Đức Giêsu chữa
lành bà mẹ vợ Thánh Phêrô, Tranh John Bridges, 1839, Bảo tàng Birmingham
Museum of Art

BÀ VỢ CỦA THÁNH PHÊRÔ
(Mt 8,14-15 và 1 Cr
9,5)

Tác giả: Gina Karssen

WGPQN (08.10.2021) – Kinh Thánh thậm chí không nói cho chúng ta biết tên bà.
Chúng ta chỉ biết bà qua ông chồng và bà mẹ của bà. Hình thể, tính cách, trò
tiêu khiển, sở thích, tác giả thấy không cần nói cho chúng ta biết. Vì thế, phụ
nữ ngày nay dường như ít quan tâm đến bà. Tuy nhiên, khi nghiên cứu sâu hơn những
gì có thể biết được về bà, ta thấy có nhiều điểm chung mà có thể rút ra được những
bài học cho cuộc sống của chúng ta.

Bà sống ở Capharnaum, một thành phố cảng nhỏ miền tây bắc biển
Galilê. Như hầu hết đàn ông trong vùng, ông chồng Phêrô của bà hành nghề ngư phủ. 
Ngày nay, người ta vẫn còn có thể thưởng thức một món ăn gồm một con cá lớn
trên đĩa được gọi là món “cá Phêrô” (poisson de Pierre).

Capharnaum được gọi là “Thành phố của Đức Giêsu”. Thật vậy,
phần lớn cuộc đời trần thế, Ngài đã làm việc tại đây. Từ đây, Ngài cũng đã đến
với các thành lân cận. Một vài nhà chú giải cho rằng Ngài sống cùng nhà với
Phêrô và bà vợ ông. Mặc dù thiếu những bằng chứng Kinh Thánh chính thức, song
điều này cũng có thể xảy ra vì chúng ta biết rằng Đức Giêsu chẳng sở hữu tài sản
gì ở dưới thế gian này. Dù sao Ngài cũng đã vào trong căn nhà này lúc bà nhạc của
Phêrô bị bệnh và chữa lành bà cách lạ lùng.

Có ba điều mà chúng ta dễ dàng đồng hóa với bà vợ của Phêrô:
sự bất an, sự cô đơn và sự thông cảm với chồng mình. Khi Phêrô quyết định theo
Đức Giêsu cùng với anh mình là Anrê (ông này cũng sống cùng nhà với họ) thì
không còn ai kiếm cơm trong nhà này nữa. Người ta không nói rằng hai người đánh
cá này – cũng như hai anh em khác là Giacôbê và Gioan – đã giao công việc lại
cho người thứ ba. Trong tình cảnh này, ai sẽ nấu nướng phục vụ gia đình? Trong
gia đình của Phêrô, ai sẽ tính toán chi tiêu? Ai sẽ sửa chữa những hư hỏng vụn
vặt?

Ở thời đại chúng ta, như ngày xưa, chính bà chủ nhà làm những
công việc này. Thường thì những công việc này làm phát sinh tranh cãi và phải
có thần kinh vững mới làm chủ được tình hình.

Và rồi sự cô đơn. Nó chợt đến mỗi cuộc hành trình của Phêrô
đồng hành với Đức Giêsu và các môn đệ đi Giêrusalem. Người ta không nói rằng bà
vợ này đi theo chồng mình như bà vợ của Dêbêđê.

Lối sống này cho Phêrô một kinh nghiệm khác thường. Ngày qua
ngày cùng với Đức Giêsu, nghe lời Ngài, đi theo Ngài cùng với các môn đệ khác,
gặp gỡ đám đông người, tất cả những điều này không tẻ nhạt. Trọn ngày đầy ắp những
công việc.

Nhưng đối với bà vợ mình, đó là sự cô đơn. Tình cảnh mà các
bà vợ của những viên chức cao cấp, nhà kinh doanh, các thủy thủ hay binh lính đều
biết rõ.

Ở thời đại chúng ta, một cú điện thoại hay một bức thư chợt
đến là có thể chấm dứt sự cô đơn. Nhưng đối với người bạn đời của Phêrô, chẳng
bao giờ có chuyện đó; không có truyền thanh hay truyền hình để nắm bắt tin tức.
Ấy vậy mà ta biết rằng sự vắng mặt lâu dài của người chồng thường đưa đến ly
thân, thậm chí ly dị.

Trong bất kỳ tương quan nào giữa các cá nhân, điều thiết yếu
là biết thích ứng với người khác. Thích ứng lại còn là điều quan trọng hơn nữa
trong hôn nhân và là điều cần thiết ngay cả khi các đối ngẫu yêu nhau chân
thành và mãnh liệt. Trong vở diễn cuộc sống này, bà vợ của Phêrô đã đóng trọn
vai trò của mình cách xuất sắc.

Phêrô là người ngoại thường, hơn những đồng môn ở nhiều khía
cạnh. Nhiệt tình, tràn trề năng lượng và can đảm, Phêrô không dừng lại trước bất
kỳ vấn đề gì. Đối với ông, không có nửa vời. Không dễ sống với ông, điều này
thì không!

Ngoài những tính chất đáng kể này, Phêrô cũng có những yếu
đuối. Ông bốc đồng và khó đoán trước. Thậm chí dường như ông thiếu sự quan tâm
và tình yêu đối với tha nhân. Đôi khi ông có khuynh hướng nhanh nhảu đoảng, điều
làm ông khó được chấp nhận.

Một đàng, ông có một giác quan thiêng liêng sâu sắc khiến
ông tuyên xưng: “
Thầy là Đức Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống
” (Mt 16,16); đàng khác, ông lại chối bỏ: “Tôi không biết người này!” (Mt 26,72). Về
đức tin, Phêrô gợi lên sự thán phục và sự tôn kính, và đàng khác ông cũng đã được
mời gọi sống theo ân sủng và sự thứ tha như bất kỳ ai trong chúng ta.

Rất thường là chúng ta muốn biết nhiều về nhân vật nào đó
trong Kinh Thánh. Tuy nhiên Chúa Thánh Thần đã giấu nhiều dấu vết đi và hạn chế
ở điều chính yếu. Về bà vợ ông Phêrô, chúng ta phải bằng lòng với rất ít chi tiết.
Sự khó khăn của đời sống đã không khiến bà thối chí, cũng không khiến bà ngậm đắng
nuốt cay. Đó là điều mà chúng ta có thể suy ra khi đọc 1 Cr 9,5: “Phải chăng
tôi không có quyền… đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như
các anh em của Chúa và như ông Kêpha?”. Trong đoạn văn này, Thánh Phaolô nói về
bà như một người chị em, một người vợ tín hữu, một bạn đồng hành của Kêpha
(Phêrô) trong những chuyến hành trình truyền giáo, khoảng 30 năm sau đó.

Phêrô lúc này là một người nói và hành động với thẩm quyền
giữa lòng Giáo Hội Do Thái – Kitô giáo. Là nhân vật chính trong ngày lễ Ngũ Tuần
khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ, ông còn là người đầu tiên mang
Tin Mừng đến với người không Do Thái và ngoại giáo. Từ Thánh Phêrô toát ra một
sức mạnh thiêng liêng đến nỗi người bệnh được chữa lành chỉ vì cái bóng của ông
ngã xuống trên người họ (Cv 5,15). Trong trường hợp bà Tabitha (Cv 9,36-42),
ông còn làm cho một phụ nữ sống lại.

Những thư mục vụ của Phêrô cho ta thấy đó là một người cân bằng
và đầy lòng thương cảm. Sự biến đổi này là kết quả của cuộc sống bên cạnh Đức
Giêsu, và hơn nữa, có Chúa Thánh Thần hành động ở trong ông. Khi sự biến đổi
này xảy ra trong ông, bà vợ ông cũng chọn cách đi theo ông. Từ lâu, bà đã chăm
chú quan sát Đức Giêsu. Chắc chắn khi ấy Ngài đã trở thành Đấng Cứu Thế của
riêng bà. Những bài học được khi quan sát Đức Giêsu không phải lúc nào cũng dễ
chấp nhận. Dù sao, bà cũng đã quyết định theo gương Ngài.

Bà cũng đã có dịp quan sát thái độ của Đức Giêsu đối với
Phêrô: tình yêu thương và lòng kiên nhẫn đối với ông. Bà cũng đã nhận thấy rằng
Đức Giêsu đã nhìn thấy bên kia con người bất toàn của Phêrô là một con người mà
Phêrô sắp trở thành. Thật dễ dàng khi mường tượng ra sự vui sướng của bà, sau
này, khi bà đọc qua bờ vai chồng mình rằng ông đã thích thú như thế nào khi có
được một người vợ tín hữu ở bên cạnh mình trong 1 Pr 3,1-6:

Chị em là những người
vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời
Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần
chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của
chị em. Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết
tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với
đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều
quý giá trước mặt Thiên Chúa. Xưa kia, các phụ nữ thánh thiện là những người
trông cậy vào Thiên Chúa, cũng đã trang điểm như thế; họ đã phục tùng chồng.
Như bà Xara, bà đã vâng phục ông Ápraham, và gọi ông là “ông chủ”. Chị
em là con cái của bà, nếu chị em làm điều thiện và không sợ hãi trước bất cứ nỗi
kinh hoàng nào.

Gương mẫu của bà vợ ông Phêrô luôn đáng giá. Dù có những vấn
đề, những thất vọng, sự cô đơn và lo lắng, vẫn luôn có một niềm hy vọng và một
tương lai. Nhưng đối với người vợ thời xưa này cũng như quý bà ngày nay, tất cả
đều bắt đầu ở dưới chân Đấng Cứu Thế. Khi ấy, bà biết chấp nhận chồng mình như
ông là, dưới ánh sáng của Đức Kitô. Đó là điều được gọi là thi hành Lời đã để lại
cho chúng ta.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ từ Gina Karssen, Dans l’ombre de leur Maître: Femmes méconnues
de la Bible,
La Maison de la Bible, 2014, tr. 10-14

Nguồn: gpquinhon.org (08.10.2021)

Bài viết cùng chủ đề: