, và mọi
trách nhiệm đều phải được phân công với nhau.

Ngoài ra, là vợ chồng, đôi bạn nên trao đổi, thống nhất với
nhau để đưa ra quyết định cho mọi việc dù lớn hay nhỏ trong gia đình. Có nhiều
gia đình phần lớn mọi việc do chồng hay do vợ quyết định, người còn lại chỉ biết
lắng nghe theo và ít khi tham gia ý kiến. Đó không phải là biểu hiện của một cuộc
hôn nhân hạnh phúc. Nó thể hiện sự thiếu cân bằng về trọng lượng lời nói, vị thế
của nhau trong hôn nhân. Để hôn nhân bền vững và hạnh phúc, một nguyên tắc cần
tuân thủ nghiêm ngặt, đó là mọi việc quan trọng trong gia đình, cả hai vợ chồng
đều phải bàn bạc, nêu ra ý kiến của mình để có quyết định thống nhất”.
[7]

Có thể khẳng định là sự thành công và bền vững của cuộc hôn
nhân không do tài năng của đôi bạn mà chính là do sự đồng tâm hiệp lực của cả
hai người trong gia đình.

6.- Tình yêu tin tưởng

Người ta thường nói thứ đắt giá hơn vàng hay kim cương đó
chính là lòng tin. Những thứ khác có thể mua được còn lòng tin thì không. Trong
các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là giữa hai vợ chồng, lòng tin hay niềm tin giữ
một vị trí cực kỳ quan trọng. Nếu đôi bạn vì một lý do nào đó không còn tin
nhau nữa thì cuộc hôn nhân có nguy cơ đổ vỡ. Ngược lại, một khi đôi bạn biết đặt
hết niềm tin vào nhau, thì tình yêu sẽ luôn tươi đẹp và cuộc hôn nhân có lý do
bền vững lâu dài.

Tác giả cuốn “Những
quy tắc trong đời sống vợ chồng
” đã bàn về một quy tắc quan trọng, đó là vợ
chồng hãy
tin tưởng nhau. Tác giả viết
như sau: “Niềm tin là điều cơ bản nhất trong mọi mối quan hệ, đặc biệt là quan
hệ hôn nhân. Nó như thước đo sức mạnh cũng như mức độ bền chặt trong hôn nhân.
Khi ta cảm thấy sự an toàn, tính tích cực về bạn đời, thì tức là niềm tin của
ta dành cho bạn đời càng lớn. Tin tưởng nhau là yếu tố cần thiết của mối quan hệ
hai người. Ta có thể xem đây là một sự đầu tư dài hạn mà phần lãi sẽ lớn dần
theo thời gian. Khi đôi bạn tin tưởng nhau, cuộc sống sẽ trở nên tuyệt vời hơn
bao giờ hết, sự căng thẳng sẽ không thường trực trong đời sống hằng ngày của họ.
Không gì có thể tệ hơn một cuộc hôn nhân mà vợ chồng không tin tưởng vào nhau.”
[8]

Dựa vào thực tế, ta thấy hầu hết các đôi vợ chồng mâu thuẫn,
bất đồng, đay nghiến nhau chỉ vì nảy sinh mối nghi ngờ nhau từ những chuyện thường
nhật như tiền bạc, quan hệ bạn bè đồng nghiệp, chuyện đi sớm về khuya, những
thay đổi bất thường, cho đến chuyện bồ bịch, ngoại tình này nọ vv…Những sự việc
này khiến cho vợ chồng nghi ngờ sau, từ chuyện lớn đến việc nhỏ, từ ngày này
qua ngày khác, khiến cho mối quan hệ hai bạn luôn căng thẳng và cuộc sống gia
đình không lúc nào được bình an, êm ấm.

Các chuyên gia về tình yêu hôn nhân cho rằng, niềm tin là điều
kiện tiên quyết của tình yêu. Trong cuộc sống này, để thân thiết với một người,
thì niềm tin phải đến từ cả hai phía, để hết lòng yêu thương một người, cũng cần
niềm tin đến từ hai phía. Niềm tin, là một thứ giúp sinh mệnh của tình yêu
tiếp tục tồn tại. Nếu đã yêu, thì hãy tin tưởng. Đừng quá đặt nặng lòng nghi ngờ,
sự nghi ngờ cũng rất mỏi mệt. Hãy mở lòng tin tưởng nhau, điều đó không chỉ khiến
lòng ta dễ chịu, mà cũng khiến tình yêu bền vững hơn.

7.- Tình yêu chung thủy

Ca dao VN có câu: “Thương
nhau tạc một chữ tình / Trăm năm thề quyết bạn mình có nhau
”. Nếu đôi bạn
mong ước cuộc hôn nhân của mình đạt được điều mà người ta thường cầu chúc “Trăm
năm hạnh phúc”, thì điều quan trọng là phải luôn gìn giữ và nâng niu, đó là
lòng chung thủy. Đã nói yêu thực tình thì phải giữ lời hứa thủy chung với nhau.
Chúng ta hãy nhớ lại lời tuyên hứa khi cử hành Bí tích Hôn phối: “
Anh/ Em là  nhận anh/ em  làm
vợ của anh/ em, và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc
gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em mọi
ngày suốt đời anh
”. Quả thực, một tình yêu chân chính, tự nguyện, có trách
nhiệm bao giờ cũng bao hàm đặc tính của sự chung thủy, bất khả phân ly.

LM Nguyễn Hữu Thy, trong cuốn “Những suy tư đúng đắn về Hôn nhân và Gia đình Công Giáo”, đã nêu
lên ba yếu tố quan trọng nhất mà một cuộc sống hôn nhân Công Giáo cần phải có để
bảo đảm được sự tồn tại và hạnh phúc của mình. Đó là tình yêu, sự chung thủy và
phép lành của Thiên Chúa. Về sự chung thủy, tác giả viết như sau:
[9]

“Lời thề hứa hoàn toàn tự nguyện của hôn nhân là một cam kết
bó buộc và bất khả tháo gỡ đối với các đôi vợ chồng. Tính chất đặc thù này của
lời thề hứa hôn nhân hoàn toàn không phải là một gánh nặng bất khả kham, nhưng
là một phương tiện hữu hiệu giúp cho các đôi vợ chồng rèn luyện và thăng tiến
được chính con người mình cũng như bảo đảm cho cuộc sống hôn nhân của họ được bền
vững trước các sóng gió cuộc đời. Chính nữ triết gia Hannah Arendt đã nhận định:
Nếu không bị bó buộc phải thực thi các lời
đã hứa, ta sẽ không khi nào duy trì được các căn tính của ta và bị giằng co xâu
xé bởi đủ thứ mâu thuẫn…

Ở đoạn kết thúc phần nói về
sự chung thủy trong hôn nhân, tác giả nhấn mạnh như sau: “Sự chung thủy hôn
nhân không chỉ giới hạn trong phạm vi sự chung thủy về tính dục, nhưng còn bao
hàm trong hành động cụ thể của bản thân mỗi người nữa, đó là họ phải luôn công
khai bày tỏ một cách dứt khoát:
Tôi thuộc
về vợ/ chồng tôi.
Sự chung thủy hôn nhân đòi tôi phải thực sự tôn trọng vợ/
chồng tôi. Sự chung thủy hôn nhân đòi tôi phải quan tâm tới điều chính đáng mà
vợ/ chồng tôi cần tới và mong ước. Sự chung thủy hôn nhân đòi hỏi phải luôn biết
tận tâm an ủi và nâng đỡ người vợ/ chồng của mình. Sự chung thủy hôn nhân đòi hỏi
phải luôn biết cầu nguyện cho nhau và biết tín thác cuộc sống lứa đôi của mình
cho sự quan phòng đầy yêu thương và phép lành của Cha trên trời”./.



[5] 
Alpha Books – Bài đd – NXB LĐ-XH năm 2018 trang
21

[7] Alpha Books
biên soạn – Những quy tắc trong đời sống vợ chồng – NXB Lao động Xã Hội năm
2018 trang 39 và 44

[8] Alpha Books
biên soạn – Những quy tắc trong đời sống vợ chồng – NXB Lao động Xã Hội năm
2018 trang 84

[9] LM Nguyễn
Hữu Thy – Những suy tư đúng đắn về Hôn nhân và Gia đình Công Giáo – TTMV CG VN
Gp Trier CHLB Đức năm 2012 trang 90-92

Bài viết cùng chủ đề: